Những ngày gần đây, trên khắp các trang báo, các mạng xã hội và trên nhiều diễn đàn, cộng đồng mạng chia sẻ rất nhiều về vụ việc cháu bé 8 tuổi (tên V.A) tại TP. HCM nghi bị người phụ nữ là vợ sắp cưới của bố mình đánh đập, hành hạ dẫn đến tử vong. Cảm xúc chung của tất cả mọi người khi nhắc đến vụ việc thương tâm nói trên là sự bàng hoàng, đau xót và phẫn nộ trước hành vi mất nhân tính của người phụ nữ này đối với cháu bé.
Được biết, bố và mẹ cháu bé đã ly hôn từ tháng 8/2020, tuy nhiên, khi vừa ly hôn với mẹ cháu bé chưa đầy một tháng, người bố và người phụ nữ này (tên NVQT) đã dọn đến chung sống như vợ chồng tại căn hộ chung cư. Đến tháng 9/2021 khi V.A. bắt đầu học online, T. được giao nhiệm vụ kèm cháu học, nhưng T. Lại dùng cách “dạy dỗ” bằng roi mây và thanh gỗ để đánh cháu bé trong suốt thời gian vừa qua. Trong quá trình mở rộng điều tra, việc khôi phục được dữ liệu camera tại căn hộ chung cư đã cho thấy, ngày 22/12, sau khi bị “nữ quái” dùng cây gỗ đánh nhiều lần trong thời gian tới 4 giờ đồng hồ, V.A. đã có biểu hiện nôn ói, sức khoẻ yếu, mặc dù đã gọi cấp cứu đến nhưng cháu bé đã không qua khỏi.
Khi kiểm tra thi thể, bác sĩ ghi nhận có nhiều vết bầm lớn trên cơ thể cháu V.A, cả vết thương được khâu vá cũ trên vùng mặt, đang nghi vấn cháu bé bị đánh đập dẫn đến tử vong. Cơ quan điều tra sẽ làm rõ những thương tích trên người đứa trẻ có nguyên nhân từ những hành vi như thế nào, thương tích nào dẫn đến hậu quả đứa trẻ tử vong… để làm căn cứ xem xét trách nhiệm pháp lý đối với người phụ nữ và những người liên quan.
Dưới góc độ pháp lý, trẻ em là những đối tượng được pháp luật bảo vệ về tính mạng, sức khoẻ, được chăm sóc, nuôi dưỡng và phát triển lành mạnh cả về thể chất và tinh thần. Vì vậy, mọi hành vi xâm phạm đến sức khoẻ, tính mạng của trẻ em là hành vi trái pháp luật và phải chịu sự trừng phạt nghiêm minh của pháp luật.
Bước đầu, cơ quan điều tra đã tiến hành khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với NVQT về tội Hành hạ người khác theo quy định tại Điều 140 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017. Cho đến sáng 5/1, Công an TP. HCM đã ban hành quyết định bổ sung quyết định khởi tố bị can đối với T. về tội “Giết người” và khởi tố bị can, lệnh tạm giam đối với NKTT – cha bé gái về tội “Hành hạ người khác” và “Che giấu tội phạm” để điều tra xử lý theo quy định của pháp luật.
Đối với tội danh “Hành hạ người khác” với tình tiết định khung tăng nặng là phạm tội đối với người dưới 16 tuổi, mức án cao nhất hai đối tượng phải đối mặt là 3 năm tù, theo quy định tại khoản 2 Điều 140 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017. Bị khởi tố thêm về tội Giết người, theo quy định tại Điều 123 Bộ luật hình sự, khung hình phạt cao nhất có thể áp dụng đối với NVQT là tù chung thân hoặc tử hình, với tình tiết định khung tăng nặng là giết người dưới 16 tuổi và các tình tiết khác như: có tính chất côn đồ hoặc vì động cơ đê hèn.
Với tội danh “Che giấu tội phạm” của cha cháu bé do che giấu hành vi hành hạ của T. dẫn đến tử vong, ông T. có thể phải đối diện với mức án cao nhất là 5 năm tù. Trường hợp có căn cứ chứng minh người bố không có hành vi can ngăn người phụ nữ mà còn giúp sức, xúi giục thì người này đã vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ của cha mẹ và sẽ bị xử lý hình sự với vai trò đồng phạm về tội Giết người.
“Mấy đời bánh đúc có xương / Mấy đời mẹ ghẻ lại thương con chồng” – đây là câu tục ngữ mà mọi người thường hay nhắc tới khi phản ánh về mối quan hệ giữa mẹ kế hay cha dượng với con của người họ tái hôn… Mối quan hệ mẹ ghẻ – con chồng vốn dĩ là chuyện phức tạp, nhưng để xảy ra hậu quả nghiêm trọng như vụ án trên là một điều hết sức hi hữu.Hơn nữa, nếu như nói tội ác của người phụ nữ đáng trách một phần thì sự im lặng đáng sợ của người cha lại đáng lên án gấp hàng trăm lần, bởi nếu như cho rằng tâm lý của người đến sau cảm thấy ghét bỏ những đứa trẻ là kết quả của cuộc tình trước, thì lí do nào giải thích cho hành động của người bố khi máu mủ của mình bị chà đạp? Đó là câu hỏi lớn mà dư luận đặt ra xung quanh vụ việc này. Cuối cùng, cháu bé đã bị tước đi mạng sống của mình không phải ở xã hội ngoài kia, mà tại chính căn nhà của mình. Căn nhà vốn dĩ là tổ ấm, là nơi an toàn nhất của mỗi người, nhưng trường hợp này thì không. Đáng lẽ, cô bé phải được người bố của mình bảo vệ, chăm sóc thì ngược lại, người đàn ông ấy sẵn sàng chấp nhận, đồng tình với cách dạy dỗ tàn bạo của cô “nhân tình” với con gái mình.
Con người đều có quyền được kết hôn và ly hôn, nhưng hôn nhân kết thúc không đồng nghĩa với việc cha mẹ chấm dứt nghĩa vụ chăm sóc, yêu thương con cái. Không thể dùng sự ích kỷ, cái tôi cá nhân của mỗi người để đứa trẻ phải chịu tổn thương và thiệt thòi. Hơn một năm kể từ khi ly hôn, người vợ bị chồng cũ ngăn cấm không cho gặp con, chưa thể rõ nguyên nhân xuất phát từ đâu, nhưng rõ ràng sự ích kỷ ấy đã dẫn đến bi kịch gia đình, về lâu dài ảnh hưởng đến cả xã hội, văn hoá và nhiều thế hệ sau này. Cha mẹ cho dù không còn tình cảm, không đi chung đường, không thể cho con một gia đình trọn vẹn, nhưng nếu tình yêu thương dành cho con không bao giờ ngưng nghỉ thì đứa trẻ vẫn sẽ được sống trong một cuộc ly hôn hạnh phúc. Vậy nên, khi quyết định rời khỏi hôn nhân, con người ta phải luôn thận trọng khi xây dựng một gia đình mới, phải làm sao cho con cảm thấy an toàn, thấy hạnh phúc chứ không thể dùng cảm xúc của bản thân làm thước đo để quyết định đi thêm bước nữa.
Vụ việc trên cũng thể hiện một thực trạng báo động trong xã hội hiện nay, câu nói: “Hàng xóm tắt lửa tối đèn có nhau” có lẽ đến thời điểm này đã không còn chính xác nữa. Đời sống càng đủ đầy, sự phân hoá giàu – nghèo ngày càng rõ rệt đã khiến mối quan hệ giữa người với người ngày càng xa cách. Pháp luật đã quy định rõ, mọi cá nhân, tổ chức đều có trách nhiệm báo tin với cơ quan chức năng khi phát hiện có tình trạng xâm hại, bạo hành trẻ em xảy ra. Tuy nhiên, trường hợp này, mặc dù hàng xóm, thậm chí cả Ban Quản trị toà nhà cũng biết chuyện cháu V.A. bị “dì ghẻ” bạo hành trong thời gian dài nhưng không tiến hành thông báo, tố giác với cơ quan chức năng. Có lẽ họ sợ mình can thiệp quá sâu vào chuyện gia đình nhà “người ta”, lo sợ trả thù hoặc nhiều nguyên nhân khác nữa. Do vậy, các tổ chức, Ban quản trị chung cư cần phát huy vai trò của mình trong việc tiếp nhận, xử lý, phối hợp với chính quyền để có phương án xử lý, giải quyết kịp thời những vụ bạo hành gia đình, bảo vệ cho sức khoẻ, tính mạng của trẻ em, không để những vụ việc đau lòng tiếp diễn.
Câu nói đầy cay đắng và gây ám ảnh khi cô bé gặp mẹ tại trường học là: “Ba đã cấm con không gặp mẹ rồi mà, sao mẹ gặp con làm gì? Mẹ ơi, mẹ đừng có khóc”. Không ai có thể hiểu được cô bé đã phải chịu những thiệt thòi, tổn thương về cả tinh thần lẫn thể chất như thế nào. Có thể người cha đã chiến thắng khi giành được quyền nuôi con và không cho người mẹ gặp con như một cách để hành hạ, dày vò chị, nhưng kết cục đau đớn thế này có lẽ là bài học đắt giá nhất cho cách giáo dục, nuôi dạy con của người đàn ông ấy, hơn bất cứ sự trừng phạt nào của pháp luật.
Ðây cũng là một bài học cho những người trẻ tuổi trong ứng xử về quan hệ hôn nhân và gia đình, về cuộc sống buông thả, thiếu trách nhiệm, thiếu đạo đức và coi thường pháp luật, đồng thời là lời cảnh tỉnh đối với những bậc làm cha, mẹ khi quyết định ly hôn và quyết định ai là người có quyền nuôi con. Phải làm sao hạn chế đến mức thấp nhất tác động và ảnh hưởng tiêu cực đến trẻ em. Sự vô trách nhiệm với trẻ em trong mọi hoàn cảnh chính là tội ác. Đừng bao giờ nghĩ mang đến cho con một người mẹ mới là con sẽ có một gia đình mới. Cái gọi là gia đình thực sự chính là khi đứa trẻ có được tình yêu thương chân thành từ những người dành cả trái tim để đối đãi với chúng. Đây chính là một vụ việc điển hình của câu thành ngữ các cụ đã đúc kết: “Ở hiền gặp lành – Ác giả ác báo”, luật nhân quả đã trừng phạt ngay lập tức không chỉ đối với ông bố, “dì ghẻ” vì hành vi tàn độc, mất nhẫn nghĩa đối với cháu bé mà họ đã gây ra, mà cả gia đình, người thân của của họ cũng phải chịu một phần trách nhiệm trước những lỗi lầm mà con cái của họ đã phạm phải.
Luật sư Trần Xuân Tiền – Trưởng Văn phòng và Chuyên viên pháp lý Hoàng Tâm (Văn phòng Luật sư Đồng Đội) đã có buổi trao đổi ngắn về góc nhìn của Luật sư xung quanh vụ việc trên và vấn đề Hôn nhân – gia đình trong xã hội hiện nay. Kính mời quý khán giả cùng theo dõi tại video dưới đây:
https://youtu.be/Yr9DCE2OsPM
Thông tin liên hệ:
Văn phòng luật sư Đồng Đội: P2708, Tòa nhà VP3 Bán đảo Linh Đàm, Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội
Điện thoại: 0936.026.559 – Email: tranxuantien1964@gmail.com
Facebook: https://www.facebook.com/dongdoilaw
Website: https://dongdoilaw.vn
Người viết: Lệ Mai – CVPL
SĐT: 0396018496 – Email: mmaivk22@gmail.com