Ngày 17/9, Ủy ban nhân dân Quận Bắc Từ Liêm đã có báo cáo gửi Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội và các sở, ngành chức năng về việc một học sinh lớp 1 tử vong xảy ra trên địa bàn. Vụ bé gái 6 tuổi tử vong, xác định bố có đánh con: “Người cha cứ đòi chết theo con, không muốn sống nữa”. Theo báo cáo, khoảng 11h ngày 16/9, học sinh này có bị bố đánh. Đến chiều, cháu bé vẫn ăn được cháo và uống thuốc. Sau đó, cháu bị nôn nhiều, được gia đình đưa đến bệnh viện cấp cứu. Tuy nhiên, phía bệnh viện xác nhận, học sinh đã tử vong trước khi đưa vào viện và trên người có dấu hiệu bị bạo hành nên đã báo cơ quan công an.
Về mặt pháp lý hành vi bạo hành con mình của người bố này đã xâm phạm quyền xâm phạm quyền cơ bản của con người, đó là quyền bất khả xâm phạm về thân thể con người, thậm chí có thể là cả quyền được sống được công nhận trong hiến pháp. Và xâm hại đến các quyền như quyền được bảo vệ để không bị bạo lực, bỏ rơi, bỏ mặc được quy định trong luật trẻ em 2016.
Để giải quyết vụ việc trên, cơ quan điều tra sẽ phải tiến hành khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi để xác định nguyên nhân chết của cháu bé. Theo thông tin báo chí cung cấp, bé gái 6 tuổi bị bố đánh trước khi tử vong. Do đó, cần xác định nguyên nhân tử vong của cháu bé do bố đánh hay do nguyên nhân khác để xem xét trách nhiệm hình sự đối với bố cháu bé. Nếu xác định nguyên nhân cháu bé chết do bị bố đánh, cần làm rõ động cơ, mục đích của bố cháu bé khi thực hiện hành vi.
Trường hợp người bố đánh đập không nhằm mục đích tước đoạt tính mạng cháu bé, hậu quả chết người nằm ngoài ý muốn thì có thể bị xử lý về hành vi cố ý gây thương tích với tình tiết định khung tăng tặng là làm chết người. Mức hình phạt cao nhất theo điều 134 Bộ luật hình sự 2015 sủa đổi bổ sung 2017 là 14 năm tù giam.
Trong khi đó, nếu bố cháu tác động ngoại lực vào những bộ phận nguy hiểm trên cơ thể cháu bé, nhằm mục đích tước đoạt tính mạng. Mặc dù có thể không nghĩ đến việc tước đoạt tính mạng, nhưng chỉ vì nóng giận mà đánh đập vào vùng xung yếu của cơ thể con gái mình, người bố phải nhận thức được rằng có thể gây nguy hiểm đến tính mạng cho nạn nhân nhưng vẫn hành động không quan tâm đến hậu quả có thể xảy ra. Thì có thể bị truy cứu về tội giết người theo khoản 1 điều 123 bộ luật này, mức hình phạt cao nhất đến tử hình.
Đối với hai tội trên, nếu không xem xét kĩ đôi khi có thể gây nhầm lẫn vì biểu hiện của hành vi có thể rất giống nhau. Ở tội “giết người”, hành vi tấn công của người phạm tội bao giờ cũng quyết liệt hơn, cường độ tấn công mạnh hơn, nhằm vào những nơi chứa các cơ quan trọng của cơ thể như: vùng đầu (sọ não, gáy), ngực, ổ bụng, … còn đối với tội “cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác”, người phạm tội tấn công nạn nhân không quyết liệt, nếu có quyết liệt thì cũng chỉ tấn công vào những nơi khó gây ra cái chết cho nạn nhân như: chân, tay, mông. Nếu có tấn công vào nơi xung yếu của cơ thể của nạn nhân thì cũng chỉ tấn công vào nơi như mắt, mũi, tai, miệng, những nơi có khả năng gây hậu quả chết người thấp hơn.
Thực tiễn, nhiều trường hợp người phạm tội chỉ khai không muốn làm nạn nhân chết. Do đó, phải kết hợp với ý thức chủ quan của họ để xác định là giết người hay cố ý gây thương tích, đồng thời phải căn cứ vào biên bản giám định pháp y về cơ chế hình thành vết thương, đặc biệt là nguyên nhân gây ra cái chết cho nạn nhân.
Về phần những người chứng kiến việc bố cháu đánh cháu bé mà không can ngăn dẫn đến hậu quả cháu bé chết thì có thể bị xem xét, xử lý về hành vi không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng theo điều 132 bộ luật này, hình phạt là cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
Cho dù người bố bạo hành con phải hứng chịu hình phạt nào, xét về đạo đức, đứng trên cương vị là bậc cha mẹ nhưng người bố có hành vi bạo hành con mình là điều không thể chấp nhận được. Hành vi này không những ảnh hưởng tới phát triển tâm sinh lý bình thường của con cái, nghiêm trọng hơn là nguy hiểm đến tính mạng. Ngoài việc phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, người bố này sẽ phải chịu sự phê phán từ cộng đồng, sự trừng phạt của tòa án lương tâm bởi đã gây nên cái chết cho chính con gái ruột của mình. “Trong khoảng 30 phút, tôi thấy công an đưa ông công lên gác rồi trở xuống. Ông ta liên tục gào khóc, nói muốn chết và nhiều lần đập đầu vào cửa kính”, nhân chứng kể. Hình phạt của pháp luật có thể sẽ chẳng kéo dài lâu nhưng sự trừng phạt của lương tâm có thể đeo bám day dẳng suốt cuộc đời. Có thể người cha này sẽ chẳng bao giờ có một cuộc sống thanh thản, khi mỗi lần nghĩ về người con ruột xấu số của mình người làm cha sẽ lại cảm thấy day dứt và hối hận không nguôi. Đó mới chính là sự trừng phạt đáng sợ nhất đối với một con người.
Trên thực tế, ở nước ta vẫn còn nhiều bậc cha mẹ quan niệm “thương cho roi cho vọt”, mình có quyền đánh con tùy ý để dạy dỗ, giáo dục con. Tuy nhiên, có thể thấy những hậu quả của việc dùng bạo lực để giáo dục con cái rất rặng nề, nhiều người phải vướng vào vòng lao lý do lạm dụng điều này và thiếu hiểu biết pháp luật. Cha mẹ nào cũng thương con, muốn con nên người, nhưng dùng lý do đó biện minh cho hành vi bạo lực của bản thân chưa bao giờ là một việc nên làm. Bát nước đã đổ đi thì không thể hớt lại được, cho dù người bố có day dứt, hối hận, cắn rứt lương tâm tới mức nào đi chăng nữa thì cũng không thể rút lại hành động đã xảy ra. Rút kinh nghiệm từ vụ việc đáng buồn trên, mỗi chúng ta cần ý thức được bản thân trong vai trò làm cha mẹ có trách nhiệm phải dạy dỗ con mình, nhưng quan trọng hơn là mỗi người đều có nghĩa vụ phải bảo vệ con cái khỏi bị thương tổn.
Đây là một trong những bài học đắt giá cho các bậc phụ huynh trong việc giáo dục con cái một cách đúng đắn, phù hợp hơn, tránh gây những tổn thương, hậu quả không đáng có. Đồng thời dấy lên hồi chuông cảnh tỉnh về vấn nạn bạo hành trẻ em, vấn nạn về sự thờ ơ, vô cảm trong xã hội, cần sự chung tay, góp sức tới từ cộng đồng để kịp thời ngăn chặn các hành vi bạo lực, quan tâm hơn tới việc bảo vệ sức khỏe, thân thể, bảo vệ mầm non tương lai của đất nước.
Nguyễn Thị Bích Loan
Email: nguyenloan841999@gmail.com
Facebook: https://www.facebook.com/profile.php?id=100012316599048