Giúp người nghèo về vật chất để họ vượt qua khó khăn cuộc sống đời thường là một nghĩa cử cao đẹp, là việc kế thừa và phát huy truyền thống tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách của dân tộc ta. Chương trình, mục tiêu giảm nghèo của Chính phủ không dừng lại ở việc xoá đói giảm nghèo mà còn triển khai mạng lưới trợ giúp pháp lý trên toàn quốc nhằm nâng cao dân trí, cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí cho người nghèo và đối tượng chính sách, giúp người được trợ giúp pháp lý bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình, nâng cao hiểu biết pháp luật, ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật; góp phần vào việc phổ biến, giáo dục pháp luật, bảo vệ công lý, bảo đảm công bằng xã hội, phòng ngừa, hạn chế tranh chấp và vi phạm pháp luật.
Những người trực tiếp làm công tác trợ giúp pháp lý là những người gần dân, hiểu dân, biết được những khó khăn những bức xúc, những thiệt thòi của người dân ở vùng sâu vùng xa, những nơi cần được sự quan tâm của xã hội về nhiều mặt. Không những vậy họ có điều kiện được thường xuyên chuyền tải chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật đến với mọi miền của đất nước.
Người thực hiện trợ giúp pháp lý muốn làm được công việc đó họ phải có tâm có đức, phải có sự chia sẻ, đồng cảm, phải coi việc trợ giúp pháp lý cho người dân là vinh dự, tự hào là trách nhiệm nặng nề nhưng rất đỗi tự hào. Hơn ai hết họ đã có quan điểm tình cảm, sự hy sinh, biết chịu thiệt thòi nhưng tâm hồn họ thanh thản, họ coi đóng góp của họ là việc tri ân, là quá trình tích đức. Làm nhiều việc tốt, nhiều việc thiện sẽ tích luỹ, sẽ quen dần
với khó khăn về vật chất nhưng đổi lại có tâm hồn có tình cảm và tâm sẽ trong sáng hơn.
Thật vậy, ngoảnh lại quá khứ, thời gian trôi đi thật nhanh, nhìn lại quá trình cuộc sống , công việc mỗi người cũng nghĩ rằng mình làm được gì cho đời, để lại những gì cho đời, cho bản thân cho gia đình, bạn bè, mãi đẹp trong ký ức và thời gian – có lẽ vật chất rồi cũng chuyển hoá, rồi cũng đi về với cát bụi nhưng giá tri phi vật chất, giá trị đạo đức, những đóng góp thầm lặng của những người vì người nghèo, người có công với cách mạng luôn trường tồn với thời gian.
Trong một góc độ, khía cạnh nào đó, trong đời sống tâm linh, trợ giúp pháp lý cho người nghèo là giúp người, mà giúp người là giúp mình, là có phúc có phần. Cuộc sống của con người nên phải luôn hướng đến giá trị chân, thiện, mỹ. Mỗi ngày làm một việc tốt việc thiện, rồi một tháng ,nhiều tháng, nhiều năm; con người ta dần quen với thói quen, quen với công việc giúp người; thói quen đó trở thành “ mệnh lệnh” của trái tim nên không làm khác được.
Nên chăng những người làm trợ giúp pháp lý thấu hiểu giá tri này để làm tốt hơn nữa công tác TGPL, đóng góp nhiều hơn nữa cho sự nghiệp TGPL nước nhà. Là người tuy không được công tác lâu trong lĩnh vực TGPL, nhưng tôi luôn nhận rõ tính nhân đạo, cái quí giá và đáng trân trọng của công tác TGPL. Chia tay với TGPL làm lĩnh vực mới nhưng bản thân tôi luôn nhớ về kỷ niệm về hoạt động TGPL về con người TGPL, thấy được đóng góp của TGPL không nhỏ và rất nhân văn.
Thật là khó quên những buổi đi lưu động, tư vấn pháp luật trợ giúp pháp lý cho bà con, giúp cho họ phân xử được các tranh chấp các mâu thuẫn trong làng trên xóm dưới, trong anh em họ hàng để họ tự hoá giải các mâu thuẫn, lấy lại những mất mát trong tình cảm bấy lâu dằn vặt ấp ủ muốn giải quyết để có sang thế giới bên kia cũng được thanh thản, để được tiễn biệt nhau cũng không khỏi quặn lòng.
Được làm việc nhiều, đi nhiều, hiểu nhiều, giúp được nhiều mảnh đời éo le, bất hạnh, giúp họ vui hơn, sống tốt hơn góp phần đem lại bình yên cho làng quê đất nước là bổn phận trách nhiệm của người thực hiện TGPL đồng thời cũng giúp cho những người thực hiện TGPL có tấm lòng trong sáng hơn.
Nguồn tin: Văn phòng luật sư Đồng Đội