Hôn nhân thường được ví là trái ngọt của một mối tình, nhưng nếu một ngày hôn nhân tan vỡ, cuộc sống vợ chồng không còn dựa vào tình nghĩa, trái ngọt biến thành “trái đắng” sẽ như thế nào?
Chị Trần Thị Thuý (37 tuổi) và anh Đỗ Văn Ý (42 tuổi) là vợ chồng, đến năm 2016 vì những vấn đề trong cuộc sống hôn nhân họ đã ly hôn nhưng có lẽ vì “duyên nợ” chưa hết nên cả hai đã quay lại sống chung với nhau và có thêm một bé gái, từ đây câu chuyện đẹp đẽ đã rẽ dần sang hướng khác.
Đời sống hôn nhân lại một lần nữa không hạnh phúc trọn vẹn, những mâu thuẫn diễn ra càng gay gắt hơn, để rồi với tâm thức của một người vợ thường xuyên bị chồng bạo hành, chị Thuý đã đứng lên chống trả lại để tự giải thoát mình khỏi mối quan hệ với anh Ý. Đỉnh điểm là chị Thuý đã đặt mua 03 gói ma túy và bộ dụng cụ sử dụng ma túy với giá 9 triệu đồng. Sau đó, chị pha ma túy vào nước chanh cho chồng uống, số còn lại giấu vào cốp xe anh Ý, khi chồng ra khỏi nhà, người phụ nữ đã gọi điện báo công an để trả thù.
Trước hết, chị Thúy chắc chắn sẽ phải đón nhận sự chỉ trích tiêu cực từ cộng đồng, từ xã hội khi thực hiện những hành động thiếu tính nhân văn và trái đạo đức đối với người chồng của mình. Chỉ vì trong phút nóng giận do mâu thuẫn giữa hai bên và sự đau đớn khi bị đánh đập mà giờ chị đã phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước xã hội, gia đình và với chính bản thân mình. Thiết nghĩ, mâu thuẫn hoàn toàn có thể được xóa bỏ nếu anh chị bình tĩnh lại để nói chuyện, thấu hiểu và bỏ qua cho nhau những lỗi lầm. Và nếu biết nghĩ cho con mình – đứa trẻ mới chưa đến 3 tuổi sẽ phải chứng kiến sự cãi vã hay việc người mẹ bị bố bạo hành, thậm chí có thể sẽ rơi vào cảnh mồ côi thì sự việc có đi xa đến mức này không?
Không những thế, chị còn phải đối diện với sự trừng phạt của pháp luật cho hành vi sai trái mà mình gây ra. Theo đó, hành vi mua ma túy và dụng cụ sử dụng của chị đã đủ cấu thành tội “Tàng trữ trái phép chất ma túy” theo Điều 249 BLHS, việc áp dụng hình phạt cụ thể đối với tội này còn phụ thuộc vào khối lượng của ma túy sau khi tiến hành trưng cầu giám định. Nếu khối lượng ma túy từ 1 gam đến 20 gam thì chị Thúy sẽ phải chịu mức hình phạt từ 1 đến 5 năm tù (theo điểm g khoản 1 điều 249 BLHS), còn nếu từ 20 gam đến dưới 100 gam thì mức hình phạt tăng lên tới 10 năm tù giam (theo điểm l khoản 2 điều 249 BLHS). Hơn nữa, chị còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Ngoài ra, chị Thúy còn phải đối mặt với hình phạt của tội vu khống theo điểm b khoản 1 điều 156 BLHS do có hành vi dùng ma túy pha nước chanh cho chồng uống, sau đó bỏ phần còn lại vào cốp xe và gọi điện báo công an khi chồng ra khỏi nhà. Trách nhiệm đối với hành vi này là bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 1 năm. Tổng hợp cả 2 khung hình phạt, chị Thuý có thể phải đối diện với hình phạt tù từ 2 -15 năm theo quy định của pháp luật.
Khi “trái ngọt” chẳng còn vị ngọt mà biến thành vị cay của sự thù hận, là vị đắng của những giọt nước mắt ân hận…thì lúc đó mọi chuyện đã quá trễ để có thể trở lại như ban đầu, nước mắt có rơi nhiều hơn, ân hận có lớn hơn cũng không thể xoá được những hành động trong lúc nhất thời của chị Thuý. Trường hợp của chị Thuý là hồi chuông cảnh tỉnh cho rất nhiều chị em phụ nữ, chúng ta không thể chọn một cách làm trái pháp luật để trả thù chồng. Nếu cuộc sống hôn nhân của mình không hạnh phúc, chúng ta vẫn còn những cách làm khác hợp tình hợp lý hơn để giải thoát cho cả hai, đừng để những hành động trong lúc nóng giận dẫn đến hậu quả vừa hại người vừa hại mình, “gậy ông đập lưng ông”, hơn thế nữa người tổn thương và chịu thiệt thòi nhất vẫn là những đứa trẻ.
Đặc biệt hơn trong bối cảnh đại dịch Covid đang càn quét khắp mọi người, các gia đình phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, rồi việc làm việc nhiều hơn khiến cho những mâu thuẫn từ đó mà phát sinh nhiều hơn. Chúng ta có rất nhiều cách để giải quyết mâu thuẫn bằng việc đối thoại, sẻ chia và cảm thông cho những vất vả của đối phương, để từ xây dựng một gia đình hạnh phúc, con cái lớn khôn phát triển một cách toàn diện về nhận thức và tư duy. Tuyệt đối chúng ta không nên nghĩ đến việc trả thù trái đạo đức, trái pháp luật, hành động trong lúc thiếu suy nghĩ sẽ dẫn tới những hậu quả cho lường cho bản thân, gia đình và con cái của chúng ta. Trong xã hội pháp quyền, chúng ta hãy sống bằng lương tâm và tôn trọng pháp luật để mọi vấn đề được giải quyết một cách văn minh, thấu tình hợp lý hơn, tránh xảy ra những hậu quả đáng tiếc như trường hợp này.