Tuân thủ nguyên tắc thực hiện chế độ hai cấp xét xử, quá trình giải quyết một vụ án dân sự có thể kéo dài và diễn ra ở cả hai cấp xét xử sơ thẩm và phúc thẩm. Sau khi Tòa án cấp sơ thẩm ra bản án, quyết định sơ thẩm mà đương sự, người đại diện của đương sự kháng cáo, Viện trưởng Viện kiểm sát cùng cấp với Tòa án xét xử sơ thẩm hoặc Viện trưởng Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp kháng nghị đối với bản án, quyết định sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật theo thủ tục phúc thẩm thì vụ án phải được Tòa án cấp trên trực tiếp xét xử theo thủ tục phúc thẩm.
Việc thực hiện chế độ hai cấp xét xử có ý nghĩa bảo đảm quá trình giải quyết vụ án tại cấp xét xử sơ thẩm là đúng theo quy định pháp luật, đảm bảo giải quyết yêu cầu của đương sự, đảm bảo công lý. Theo đó, thực hiện chế độ hai cấp xét xử sẽ giúp tránh xảy ra sai sót trong việc ra các quyết định không chính xác, gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của cá nhân, tổ chức.
Căn cứ Điều 310 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, khi Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm nhận thấy quá trình giải quyết vụ án theo thủ tục phúc thẩm có sai sót, vi phạm, thì có thể ra quyết định hủy bản án sơ thẩm và chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa án cấp sơ thẩm có thẩm quyền giải quyết lại vụ án theo thủ tục sơ thẩm, nếu sai sót, vi phạm thuộc một trong các trường hợp sau:
“1. Việc thu thập chứng cứ và chứng minh không theo đúng quy định tại Chương VII của Bộ luật này hoặc chưa được thực hiện đầy đủ mà tại phiên tòa phúc thẩm không thể thực hiện bổ sung được.
2. Thành phần của Hội đồng xét xử sơ thẩm không đúng quy định của Bộ luật này hoặc có vi phạm nghiêm trọng khác về thủ tục tố tụng ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự.”
Về hậu quả của việc Hội đồng xét xử ra quyết định hủy bản án sơ thẩm, đối với quá trình giải quyết vụ án, việc ra quyết định hủy bản án sẽ tạo điều kiện để Tòa án cấp sơ thẩm thực hiện sửa chữa sai sót, vi phạm trong thủ tục tố tụng. Cụ thể, Tòa án cấp sơ thẩm sẽ thực hiện lại việc thu thập chứng cứ và chứng minh theo đúng quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, thực hiện việc thu thập bổ sung, đầy đủ các chứng cứ còn thiếu phục vụ cho việc giải quyết vụ án, đồng thời nghiên cứu, xem xét, đánh giá chứng cứ một cách khách quan, toàn diện hơn. Trường hợp thành phần của Hội đồng xét xử sơ thẩm không đúng quy định, vi phạm vào các Điều 52, 53 của Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 về việc phải từ chối hoặc thay đổi người tiến hành tố tụng thì Tòa án cấp sơ thẩm có trách nhiệm thay đổi thành phần của Hội đồng xét xử theo đúng quy định. Đối với vi phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, khi chuyển hồ sơ cho Tòa án cấp sơ thẩm có thẩm quyền giải quyết lại, Tòa án cấp sơ thẩm có trách nhiệm thông báo và đảm bảo tạo điều kiện để tất cả các đương sự, bao gồm người khởi kiện, người bị kiện, người có quyền và nghĩa vụ liên quan của vụ án được thực hiện các quyền và lợi ích hợp pháp của mình trong quá trình tố tụng.
Việc ra quyết định hủy bản án sơ thẩm không chỉ có ý nghĩa đảm bảo khôi phục, tạo điều kiện cho các đương sự thực hiện các quyền và lợi ích hợp pháp của mình khi giải quyết vụ án, mà xem xét ở nhiều tình thế, quyết định hủy bản án sơ thẩm còn mang ý nghĩa giống như một “công cụ cứu cánh”, giúp khôi phục và bảo vệ danh dự, uy tín của các đương sự trước đó không được đảm bảo quyền của mình trong quá trình tố tụng.
Quyết định hủy bản án sơ thẩm theo Điều 310 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 của Hội đồng xét xử phúc thẩm không chỉ có ảnh hưởng đến quá trình giải quyết lại vụ án theo thủ tục sơ thẩm như đã đề cập bên trên, mà còn có ảnh hưởng đến Thẩm phán được giao giải quyết vụ án dân sự. Căn cứ theo Quyết định số 120/2017/QĐ – TANDTC, Thẩm phán được giao giải quyết vụ án có thể bị xử lý trách nhiệm khi có bản án, quyết định bị hủy vì rõ ràng sai trong việc: xem xét, đánh giá chứng cứ; vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng; áp dụng pháp luật không đúng gây thiệt hại đến tài sản Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân hoặc gây ảnh hưởng đến uy tín của Tòa án.
Về hình thức xử lý trách nhiệm đối với vi phạm trên, Quyết định 120/2017 nêu rõ, Thẩm phán có thể bị áp dụng xử lý bằng hình thức bố trí làm công việc khác căn cứ khoản 4 Điều 11 hoặc bị xử lý theo hình thức không xem xét đề nghị bổ nhiệm lại Thẩm phán khi kết thúc nhiệm kỳ căn cứ khoản 2 Điều 13 của Quyết định.
Trường hợp Thẩm phán được giao giải quyết vụ án bị xử lý trách nhiệm bằng hình thức bố trí làm công việc khác, căn cứ điểm b khoản 2 Điều 4 Quyết định 120/2017/QĐ – TANDTC, sẽ phải chịu hậu quả như sau:
Thứ nhất, không được xem xét, đề nghị người có thẩm quyền khen tặng danh hiệu thi đua từ “Lao động tiên tiến” trở lên khi kết thúc năm công tác (điểm a khoản 2 Điều 4).
Thứ hai, ngoài việc chịu hậu quả quy định tại điểm a khoản 2 như trên, tùy vào tính chất, mức độ vi phạm, Thẩm phán còn phải chịu các hậu quả khác như: không được xem xét quy hoạch chức vụ lãnh đạo, quản lý; không được xem xét cử đi đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn, lý luận chính trị hoặc các hình thức đào tạo khác ở trong nước và nước ngoài; không được xem xét đề nghị bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo, quản lý; không được tham gia kỳ thi tuyển chọn, nâng ngạch Thẩm phán trong thời gian bị xử lý trách nhiệm.
Trường hợp Thẩm phán được giao giải quyết vụ án bị xử lý trách nhiệm bằng hình thức không xem xét đề nghị bổ nhiệm lại Thẩm phán khi kết thúc nhiệm kỳ, căn cứ điểm g khoản 2 Điều 4 Quyết định 120/2017/QĐ – TANDTC, thì hậu quả là thủ trưởng cơ quan trực tiếp quản lý giao làm công việc khác.
Các vi phạm về thủ tục tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án dân sự, đặc biệt là việc ra bản án, quyết định không đúng pháp luật của Thẩm phán có thể dẫn đến hậu quả làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích của người dân. Đã có không ít trường hợp, người dân do chỉ có hiểu biết hạn chế về các quy định pháp luật, mà không biết nên kêu oan, kháng cáo như thế nào. Để rồi, biết bao nhiêu những tai nạn, bi kịch thương tâm xảy ra sau đó, như ôm con tự thiêu, nhảy lầu tự vẫn… chỉ vì Thẩm phán đã ra bản án, quyết định sai.
Chính vì vậy, việc đặt ra các quy định với tinh thần nhằm xử lý trách nhiệm của Thẩm phán khi có các hành vi vi phạm như Quyết định 120/2017/QĐ – TANDTC là cần thiết, phù hợp. Các Thẩm phán – những người “cầm cân nảy mực” có nghĩa vụ phải ra các quyết định chính xác, khách quan nay lại để xảy ra các sai phạm, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích của người dân cần phải tự kiểm điểm, nhận thức lại hậu quả do chính hành vi vi phạm của mình gây nên và phải chịu trách nhiệm cho hành vi đó.
Tuy nhiên, đối với trường hợp Thẩm phán được giao giải quyết vụ án có bản án, quyết định bị hủy vì rõ ràng sai trong việc xem xét, đánh giá chứng cứ; vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, hiện nay Quyết định 120/2017/QĐ – TANDTC mới chỉ đặt ra hai hình thức xử lý trách nhiệm là bố trí làm công việc khác hoặc không xem xét bổ nhiệm lại Thẩm phán khi kết thúc nhiệm kỳ. Thiết nghĩ, nếu để xảy ra hậu quả thương tâm đến tính mạng của các đương sự trong vụ án, thì hai hình thức xử lý trách nhiệm này vẫn còn quá nhẹ nhàng, chưa đủ sức răn đe. Do đó, cần thiết phải đặt ra các quy định xử lý trách nhiệm của Thẩm phán ở mức độ nặng hơn, tương xứng với hậu quả của hành vi vi phạm.
Ngoài hậu quả đối với thẩm phán được giao giải quyết vụ án, hậu quả của việc hủy bản án sơ thẩm theo Điều 310 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 cũng có thể ảnh hưởng tới cơ quan, đơn vị mà thẩm phán có hành vi vi phạm đang làm việc. Cụ thể, người đứng đầu cơ quan, đơn vị mà Thẩm phán đang công tác sẽ bị áp dụng xử lý trách nhiệm bằng hình thức kiểm điểm căn cứ theo Điều 25, Mục 4 của Quyết định. Theo đó, người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong các Tòa án nhân dân bị xử lý trách nhiệm bằng hình thức kiểm điểm trước cơ quan, đơn vị khi có một trong những hành vi vi phạm trong công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành sau đây:
Thứ nhất, trong một năm công tác, cơ quan, đơn vị thuộc quyền quản lý có số người giữ chức danh tư pháp bị xử lý trách nhiệm chiếm tỷ lệ từ 10% trở lên trên tổng số người giữ chức danh tư pháp của cơ quan, đơn vị (khoản 1 Điều 25).
Thứ hai, để quá thời hạn xử lý hoặc không xử lý trách nhiệm người giữ chức danh tư pháp có hành vi vi phạm bị xử lý theo quy định (khoản 6 Điều 25)
Như vậy, việc Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm ra quyết định hủy bản án sơ thẩm theo Điều 310 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 không chỉ có ảnh hưởng tới toàn bộ quá trình tố tụng theo thủ tục sơ thẩm, mà còn có ảnh hưởng lớn đối với chính Thẩm phán được giao giải quyết vụ án cấp sơ thẩm cũng như cơ quan, đơn vị mà họ đang trực tiếp công tác. Do đó, các Thẩm phán của Tòa án cấp sơ thẩm có thẩm quyền giải quyết các vụ án dân sự cần phải hết sức thận trọng, cẩn thận và tuân thủ đúng trình tự, thủ tục tố tụng dân sự theo quy định pháp luật.
Phạm Hà Thu – 0827122116- phamhathu08102003@gmail.com
TTS tại Văn phòng Luật sư Đồng Đội
Thông tin liên hệ:
Văn phòng luật sư Đồng Đội: P2708, Tòa nhà VP3 Bán đảo Linh Đàm, Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội
Điện thoại: 0936.026.559 – Email: tranxuantien1964@gmail.com
Website: https://dongdoilaw.vn
Facebook: https://www.facebook.com/dongdoilaw
Youtube: https://www.youtube.com/c/VănphòngluậtsưĐồngĐội
Tiktok: https://www.tiktok.com/@vpls_dongdoi