“Khám xét chỗ ở có bắt buộc phải có mặt người bị khám xét không?”
Trên đây là câu hỏi của bạn đọc có email phongvanxx28@gmail.com gửi đến Văn phòng luật sư Đồng Đội nhờ tư vấn.
Lời đầu tiên, Văn phòng Luật sư Đồng Đội xin gửi lời chào trân trọng, cảm ơn sự quan tâm, tin tưởng của quý khách tới dịch vụ tư vấn pháp luật của Văn phòng chúng tôi.
Do câu hỏi của bạn gửi về Văn phòng luật sư chưa cụ thể về việc bạn bị khám xét trong trường hợp nào, tình huống cụ thể ra sao nên Văn phòng luật sư Đồng Đội gửi đến bạn lời tư
vấn như sau:
TRƯỜNG HỢP: KHÁM XÉT THEO THỦ TỤC HÀNH CHÍNH
Việc khám xét nơi cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính là nhà ở được tiến hành khi có căn cứ cho rằng ở nơi đó có cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.
Điều 129 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 quy định việc khám xét chỗ ở của cá nhân được tiến hành theo trình tự, thủ tục như sau:
**Trước khi tiến hành khám xét:
– Chủ tịch UBND cấp huyện xem xét, quyết định khám nơi cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính là nhà ở.
– Mọi trường hợp khám nơi cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính phải có quyết định bằng văn bản và phải lập biên bản. Quyết định và biên bản khám nơi cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính phải được giao cho người chủ nơi bị khám 01 bản.
**Trong quá trình khám xét:
Khi khám nơi cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính phải có mặt người chủ nhà, nơi bị khám hoặc người thành niên trong gia đình họ và người chứng kiến. Trong trường hợp người chủ nơi bị khám, người thành niên trong gia đình họ vắng mặt mà việc khám không thể trì hoãn thì phải có đại diện chính quyền và 02 người chứng kiến.
Lưu ý: “không được” khám nơi cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính “vào ban đêm”, trừ trường hợp khẩn cấp hoặc việc khám đang được thực hiện mà chưa kết thúc nhưng phải ghi rõ lý do vào biên bản.
TRƯỜNG HỢP: KHÁM XÉT THEO THỦ TỤC TỐ TỤNG HÌNH SỰ
Việc khám xét theo thủ tục tố tụng hình sự chỉ được thực hiện khi có căn cứ để tiến hành và khám xét theo đúng trình tự, thủ tục.
*Việc khám xét chỉ được tiến hành nếu có một trong các căn cứ sau:
– Khi có căn cứ để nhận định trong người, chỗ ở, nơi làm việc, địa điểm có công cụ, phương tiện phạm tội, tài liệu, đồ vật, tài sản do phạm tội mà có hoặc đồ vật, dữ liệu điện tử, tài liệu khác có liên quan đến vụ án.
– Khi cần phát hiện người đang bị truy nã, truy tìm và giải cứu nạn nhân.
*Việc khám xét chỗ ở, nơi làm việc cần được tiến hành theo trình tự, thủ tục như sau:
Trước khi tiến hành khám xét:
– Trước khi tiến hành khám xét, những người có thẩm quyền theo Khoản 2 Điều 35, Khoản 1 Điều 113 BLTTHS 2015 cần ra lệnh khám xét. Lệnh khám xét của những người được quy định tại khoản 2 Điều 35 và điểm a khoản 1 Điều 113 của BLTTHS 2015 phải được VKS có thẩm quyền phê chuẩn trước khi thi hành.
– Trong trường hợp khẩn cấp, những người có thẩm quyền ra lệnh giữ người khẩn cấp theo Khoản 2 Điều 110 BLTTHS 2015 có quyền ra lệnh khám xét. Trong thời hạn 24 giờ kể từ khi khám xét xong, người ra lệnh khám xét phải thông báo bằng văn bản cho Viện kiểm sát cùng cấp hoặc Viện kiểm sát có thẩm quyền thực hành
quyền công tố và kiểm sát điều tra vụ việc, vụ án.
– Trước khi tiến hành khám xét, Điều tra viên phải thông báo cho Viện Kiểm Sát cùng cấp về: thời gian và địa điểm tiến hành khám xét để cử Kiểm sát viên “kiểm sát việc khám xét”, trừ trường hợp khám xét khẩn cấp. Kiểm sát viên phải có mặt để kiểm sát việc khám xét. Nếu Kiểm sát viên vắng mặt thì ghi rõ vào biên bản khám xét. Mọi trường hợp khám xét đều được lập biên bản theo quy định và đưa vào hồ sơ vụ án.
Trong quá trình khám xét:
– Đối với chỗ ở của cá nhân thì phải có mặt người đó hoặc người từ đủ 18 tuổi trở lên cùng chỗ ở, có đại diện chính quyền xã, phường, thị trấn và người chứng kiến. Trường hợp cá nhân đó, người từ đủ 18 tuổi trở lên cùng chỗ ở cố tình vắng mặt, bỏ trốn hoặc vì lý do khác họ không có mặt mà việc khám xét không thể trì hoãn thì việc khám xét vẫn được tiến hành nhưng phải có đại diện chính quyền xã, phường, thị trấn nơi khám xét và 02
người chứng kiến.
– Đối với nơi làm việc của cá nhân thì phải có mặt người đó, trừ trường hợp không thể trì hoãn nhưng phải ghi rõ lý do vào biên bản. Việc khám xét nơi làm việc phải có đại diện của cơ quan, tổ chức nơi cá nhân làm việc chứng kiến. Trong trường hợp không có đại diện cơ quan, tổ chức thì việc khám xét vẫn được tiến hành nhưng phải có đại diện chính quyền xã, phường, thị trấn nơi khám xét và 02 người chứng kiến.
Lưu ý: Khi tiến hành khám xét chỗ ở, nơi làm việc những người có mặt không được tự ý rời khỏi nơi đang bị khám, không được liên hệ, trao đổi với nhau hoặc với những người khác cho đến khi khám xét xong. Hiến pháp quy định “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở”. Do đó, việc khám xét chỗ ở của cá nhân phải được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên, đối chiếu với các quy định nêu trên thì “nếu người bị khám xét chỗ ở đã đủ 18 tuổi” và “có đại diện chính quyền” thì cơ quan điều tra “có quyền” khám xét chỗ ở của người này mà
“không cần sự có mặt” của họ.
Trên đây là toàn bộ ý kiến của chúng tôi liên quan đến vấn đề mà quý khách yêu cầu tư vấn. Trong trường hợp cần làm rõ thêm bất kỳ nội dung nào, quý khách vui lòng liên hệ với chúng tôi. Mọi thắc mắc hỏi đáp pháp luật xin vui lòng gửi về:
Thông tin liên hệ:
Văn phòng luật sư Đồng Đội: P2708, Tòa nhà VP3 Bán đảo Linh Đàm, Hoàng Liệt,
Hoàng Mai, Hà Nội
Điện thoại: 0936.026.559 – Email: tranxuantien1964@gmail.com
Facebook: https://www.facebook.com/dongdoilaw
Website: https://dongdoilaw.vn
Người viết – CTV pháp lý: Nguyễn Thị Bích Ngọc
Email: ngocbichlaw.la@gmail.com