Trong quá trình tham gia tố tụng đối với các vụ án hình sự, văn bản quan trọng nhất của luật sư chính là luận cứ. Luận cứ có thể bao gồm luận cứ bào chữa cho bị cáo, luận cứ bảo vệ cho bị hại, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan hoặc luận cứ bảo vệ các đương sự khác trong giai đoạn đưa vụ án ra xét xử.
Luận cứ bào chữa hay luận cứ bảo vệ đều là những văn bản thể hiện quan điểm của luật sư với tư cách là người bào chữa hoặc người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho thân chủ của mình. Đây cũng chính là sản phẩm của quá trình nghiên cứu hồ sơ, tham gia tố tụng, nghiên cứu các văn bản pháp luật, thu thập, tìm kiếm những chứng cứ có giá trị chứng minh để bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp cho thân chủ. Mặt khác, đây cũng là văn bản thể hiện kiến thức, khả năng, kinh nghiệm của luật sư khi tham gia bào chữa, nhằm thuyết phục hội đồng xét xử và là chỗ dựa vững chắc về tâm lý cho thân chủ cũng như gia đình, người thân của họ.
Vì vậy, việc chuẩn bị luận cứ cũng như kỹ năng, kinh nghiệm chuẩn bị luận cứ trong vụ án hình sự là rất quan trọng, là kiến thức “nằm lòng” mà mỗi luật sư cần trau dồi trong quá trình hành nghề. Trong bài viết dưới đây, chúng tôi sẽ đưa ra một số kinh nghiệm cần thiết đối với luật sư trong quá trình chuẩn bị luận cứ bào chữa trong vụ án hình sự.
Để chuẩn bị được bản luận cứ thật tốt, đầy đủ và có tính thuyết phục cao, luật sư phải tiến hành một số hoạt động như:
- Nghiên cứu hồ sơ: Các thông tin có trong hồ sơ vụ án là những thông tin quan trọng, giúp luật sư bám sát và tìm ra được những vấn đề mấu chốt của vụ án như tội danh, các tình tiết tăng nặng, tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, căn cứ chứng minh vô tội, khung hình phạt… Ngoài ra, trong quá trình nghiên cứu hồ sơ, luật sư còn là người phát hiện những sai phạm, vấn đề thiếu sót trong đánh giá chứng cứ, vi phạm tố tụng của cơ quan có thẩm quyền để kịp thời đưa ra kiến nghị nhằm khắc phục sai sót, đảm bảo quá trình điều tra, xét xử diễn ra công bằng, khách quan, đúng pháp luật.
- Thu thập thêm tài liệu, chứng cứ: Ngoài những tài liệu thu thập được từ phía cơ quan điều tra và các cơ quan tố tụng khác, luật sư cần chủ động tìm hiểu, bổ sung các tình tiết chứng cứ có ý nghĩa trong việc giải quyết vụ án nhưng chưa được cơ quan điều tra, toà án xem xét. Trong đó, việc thu thập và giao nộp thêm chứng cứ, đồ vật, tài liệu mới cần bảo đảm tính hợp pháp về mặt hình thức và tính xác thực tính liên quan về mặt nội dung bằng những cách thức và những biện pháp theo quy định của pháp luật.
- Thăm gặp, trao đổi với bị can: Trong quá trình gặp và trao đổi với bị can trong trại tạm giam, luật sư cần thu thập những thông tin mà bị can cung cấp để đối chiếu, đánh giá với những chứng cứ khác đã thu thập được; đồng thời trao đổi với bị can về tính chất, mức độ, hậu quả hành vi và những tình huống sẽ phát để bị can xác định tốt tư tưởng, trấn an tâm lý chuẩn bị cho việc xét xử tại toà án.
- Kiến nghị, đề xuất với Viện kiểm sát, Tòa án: Trong quá trình nghiên cứu hồ sơ, đánh giá chứng cứ của vụ án, nếu còn những điểm nghi vấn, mâu thuẫn hoặc phát hiện có sai phạm trong quy trình, thủ tục tố tụng, luật sư có thể gửi kiến nghị, đề xuất bằng văn bản đến cơ quan điều tra, toà án, viện kiểm sát để trình bày những vấn đề liên quan đến những tình tiết sự kiện mới phát sinh, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho thân chủ cũng như bảo đảm vụ án được giải quyết khách quan, công bằng.
Sau khi thực hiện xong các công việc trên, luật sư sẽ tiến hành chuẩn bị bản luận cứ bào chữa hoặc luận cứ bảo vệ. Điều quan trọng là bản luận cứ cần đáp ứng được một số yêu cầu như: có bố cục chặt chẽ, ngắn gọn, rõ ràng, súc tích; các chứng cứ được sử dụng phải chính xác, bảo đảm độ tin cậy; các quan điểm đề xuất phải rõ ràng, không vì bênh vực quyền lợi cho thân chủ của mình mà làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người khác.
Về bố cục, nội dung của bài bào chữa sẽ gồm 3 phần: Phần mở đầu, phần nội dung và phần kết luận.
1. Phần mở đầu
Phần mở đầu của bài bào chữa cần giới thiệu tư cách luật sư, giới thiệu về bản thân, văn phòng luật sư mà mình đang tham gia, nêu lý do mà mình tham gia bào chữa cho thân chủ. Có nhiều cách khác nhau để mở đầu bản luận cứ nhưng mục đích chung là phải gây được sự chú ý cho người nghe, kích thích được sự quan tâm của tất cả những người có mặt ở phiên tòa và định hướng cho họ tiếp nhận những quan điểm, ý kiến tranh luận của Luật sư. Vì vậy, phần mở đầu cần trình bày thật ngắn gọn, rõ ràng, khúc chiết, gây chú ý cho người nghe ngay từ đầu.
2. Phần nội dung
Đây là phần quan trọng nhất của bản luận cứ, là trọng tâm và đúc kết quá trình nghiên cứu hồ sơ, thể hiện quan điểm pháp lý và quan điểm bào chữa cho bị cáo của luật sư. Luật sư cần tập trung phân tích những nhận định, đánh giá, luận cứ buộc tội của cáo trạng và đưa ra những chứng cứ pháp lý chứng minh sự không đầy đủ, mâu thuẫn, không phù hợp với sự thật khách quan của vụ án để phủ nhận lời cáo buộc của Viện kiểm sát và gỡ tội cho bị cáo. Trong đó, luật sư có thể bào chữa theo 3 hướng: hướng chứng minh bị cáo không phạm tội, hướng giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo, hoặc hướng kiến nghị trả hồ sơ để điều tra bổ sung.
Phụ thuộc vào định hướng bào chữa mà trong bản luận cứ luật sư cần nêu ra được các chứng cứ, phân tích được các tình tiết có lợi cho thân chủ, đồng thời viện dẫn các căn cứ pháp luật theo hướng có lợi cho thân chủ để từ đó chứng minh cho định hướng bào chữa của mình. Để có luận cứ gỡ tội hoặc đề nghị giảm nhẹ tội, luật sư cần chú trọng vào các yếu tố như: điều kiện, nguyên nhân, mục đích, động cơ phạm tội, cũng như phân tích đặc điểm nhân thân của bị cáo khi thực hiện hành vi phạm tội. Trong nhiều trường hợp, động cơ phạm tội quyết định hình thức lỗi là tình tiết định tội, định khung hình phạt, nhưng đồng thời cũng là những tình tiết tăng nặng hoặc giảm nhẹ trách nhiệm trách nhiệm hình sự. Vì vậy, Luật sư cần chú ý đề cập đến những vấn đề trên khi nó có tác dụng gỡ tội hoặc là tình tiết giảm nhẹ tội.
3. Phần kết luận
Phần đề xuất, kết luận trong bản luận cứ là phần khẳng định lại quan điểm, nhận định của người bào chữa, đồng thời đưa ra các kiến nghị cụ thể của luật sư. Những nhận định của luật sư cần căn cứ vào những chứng cứ pháp lý rõ ràng, áp dụng các điểm, khoản, điều của Bộ luật, luật tương ứng để đề nghị HĐXX xem xét và quyết định. Ngoài ra, Luật sư cũng không nên quên sự đánh giá cao sự quan tâm của HĐXX và đại diện viện kiểm sát trong việc chú ý lắng nghe quan điểm bào chữa và thể hiện sự tin tưởng vào phán quyết công minh, bình đẳng, khách quan và đúng pháp luật của Hội đồng xét xử.
Tuy nhiên cần lưu ý rằng, bản luận cứ bào chữa dù soạn thảo cẩn thận đến đâu cũng không phải là hoàn hảo nhất vì nó được chuẩn bị trên cơ sở những gì đã có trong hồ sơ vụ án và những chứng cứ, tài liệu thu thập được. Bản luận cứ này có thể đầy đủ, hoặc thiếu hay thừa nội dung khi tại phiên toà phát sinh những tình tiết mới, sự kiện mới, chứng cứ mới. Vì vậy, luật sư không nên quá phụ thuộc vào bản luận cứ mà cần nắm chắc tình tiết của vụ án, nhất là những tình tiết có liên quan đến thân chủ của mình; đồng thời tập trung cao độ, chú ý lắng nghe ý kiến của HĐXX, của đại diện VKS cũng như phần tranh luận của những người tham gia phiên toà để kịp thời điều chỉnh quan điểm, nhận xét, đánh giá và đưa ra luận cứ gỡ tội phù hợp. Ngoài ra, các tài liệu, chứng cứ phục vụ cho việc bào chữa phải được sắp xếp khoa học, thuận tiện cho việc sử dụng tại phiên toà, tránh trường hợp luật sư khi cần viện dẫn lại không tìm được tài liệu.
Nhìn chung, việc chuẩn bị luận cứ bào chữa là một quá trình đòi hỏi luật sư phải thực hiện nhiều hoạt động khác nhau và sử dụng nhiều kỹ năng khác nhau. Đây là hoạt động đặc thù của luật sư, có ý nghĩa vô cùng quan trọng, quyết định sự thành công của luật sư khi tham gia phiên tòa xét xử vụ án hình sự. Chính vì thế, luật sư phải trau dồi, chuẩn bị cho mình những kiến thức và kỹ năng cần thiết để bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp cho thân chủ của mình.
Người viết: Lương Lệ Mai – CVPL tại Văn phòng luật sư Đồng Đội
Tham vấn: Luật sư Trần Xuân Tiền
Thông tin liên hệ:
Văn phòng luật sư Đồng Đội: P2708, Tòa nhà VP3 Bán đảo Linh Đàm, Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội
Điện thoại: 0936.026.559 – Email: tranxuantien1964@gmail.com
Website: https://dongdoilaw.vn
Facebook: https://www.facebook.com/dongdoilaw
Youtube: https://www.youtube.com/c/VănphòngluậtsưĐồngĐội