Hiện nay, khi mà nền kinh tế Việt Nam đang trên đà phát triển theo xu hướng hội nhập quốc tế, vấn đề về tăng cường khả năng cạnh tranh và nâng cao hiệu quả kinh doanh được đặc biệt chú ý. Rõ ràng là để tồn tại được trong môi trường thị trường mới một cách hiệu quả, cần phải có trong tay những kỹ năng và kiến thức phù hợp với yêu cầu của thị trường mới, và năng lực Marketing là năng lực quan trọng nhất tạo nên lợi thế cạnh tranh trong môi trường cạnh tranh ngày nay.
Nhắc đến Marketing, chúng ta hiểu rằng đây là một thuật ngữ chỉ các hoạt động trong các tổ chức (cả tổ chức kinh doanh và tổ chức phi lợi nhuận) bao gồm việc tạo dựng giá trị từ khách hàng, xây dựng mối quan hệ với khách hàng, xây dựng mô hình sản phẩm, giá cả, hệ thống phân phối và chiến dịch xúc tiến… với mục đích nhằm tạo ra sản phẩm, dịch vụ thỏa mãn nhu cầu của một hoặc nhiều nhóm khách hàng nhất định và thu về giá trị lợi ích từ những giá trị đã được tạo ra.
Thống kê hiện nay, có 13 công cụ marketing phổ biến bao gồm:
– Lập website, blog.
– Gọi điện thoại
– Gửi thư trực tiếp (bằng bưu điện)
– Liên doanh, liên minh
– Hoạt động gặp gỡ giao lưu trực tiếp (Networking)
– Quảng cáo trực tuyến bằng banners hoặc viết email.
– Quảng cáo trực tuyến trả phí theo mỗi lần nhấp chuột (Pay per click)
– Tổ chức thuyết trình và hội thảo.
– In ấn phẩm quảng cáo
– Xuất bản và phát hành tài liệu
– Giới thiệu trực tiếp từ khách hàng, đối tác (referrals)
– Truyền thông xã hội (facebook, google +, linked..)
– Viết bài cho tạp chí chuyên ngành hoặc báo chí.
Trong đó, Networking và Referrals được nhận xét là phương pháp tiếp thị hiệu quả và ít tốn kém nhất, mặc dù quá trình thực hiện kéo dài nhưng mang lại doanh thu lớn, trung bình khoảng 30%.
Marketing nhận dạng ra được nhu cầu mà con người và xã hội cần một cách có lợi, giúp các cá nhân, tập thể đạt được những gì họ cần và muốn thông qua việc tạo lập, cống hiến, và trao đổi tự do giá trị của các sản phẩm và dịch vụ với nhau. Đặc biệt, trong cơ chế thị trường hiện nay, Marketing là một phương pháp cốt yếu và phổ biến trong quản trị kinh doanh của các doanh nghiệp, chính vì vậy, Marketing có một vai trò hết sức quan trọng, không chỉ đối với những doanh nghiệp lớn mà cả với những doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Vậy đối với tổ chức hành nghề luật sư, Marketing có vị trí, vai trò như thế nào?
Tổ chức hành nghề luật sư thực chất là một chủ thể kinh doanh được hình thành bởi một hoặc nhiều luật sư để tham gia vào việc hành nghề luật. Tổ chức hành nghề luật sư được tổ chức theo nhiều cách khác nhau thông thường bao gồm: Văn phòng luật sư; Công ty luật. Trong đó, Văn phòng luật sư được tổ chức và hoạt động theo loại hình doanh nghiệp tư nhân; Công ty luật bao gồm công ty luật hợp danh và công ty luật trách nhiệm hữu hạn. Như vậy, luật sư tại Việt Nam cũng là một ngành kinh doanh như các ngành nghề khác. Để bắt kịp xu hướng của nền kinh tế, khi mà các ngành nghề đều rất chú trọng và đầu tư cho Marketing thì luật sư cũng sẽ không nằm ngoài quy luật này.
Thống kê ở Việt Nam, tại thời điểm Liên đoàn Luật sư thành lập (tháng 5/2009), cả nước có 5.300 luật sư. Đến cuối năm 2014, tổng số luật sư của cả nước là 8.928 luật sư (tăng hơn 40%). Theo chiến lược phát triển nghề luật sư, đến năm 2020, nước ta sẽ có khoảng 18.000-20.000 luật sư. Tại thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh có hàng nghìn công ty luật và văn phòng luật sư. Số lượng luật sư tăng nhanh nhưng nếu không có ai thuê thì cũng chẳng để làm gì. Phát triển số lượng thì cũng phải tính cả những biện pháp tổng thể khác. Đối mặt với sự cạnh tranh của thị trường pháp lý khốc liệt, luật sư và các hãng luật của chúng ta càng cần trang bị cho mình những kiến thức, kỹ năng tiếp thị cần thiết để phát triển hoạt động kinh doanh của mình. Lượng luật sư tăng nhanh nhưng chất trao đổi chậm, Đội ngũ luật sư hiện nay còn nhiều hạn chế như thiếu kinh nghiệm, kỹ năng hành nghề, thiếu chuyên nghiệp và chưa có tác phong tốt tại phiên tòa. Nếu không quảng bá, không được biết đến, không có khách hàng, như vậy kinh nghiệm, kỹ năng của đội ngũ luật sư vẫn sẽ giậm chân tại chỗ, thậm chí là đi xuống. Thêm nữa, hiện nay có rất nhiều văn phòng luật sư và công ty luật trẻ tuổi mới thành lập, còn chưa có tiếng tăm. Vậy nếu không dùng hoạt động Marketing để quảng bá, để đẩy hình ảnh doanh nghiệp lên thì rất khó để khách hàng có thể tiếp cận và sử dụng dịch vụ của văn phòng luật sư và công ty luật.
Đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt, nhu cầu ngày càng cao, càng phức tạp hơn của con người và xã hội, Marketing đối với các ngành nghề nói chung và nghề luật sư nói riêng chiếm vị trí, vai trò quan trọng và thiết yếu giúp phát triển và mang lại doanh thu.
Marketing quảng bá hình ảnh, tạo điều kiện cho khách hàng tiếp cận và sử dụng dịch vụ của văn phòng luật, công ty luật, đồng thời giúp các doanh nghiệp này tìm kiếm khách hàng mục tiêu. Luật sư cũng giống như bác sĩ, bác sĩ chuyên khoa khác nhau sẽ có những thế mạnh khác nhau trong khám chữa bệnh, luật sư cũng vậy, mỗi một luật sư, văn phòng luật hay công ty luật cũng sẽ có những thế mạnh trong từng lĩnh vực, từng mảng luật cụ thể. Hoạt động Marketing sẽ giúp cho khách hàng tiếp cận và lựa chọn luật sư, văn phòng luật, công ty luật có thế mạnh phù hợp với yêu cầu của chính khách hàng.
Thông qua Marketing, khách hàng dựa trên nhu cầu thực tế của mình, chủ động tìm đến các tổ chức hành nghề luật sư còn luật sư, văn phòng luật, công ty luật sẽ được toàn quyền chọn cho mình phương thức cũng như các luận cứ bào chữa hay bảo vệ quyền lợi cho khách hàng gần như một cách tuyệt đối. Điều này sẽ đảm bảo quyền, lợi ích của khách hàng sẽ được bảo vệ một cách triệt để và công tâm nhất, tránh tình trạng chỉ định luật sư, tình trạng móc nối giữa luật sư, văn phòng luật, công ty luật với cơ quan tiến hành tố tụng làm ảnh hưởng đến quyền lợi của thân chủ.
Ngoài ra, Marketing còn tạo môi trường hợp tác giữa các luật sư, các văn phòng luật và các công ty luật, hướng tới cung cấp những dịch vụ pháp lý tốt nhất cho khách hàng, đồng thời mở rộng nguồn khách hàng tiềm năng.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, Marketing đối với nghề luật chưa thực sự được coi trọng, chính vì lẽ đó sinh viên luật ra trường thường thiếu kinh nghiệm trong tìm kiếm việc làm, thiếu chuyên môn trong tìm kiếm nguồn khách hàng, luật sư rơi vào tình trạng thất nghiệp, văn phòng luật, công ty luật mở ra thì không có khách. Điều này đòi hỏi cần có giải pháp hữu hiệu, phổ biến một cách rộng rãi, có hiệu quả vai trò, sức mạnh của Marketing, nhằm nâng cao sự năng động, sáng tạo của tổ chức hành nghề luật sư đối với hoạt động quảng bá hình ảnh, dịch vụ của doanh nghiệp.
Trên đây là một vài ý kiến về tính thiết yếu của Marketing đối với tổ chức hành nghề luật sư. Tiến hành hoạt động Marketing một cách có hiệu quả sẽ giúp phát triển dịch vụ và đạt doanh thu cao, thu nhập tốt. Để đạt được điều này, mỗi tổ chức hành nghề luật sư cần căn cứ vào nguồn lực về nhân sự, tài chính và sở trường của mình để áp dụng các công cụ marketing phù hợp và thành công, ví dụ như lớp luật sư già thường vận dụng tốt các mối quan hệ, hay lớp luật sư trẻ có xu hướng đẩy mạnh quảng bá qua internet.
Thực tiễn áp dụng, là một tổ chức hành nghề luật sư tại thành phố Hà Nội, Văn phòng Luật sư Đồng Đội (Tòa nhà VP3 – Bán đảo Linh Đàm, Nguyễn Duy Trinh, phường Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội) liên tục triển khai và thực hiện tốt công tác quảng bá hình ảnh đi liền với chất lượng dịch vụ pháp lý, bắt kịp xu hướng phát triển chung và đứng vững trong môi trường pháp lý cạnh tranh. Tên tuổi của Văn phòng ngày càng được nhiều người biết đến qua nhiều phương tiện như báo chí, truyền hình, internet… Những năm qua, Văn phòng luật sư Đồng Đội luôn là địa chỉ tin cậy cho rất nhiều sinh viên trường luật đến học việc, thực tập rèn luyện, trau dồi kinh nghiệm, kỹ năng chuyên môn, đồng thời Văn phòng cũng là địa chỉ tin cậy hỗ trợ tư vấn pháp luật cho nhiều tổ chức và cá nhân trên khắp cả nước.
Tác giả: Bế Thị Hương & LS Trần Xuân Tiền