Hiện nay, nhằm mục đích phát triển kinh tế, quan hệ vay tài sản nói chung, quan hệ vay tiền nói riêng được xác lập ngày càng nhiều giữa các cá nhân, tổ chức trong xã hội. Thực tế, hợp đồng vay tiền là một trong những hợp đồng thông dụng nhất trong giao lưu dân sự, nó giúp cho những chủ thể thỏa mãn được nhu cầu về vốn của mình cũng như đảm bảo cho những cam kết được tôn trọng và thực hiện. Tuy nhiên, quan hệ vay tiền có thể không chỉ đơn thuần là quan hệ dân sự. Bởi lẽ, bên cạnh những người vay sử dụng đúng mục đích, trả nợ đúng hạn và đầy đủ thì vẫn tồn tại rất nhiều cá nhân, tổ chức vay tiền, sau đó cố tình không trả, có ý định chiếm đoạt số tiền đã vay. Trong trường hợp vay nợ không trả và còn có ý định chiếm đoạt số tiền đã vay của người cho vay có thể sẽ “chuyển hóa” quan hệ dân sự là quan hệ vay tiền trước đó thành quan hệ vay nợ có tính chất hình sự. Vậy, làm thế nào để nhận diện được quan hệ giữa cá nhân, tổ chức vay tiền với người cho vay là quan hệ dân sự, khi nào thì quan hệ này chuyển hóa và mang tính chất hình sự? Người cho vay nên làm gì trong từng trường hợp? Dưới đây sẽ là những chia sẻ hữu ích của chuyên gia về vấn đề này!
Trước hết, quan hệ vay tiền giữa các cá nhân, tổ chức diễn ra hàng ngày trong xã hội được xác định là quan hệ dân sự, cụ thể hơn đây là giao dịch dân sự có thể được xác lập bằng văn bản dưới hình thức hợp đồng hoặc có thể dưới hình thức thỏa thuận miệng giữa các chủ thể với nhau. Trong giao dịch này, một bên (bên cho vay) cho bên còn lại vay một số tiền (bên vay) có thể có lãi hoặc không có lãi; vay không kỳ hạn hoặc vay có kỳ hạn tùy theo sự thỏa thuận của các bên. Thực tế, quyền và nghĩa vụ được chú trọng trong giao dịch vay tiền giữa các chủ thể này chính là nghĩa vụ trả nợ đúng hạn của bên vay để đảm bảo quyền của bên cho vay. Tuy nhiên, vấn đề phát sinh trong thực tiễn nhiều nhất đối với giao dịch này là khi đến hết hết kỳ hạn bên vay không trả nợ gốc, tiền lãi (đối với giao dịch vay tiền có thỏa thuận lãi suất), lảng tránh, kéo dài thời hạn phải trả nợ cho bên cho vay. Vậy, quan hệ vay tiền này là quan hệ dân sự sẽ được giải quyết như thế nào khi có tranh chấp giữa bên cho vay và bên vay với vấn đề trả nợ của bên vay? Khi nào quan hệ vay tiền này “chuyển hóa” thành quan hệ mang tính chất hình sự, chế tài có thể áp dụng đối với chủ thể vi phạm theo quy định của pháp luật hình sự là gì?
Trong trường hợp nào thì giao dịch vay tiền giữa các cá nhân, tổ chức trong xã hội được xác định là quan hệ dân sự? Dấu hiệu nhận diện đặc trưng là sự thỏa thuận của các bên trong giao dịch dân sự này, theo đó, các bên tự do, tự nguyện ý chí và hành động, thực hiện đúng những quyền và nghĩa vụ đã cam kết với nhau. Bên vay tận tâm, thiện chí thực hiện đúng nghĩa vụ trả nợ đối với bên cho vay. Tuy nhiên, giao dịch này khi có tranh chấp phát sinh được giải quyết bằng thương lượng giữa các bên hoặc bằng “con đường” tố tụng dân sự vẫn được xác định là giao dịch vay tiền mang yếu tố dân sự. Tranh chấp trong giao dịch vay tiền thường xảy ra khi nào? Thực tế, tranh chấp thường xảy ra xung quanh vấn đề “con nợ” không trả đúng, trả đủ cho chủ nợ số tiền gốc, tiền lãi (nếu có) khi hết thời hạn. Biện pháp đầu tiên mà bên vay có thể áp dụng trong trường hợp này để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình, cụ thể là đòi được cả gốc và lãi chính là tự mình “thúc nợ” đối với con nợ của mình. Người xưa vẫn có câu “nhất tội, nhì nợ”, do đó, không ai là không tự cảm thấy “xấu hổ” khi mình mang nợ mà đến hạn không trả, hơn thế, lại bị chủ nợ “thúc nợ”. Tuy nhiên, biện pháp này chỉ có khả năng áp dụng đối với những “con nợ” đề cao uy tín, tự trọng cá nhân, còn đối với những “con nợ” chây ỳ, luôn tìm cách lảng tránh không tiếp chủ nợ thì kết quả đòi được tiền là rất khó. Biện pháp thứ hai mà chủ nợ có thể áp dụng để “đòi tiền” từ bên vay chính là khởi kiện dân sự tại Tòa án. Theo đó, người khởi kiện cần thu thập đầy đủ các tài liệu, giấy tờ chứng minh giao dịch vay tiền, kèm theo các căn cứ chứng minh là “con nợ” không thực hiện nghĩa vụ trả nợ dù đã quá thời hạn vay, sau đó, viết đơn khởi kiện theo mẫu số 23-DS được ban hành kèm theo Nghị quyết số 01/2017/NQ-HĐTP ngày 13 tháng 01 năm 2017 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, sau đó, nộp đơn tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền theo quy định tại Điều 35, Điều 39 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015, phần lớn các vụ việc này thuộc thẩm quyền thụ lý của Tòa án nhân dân cấp huyện nơi bị đơn cư trú, do đó, người khởi kiện nộp đơn khởi kiện ở Tòa án nhân dân cấp huyện nơi bị đơn (bên vay) cư trú. Đối với biện pháp này thì vấn đề đặt ra chính là quá trình tố tụng có thể kéo dài tùy thuộc vào tính chất, mức độ của vụ việc vay nợ. Tuy nhiên, ưu điểm lớn nhất chính là sau khi đã có bản án của Tòa án quyết định việc chủ nợ “thắng kiện” thì căn cứ vào bản án đó, Cơ quan thi hành án dân sự sẽ thực hiện thu hồi tài sản của bên vay để đảm bảo thanh toán đủ nợ cho bên cho vay, từ đây, quyền và lợi ích hợp pháp của bên cho vay được pháp luật bảo vệ và thực thi trong thực tiễn một cách hợp pháp.
Như đã đề cập ở trên, quan hệ vay tiền có thể chỉ là quan hệ dân sự, song, cũng có thể “chuyển hóa” thành quan hệ có tính chất hình sự. Vậy, khi nào thì quan hệ vay giữa các cá nhân, tổ chức trong xã hội từ quan hệ dân sự mà “chuyển hóa” thành quan hệ hình sự? Làm thế nào để tránh trường hợp “hình sự hóa quan hệ dân sự” đối với quan hệ này trong thực tiễn áp dụng pháp luật? Thực tế, quan hệ vay tiền chỉ có thể chuyển hóa thành hành vi phạm tội theo quy định của pháp luật hình sự khi nó có đủ yếu tố cấu thành tội phạm theo quy định của Bộ luật hình sự về tội “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”. Theo đó, tại Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 thì tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản được quy định tại Điều 175 với hành vi của tội phạm này là vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó hoặc đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả hoặc đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản. Về giá trị tài sản, thì hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản bị coi là phạm tội khi tài sản bị chiếm đoạt có giá trị từ 4.000.000 đồng trở lên hoặc dưới 4.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp: đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội về chiếm đoạt tài sản đã được quy định từ Điều 168 đến Điều 174 và Điều 290 của Bộ luật hình sự, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm hoặc tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ. Người thực hiện hành vi được xác định là có lỗi cố ý với mục đích của tội phạm là chiếm đoạt tài sản của người khác. So với Điều 140 Bộ luật hình sự năm 1999 sửa đổi, bổ sung năm 2009 thì hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản trong quy định tại Điều 175 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 có bổ sung thêm hành vi cấu thành tội phạm này là: “vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả”. Đồng thời, bổ sung tình tiết định tội là “tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ”. Đây chính là những điểm mới quan trong trong quá trình thay đổi, phát triển của pháp luật hình sự Việt Nam, hướng đến việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị hại (tức bên cho vay nhưng bị bên vay lảng tránh, cố tình hoặc kéo dài thời gian trả nợ với mục đích chiếm đoạt tài sản). Bởi lẽ, trên thực tế có rất nhiều “con nợ” vay tiền của chủ nợ, đến hạn trả nợ mặc dù điều kiện kinh tế dư giả, thậm chí là mức sống tương đối cao, có tiền để trả cho chủ nợ khi đến hạn nhưng lại chây ỳ, thậm chí là “thách thức” chủ nợ “không trả thì làm gì được nhau” vì “con nợ” nghĩ đơn thuần giao dịch vay tiền giữa hai bên chỉ là quan hệ dân sự sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, với trường hợp “con nợ” như vậy, biện pháp xử lý mà chủ nợ có thể thực hiện là nộp đơn tố giác tội phạm tại cơ quan công an. Trong trường hợp “con nợ” có những động thái cực đoan, không hợp tác, ý đồ chiếm đoạt tài sản thể hiện rõ ràng thì bên cho vay có thể đến trụ sở cơ quan công an trình báo hoặc viết đơn tố giác tội phạm với hành vi “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” theo Điều 175 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017. Tuy nhiên, cần nhấn mạnh rằng, giao dịch vay tiền trong tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản là giao dịch đúng đắn, tại thời điểm giao kết hợp đồng bên vay tiền chưa có ý định chiếm đoạt tài sản. Nếu ý định chiếm đoạt tài sản có từ trước khi giao kết hợp đồng và bên vay đưa ra các thông tin, dùng thủ đoạn gian đối để được bên cho vay giao tiền thì “con nợ” có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Theo dấu hiệu về “thời điểm phát sinh ý định chiếm đoạt tài sản” thì bên cho vay có thể cân nhắc kỹ các thông tin liên quan đến giao dịch vay tiền giữa hai bên, tự mình đánh giá về thỏa thuận mà hai bên đã giao kết, sau đó trình báo hoặc tố giác với cơ quan công an đúng người, đúng tội, đúng quy định pháp luật.
Thực tế, tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản diễn ra khá phổ biến và đa dạng trong hành vi thực hiện của các đối tượng và đã có nhiều bản án hình sự xét xử về tội phạm này. Trong đó, có thể kể đến bản án 24/2019/HSST ngày 28/02/2019 của Tòa án nhân dân tỉnh Gia Lai xét xử bị cáo Trương Trọng T 5 năm tù về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản (đính kèm link bản án: https://thuvienphapluat.vn/banan/ban-an/ban-an-242019hsst-ngay-28052019-ve-toi-lam-dung-tin-nhiem-chiem-doat-tai-san-99848). Theo đó, Trương Trọng T đã vay của chủ nợ là anh Nguyễn Thái Ta với tổng số tiền là 3.200.000.000 đồng, T đã lợi dụng sự tin tưởng của bị hại để vay tiền nhiều lần, biết không trả được nợ vẫn tiếp tục vay rồi dùng thủ đoạn gian dối và bỏ trốn để chiếm đoạt toàn bộ số tiền vay của anh Ta, hành vi của T đã xâm phạm quyền sở hữu tài sản hợp pháp của bị hại. Bản án này đã góp phần thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật trong trừng trị người có tội nói chung, người có hành vi xâm phạm quyền sở hữu tài sản hợp pháp của công dân.
Nói tóm lại, giao dịch vay tiền trong quan hệ dân sự có thể “chuyển hóa” thành quan hệ có tính chất hình sự, hành vi vay tiền mà cố tình không hoàn trả có thể bị truy tố và xử lý hình sự nếu có đủ các yếu tố cấu thành tội phạm theo quy định tại Điều 175 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Từ đây, các cá nhân, tổ chức trong xã hội cần rút ra kinh nghiệm trong quá trình thực hiện giao dịch vay tiền, bên cho vay nên yêu cầu bên vay cung cấp đầy đủ thông tin như: Căn cước công dân, sổ hộ khẩu (bản sao chứng thực), số điện thoại, nơi thường xuyên cư trú, đồng thời giữ liên lạc với bên vay. Hoạt động này nhằm mục đích nắm tình hình cũng như thuận tiện để áp dụng các biện pháp cần thiết để xử lý nợ nếu người vay có dấu hiệu cố tình kéo dài thời gian hoặc không trả nợ hay có ý định chiếm đoạt.
Trong quá trình lập hợp đồng vay, khởi kiện hoặc tố giác tại cơ quan công an, nếu có bất kỳ khó khăn nào, bạn có thể liên hệ với luật sư để được hỗ trợ các thủ tục pháp lý cần thiết.
Văn phòng luật sư Đồng Đội chúng tôi với uy tín trong lĩnh vực thu hồi nợ, luôn sẵn sàng hỗ trợ bạn, thông tin liên hệ: P2708 – Tòa VP3 – Bán đảo Linh Đàm – Hoàng Mai – Hà Nội, SĐT: 0936 026 559, Email: luatsudongdoi@gmail.com.
Thông tin liên hệ:
Văn phòng luật sư Đồng Đội: P2708, Tòa nhà VP3 Bán đảo Linh Đàm, Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội
Điện thoại: 0936.026.559 – Email: tranxuantien1964@gmail.com
Website: https://dongdoilaw.vn
Facebook: https://www.facebook.com/dongdoilaw
Youtube: https://www.youtube.com/c/VănphòngluậtsưĐồngĐội
Tiktok: https://www.tiktok.com/@vpls_dongdoi
Người viết: Phùng Thị Phương Thảo
Điện thoại: 0368353205
Email: phungthaovlvx@gmail.com