Hiện nay, trong quá trình tham gia giao thông đường bộ hằng ngày, chúng ta không khó để bắt gặp những tình huống tai nạn giao thông từ va chạm gây hư hại tài sản cho đến tai nạn liên hoàn gây nguy hiểm đến tính mạng, theo Báo Điện tử – Đảng Cộng Sản Việt Nam: Trong quý I năm 2024 (tính từ ngày 15/12/2023 đến 14/3/2024), toàn quốc xảy ra 6.550 vụ tai nạn giao thông, làm chết 2.723 người, bị thương 5.246 người do đó chính chúng ta cũng có thể là người đối mặt với tai nạn giao thông. Sau khi gây ra tai nạn, một số trường hợp lại bỏ chạy, trốn tránh nhằm mục đích thoát tội thế nhưng “ lưới trời lòng lộng tuy thưa mà khó thoát”, tất cả những hành vi trái pháp luật đều sẽ bị xử lí. Hành vi gây tai nạn mà bỏ chạy không cứu trước hết là hành vi trái đạo đức, đi ngược lại với lương tâm con người và đồng thời còn để lại rất nhiều hậu quả pháp lí. Vậy cụ thể những hậu quả pháp lí đó là gì? Người có hành vi đó sẽ bị xử lí ra sao và khi ở trong tình huống đó, họ nên hành động như thế nào cho đúng đắn? Chúng ta hãy cùng tìm hiểu nhé.
Trước tiên về khía cạnh đạo đức, hành vi gây tai nạn rồi bỏ chạy thực sự rất đáng lên án, khi thấy một người bị nạn thậm chí họ bị nạn với nguyên nhân chủ quan là do mình vậy mà lại có thể nhắm mắt làm ngơ và chạy trốn thực tại? Từ xa xưa ông cha ta đã có truyền thống giúp đỡ, tương trợ lẫn nhau trong lúc khó khăn, hoạn nạn; thấy người là phải cứu. Đặt trong bối cảnh hiện nay thì điều đó càng trở nên thiết thực, bên cạnh những vụ va chạm giao thông dẫn đến cái chết thương tâm rồi bỏ trốn thì có nhiều vụ va chạm gây thương tích xong bỏ chạy, đã có nhiều cái chết đau lòng do tai nạn giao thông đã từng xảy ra, vì nạn nhân không được cứu chữa kịp thời làm cho người bị thương nhẹ trở thành bị thương nặng, người bị thương nặng dẫn tới tử vong do người gây ra tai nạn bỏ trốn khỏi hiện trường, không cứu giúp người bị nạn.
Tuy nhiên hậu quả của những vụ tai nạn giao thông không chỉ dừng lại ở đó, hệ luỵ của nó sẽ kéo dài và ảnh hướng đến rất nhiều đối tượng. Những vụ giao thông nghiêm trọng giữa những chiếc xe khách, xe khách giường nằm thường có số lượng thương vong rất lớn, nếu những vụ việc xảy ra khi các phương tiện đâm trực diện vào nhau thì thực sự, thiệt hại về tính mạng là vô cùng thảm khốc. Nhiều gia đình mất con, những đứa con mất đi bố mẹ, không nơi nương tựa, thậm chí đau lòng hơn khi có những gia đình chỉ sau một khoảnh khắc đã không còn ai sống sót. Một thế hệ đã mất, một dòng họ đã khuyết một nhánh, người đã ra đi nhưng nỗi đau với những người ở lại là không thể đong đếm được. Đâu chỉ có ngày một ngày hai, sự thương tiếc và nỗi nhớ vô bờ sẽ luôn thường trực trong gia đình, người thân những người bị nạn suốt quãng đời còn lại.
Không chỉ vậy, đối với những người bị thương do tai nạn giao thông gây ra, tuỳ vào mức độ thương tích mà họ cũng phải đối diện với những khó khăn nhất định. Nỗi đau về những vết thương thể xác vẫn còn chưa nguôi ngoai thì họ phải đối diện với rất nhiều những nỗi lo khác. Viện phí điều trị chưa bao giờ là một điều dễ dàng với những người bị tai nạn giao thông, thời gian điều trị, phác đồ, phương thức điều trị một số trường hợp có thể lên đến vài tháng thậm chí là vài năm tiêu tốn rất nhiều tiền. Nhiều gia đình sau tai nạn giao thông từ bình thường đã mang nợ rất nhiều, phá sản thậm chí là phải đi biệt xứ để trốn nợ.
Ngoài ra khi việc điều trị đã xong thì đâu có gì dám chắc rằng họ có thể là họ trước đây, mất sức lao động, phần trăm thương tật cũng như là vết thương tâm lí sẽ theo họ mãi mãi. Trong một gia đình nếu như cha mẹ bị mất sức lao động, thương tật do tai nạn giao thông, không còn thu nhập thì những đứa con của họ sẽ ra sao, ai sẽ nuôi dạy chúng lớn khôn chưa kể nghĩa vụ phụng dưỡng cha mẹ già sẽ do ai gánh vác. Khi đó thì nhóm đối tượng này chỉ có thể trông chờ vào các chính sách xã hội, sự hỗ trợ phần nào của nhà nước nhưng như vậy vẫn là quá ít, họ sẽ trở thành nhóm đối tượng dễ bị tổn thương trong xã hội. Có thể thấy rõ, tai nạn giao thông không chỉ gây ra hậu quả về mặt thể chất, tính mạng cho người bị tai nạn mà còn để lại rất nhiều những hệ quả cho gia đình, những người thân thích của họ và xa hơn nữa là cho cả xã hội.
Như đã nêu trên, chúng ta có thể thấy rất rõ những hậu quả to lớn của hành vi gây tai nạn rồi bỏ chạy nhưng các trường hợp gây tai nạn rồi bỏ trốn vẫn không có dấu hiệu suy giảm, phải chăng là họ không ý thức được rằng hành vi của họ là sai trái hay họ biết nhưng có điều gì khiến họ vờ như không biết?
Trước hết có thể bắt nguồn từ sự thiếu hiểu biết và tâm lí trốn tránh trách nhiệm của một bộ phận người gây tai nạn. Tuy việc học lí thuyết là bắt buộc với bất kì cá nhân nào tham gia vào giao thông công cộng nhưng có vẻ như hoặc họ đã quên là mình được học hoặc họ đúng chính xác là chưa từng học. Điều này thể hiện sự thiếu trách nhiệm của người gây tai nạn với bản thân họ khi chưa trang bị đầy đủ kiến thức và hiểu biết cho bản thân, ở xã hội hiện nay “ Không biết chắc chắn là một cái tội”. Ngoài ra có thể người vi phạm suy nghĩ theo hướng sợ bị phạt, sợ bị xử lí, đền tiền cho hành vi của mình và đền tội cho sai phạm của mình nên đã bỏ chạy. Đây là một hướng suy nghĩ hết sức lệch lạc và đi ngược lại với chuẩn mực đạo đức. Khi bản thân chúng ta bị xước xát, bị thương cảm thấy đau như thế nào thì người bị tai nạn giao thông cũng có cảm giác tương tự chưa kể người gây ra lại là mình, cảm giác tội lỗi phải nhân lên bội phần vậy mà lại có những người nỡ lòng nào mà trốn chui trốn lủi đi mất để mặc người bị nạn như vậy?
Có thể kể đến một yếu tố khách quan nữa đó chính là những người từ nơi khác đến và gây tai nạn tại địa bàn có thể có tâm lí sợ bị dân làng xung quanh doạ nạt, đánh đập hay gây sức ép rồi từ đó phải bỏ chạy nhưng đó không thể là lời bào chữa cho hành vi sai trái được, nếu giả sử trường hợp đó xảy ra điểm b khoản 1 Điều 38 Chương II Luật Giao thông đường bộ năm 2008 đã có quy định rằng trường hợp người điều khiển phương tiện cũng bị thương phải đưa đi cấp cứu hoặc phải đưa người bị nạn đi cấp cứu hoặc vì lý do bị đe dọa đến tính mạng, nhưng phải đến trình báo ngay với cơ quan công an nơi gần nhất. Nếu người dân địa phương có những hành vi không đúng mực thì người gây ra tai nạn cũng đã được luật bảo vệ cho nên không vì bất kì một lí do gì khác, hành vi bỏ chạy khi gây ra tai nạn giao thông của họ là đúng được.
Vậy với những trường hợp gây ra tai nạn mà bỏ chạy thì họ sẽ bị xử lí như thế nào? Theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP và cập nhật mới nhất tại Nghị định 123/2021/NĐ-CP (sửa đổi ngày 28.12.2021), quy định về mức xử phạt đối với hành vi điều khiển phương tiện gây tai nạn giao thông không dừng lại, không giữ nguyên hiện trường, bỏ trốn không đến trình báo với cơ quan có thẩm quyền, không tham gia cấp cứu người bị nạn. Cụ thể, với hành vi này, người vi phạm có thể bị phạt hành chính từ 16 – 18 triệu đồng và tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 5 – 7 tháng. Nghị định 123/2021/NĐ-CP nêu rõ mức phạt đối với người tây tai nạn và bỏ trốn, cụ thể:
Người điều khiển phương tiện vi phạm | Phạt tiền ( VNĐ) | Phạt bổ sung | Căn cứ xử phạt |
Xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô | 16.000.000 – 18.000.000 | Tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 5 tháng đến 7 tháng | Điểm b khoản 8 và điểm đ khoản 11 Điều 5 của Nghị định 100/2019/NĐ-CP |
Xe mô tô, xe gắn máy ( kể cả xe máy điện ), các loại xe tương tự xe mô tô, xe gắn máy | 6.000.000 – 8.000.000 | Tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 3 tháng đến 5 tháng | Điểm đ khoản 8 và điểm d khoản 10 điều 6 nghị định 100/2019/NĐ-CP |
Máy kéo, xe máy chuyên dùng | 10.000.000 – 12.000.000 | Tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe hoặc chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ từ 5 tháng đến 7 tháng | Điểm c khoản 8 và điểm c khoản 10 điều 7 Nghị định 100/2019/NĐ-CP |
Xe đạp, xe đạp máy ( kể cả xe đạp điện) và xe thô sơ khác | 400.000 – 600.000 | Không | Điểm b khoản 4 Điều 8 Nghị định 100/2019/NĐ-CP |
Chủ xe gây tai nạn giao thông rồi bỏ chạy khỏi hiện trường có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự tại Điều 260 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) đã quy định cụ thể “Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” quy định:
1.Người nào tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền 30 – 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù 1 – 5 năm:
a) Làm chết 1 người hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 1 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe cho 2 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 31 – 60%;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe cho 3 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 61 – 121%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 3 – 10 năm:
a) Không có giấy phép lái xe theo quy định;
b) Trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định hoặc có sử dụng chất ma túy hoặc các chất kích thích mạnh khác mà pháp luật cấm sử dụng;
c) Gây tai nạn rồi bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn;
d) Không chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển hoặc hướng dẫn giao thông;
đ) Làm chết 2 người;
e) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
g) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 3 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 122 – 200%;
h) Gây thiệt hại về tài sản từ 500 triệu đồng đến dưới 1,5 tỷ đồng.
Phạm tội thuộc một trong các trường sau đây, thì bị phạt tù 7 – 15 năm:
a) Làm chết 3 người trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 3 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 3 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;
d) Gây thiệt hại về tài sản 1,5 tỷ đồng trở lên.
Người tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 1 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể 31 – 60% hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 31 – 60%, thì bị phạt tiền 30 – 100 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm.
- Vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ mà có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả gây thiệt hại cho tính mạng, sức khỏe hoặc tài sản của người khác nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt tiền 10 – 50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 1 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 1 năm.
- Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định 1 – 5 năm.
Ngoài ra, Điều 585, Điều 590 và Điều 601 Bộ luật Dân sự 2015 quy định người điều khiển xe gây tai nạn không dừng lại phải bồi thường thiệt hại về tài sản, sức khỏe và tính mạng cho người bị tai nạn.
Vậy trong những trường hợp đó, người gây ra tai nạn nên làm gì? Điều 38 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định: Người điều khiển xe và người liên quan trực tiếp đến vụ tai nạn có trách nhiệm: Dừng ngay phương tiện; giữ nguyên hiện trường; cấp cứu người bị nạn và phải có mặt khi cơ quan có thẩm quyền yêu cầu; Ở lại nơi xảy ra tai nạn cho đến khi lực lượng chức năng đến, trừ trường hợp người điều khiển phương tiện cũng bị thương phải đưa đi cấp cứu, phải đưa người bị nạn đi cấp cứu hoặc vì lý do bị đe dọa đến tính mạng, nhưng phải đến trình báo ngay với cơ quan công an gần nhất; Cung cấp thông tin xác thực về vụ tai nạn cho cơ quan có thẩm quyền. Tóm lại, trong trường hợp điều khiển phương tiện gây ra tai nạn giao thông, chủ phương tiện cần phải giữ bình tĩnh, chủ động xem xét tình hình sức khoẻ của người bị tai nạn, liên lạc với các cơ sở y tế và cơ quan công an, bản thân thì không được rời khỏi hiện trường trừ trường hợp bị thương ( Sau đó thì ngay lập tức trình báo cho cơ quan công an) để có thể phục vụ tốt nhất cho công tác điều tra của cơ quan chức năng. Tránh trường hợp hoảng sợ do gây ra tai nạn mà bỏ chạy, trốn trách trách nhiệm, điều này sẽ chỉ càng làm tăng mức độ xử phạt do hành vi của người gây ra tai nạn.
Để hạn chế tai nạn giao thông cũng như có hành vi đúng đắn khi xảy ra tai nạn giao thông, Người tham gia giao thông phải tuân thủ đúng các quy định của Luật Giao thông đường bộ như không sử dụng điện thoại khi lái xe, tuân thủ chấp hành tín hiệu đèn giao thông, đi đúng làn đường,… Đồng thời, người lái cần cập nhật những sửa đổi, bổ sung mới nhất về Luật giao thông để hạn chế vi phạm cũng như là có hành vi đúng đắn khi có tình huống đáng tiếc xảy ra.
Đỗ Hoàng Trung – 0328661283- TTS Văn phòng luật sư Đồng Đội
Thông tin liên hệ:
Văn phòng luật sư Đồng Đội: P2708, Tòa nhà VP3 Bán đảo Linh Đàm, Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội
Điện thoại: 0936.026.559 – Email: tranxuantien1964@gmail.com
Website: https://dongdoilaw.vn
Facebook: https://www.facebook.com/dongdoilaw
Youtube: https://www.youtube.com/c/VănphòngluậtsưĐồngĐội
Tiktok: https://www.tiktok.com/@vpls_dongdoi