Câu hỏi: Chuyển khoản ngân hàng nhầm cho người khác có đòi lại được không? Nên làm gì khi chuyển khoản nhầm?
Trả lời:
Hiện nay, cùng với sự phát triển của hệ thống ngân hàng, dịch vụ thanh toán online (Internet banking) cũng phát triển mạnh. Các giao dịch hầu hết được thực hiện bằng điện thoại, tạo ra sự thuận lợi cho người dùng. Tuy nhiên, các hoạt động này cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro, gây bất tiện hoặc đôi khi là thiệt hại về tài sản cho người sử dụng. Trường hợp phổ biến xảy ra đó là, người chuyển khoản thao tác không chính xác, dẫn tới chuyển tiền nhầm cho người nhận. Do kiến thức pháp luật còn hạn chế, kết hợp với sự phức tạp của công nghệ thông tin trong hoạt động chuyển khoản nên đa số các trường hợp này đều dẫn tới hậu quả là “tiền mất tật mang”.
Vậy trong các trường hợp chuyển khoản nhầm, người chuyển nên làm gì để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình?
Chia sẻ về vấn đề này, Luật sư Trần Xuân Tiền – Trưởng Văn phòng Luật sư Đồng Đội cho biết cần xem xét các quy định của pháp luật dân sự về xác lập quyền chiếm hữu, sở hữu với tài sản để có căn cứ yêu cầu người nhận nhầm hoàn trả tài sản cho chủ sở hữu, cụ thể như sau:
Việc chiếm hữu, sử dụng số tiền chuyển khoản nhầm là không có căn cứ pháp luật. Bởi lẽ trong trường hợp này, người chuyển hoàn toàn không có ý thức muốn chuyển tiền cho người nhận nhầm, việc người nhận có được số tài sản là do sự nhầm lẫn, sơ suất của người chuyển mà có được số tiền đó. Do vậy, người nhận nhầm không có quyền chiếm hữu, sở hữu cũng như sử dụng số tiền này.
Theo quy định tại Điều 579 Bộ luật dân sự 2015, thì người chiếm hữu, người sử dụng tài sản của người khác mà không có căn cứ pháp luật thì phải hoàn trả cho chủ sở hữu, nếu không tìm được chủ sở hữu đối với tài sản thì phải giao cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Như vậy, người nào nhận được số tiền mà biết đó là do người khác chuyển khoản nhầm (hai bên không có quan hệ vay nợ, mua bán trao đổi hàng hóa trước đó) thì phải có trách nhiệm hoàn trả lại cho chủ sở hữu. Nếu vì điều kiện hoàn cảnh mà không tìm được chủ sở hữu, thì phải giao số tiền này cho cơ quan nhà nước. Trong các trường hợp tương tự, người nhặt được của rơi hay cầm nhầm tài sản thường đến cơ quan công an địa phương để trình báo, do bản chất các sự việc này là tương đối giống nhau, nên người nhận nhầm tiền chuyển khoản cũng nên tới cơ quan công an để trình báo và giao nộp số tiền này.
Trong trường hợp, người nhận nhầm có ý muốn chiếm đoạt tài sản và sử dụng thì đây là hành vi vi phạm pháp luật và sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự tùy vào tính chất, mức độ của hành vi, cụ thể như sau:
– Về xử phạt vi phạm hành chính: Người sử dụng trái phép hoặc chiếm giữ tài sản của người khác sẽ bị xử phạt từ 3 đến 5 triệu đồng và bị buộc trả lại số tài sản chiếm giữ bất hợp pháp.
– Về trách nhiệm hình sự: Căn cứ theo Điều 176 Bộ luật hình sự, các đối tượng cố tình không trả lại tài sản cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc không giao nộp số tài sản bất chính cho cơ quan có thẩm quyền thì có thể bị phạt tiền từ 10 đến 50 triệu đồng, hoặc đối mặt với hình phạt tù cao nhất lên đến 5 năm, tùy thuộc vào giá trị tài sản chiếm giữ trái pháp luật.
Luật sư Tiền chia sẻ thêm, trong các trường hợp chuyển khoản nhầm, người chuyển nên nhanh chóng chuyển thêm cho người nhận nhầm một số tiền nhỏ (khoảng 5 đến 10 ngàn đồng) kèm theo nội dung chuyển khoản thể hiện rõ rằng mình đã chuyển khoản nhầm. Sau đó, bình tĩnh lưu lại các thông tin chuyển khoản như số tài khoản đã chuyển nhầm, chủ tài khoản, tên ngân hàng và hóa đơn điện nhận đang sử dụng, cung cấp các thông tin về giao dịch sai sót và yêu cầu giao dịch viên xác minh, cung cấp thông tin của chủ tài khoản đã nhận nhầm số tiền. Với các thông tin có được, người chuyển cần nhanh chóng liên lạc với người nhận nhầm nhằm thương lượng để xin lại số tiền đã chuyển nhầm. Trong trường hợp bên nhận nhầm không có thiện chí hoàn trả lại số tiền, có ý muốn chiếm đoạt, sử dụng hoặc tẩu tán số tiền nhận được, thì người chuyển cần nhanh chóng liên hệ với cơ quan cảnh sát điều tra trên địa bàn có chi nhánh ngân hàng người nhận nhầm đang sử dụng, đề nghị cơ quan cảnh sát điều tra thực hiện phong tỏa tài khoản người nhận nhầm, tránh việc số tiền đã chuyển bị tẩu tán hoặc rút ra để sử dụng.
Nếu gặp khó khăn, người chuyển nên liên hệ luật sư để được hỗ trợ và thực hiện các bước cần thiết để bảo vệ tài sản của mình, tránh “tiền mất tật mang”.
Thông tin liên hệ:
Văn phòng luật sư Đồng Đội: P2708, Tòa nhà VP3 Bán đảo Linh Đàm, Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội
Điện thoại: 0936.026.559 – Email: tranxuantien1964@gmail.com
Website: https://dongdoilaw.vn
Facebook: https://www.facebook.com/dongdoilaw
Youtube: https://www.youtube.com/c/VănphòngluậtsưĐồngĐội
Tiktok: https://www.tiktok.com/@vpls_dongdoi
Người viết: Trần Đạt – CVPL Văn phòng Luật sư Đồng Đội