Khép lại năm 2019 Văn phòng luật sư Đồng Đội đã gặt hái không ít thành công khi tham gia giải quyết rất nhiều vụ án khác nhau, lớn có, nhỏ có, phức tạp có, đơn giản có kèm theo đó là những trải nghiệm mới về cả lý luận, thực tiến và những cung bậc cảm xúc khác nhau. Tuy nhiên, điểm lại chúng tôi nhận thấy các vụ án liên quan đến lĩnh vực ngân hàng hiện đang là vấn đề nổi cộm trong xã hội, những vụ án liên quan đến lĩnh vực ngân hàng chúng tôi tham gia ở nhiều góc độ, vị trí, vai trò khác nhau, khi thì bảo vệ cho ngân hàng là nguyên đơn dân sự trong vụ án kinh doanh thương mại hoặc người có quyền và nghĩa vụ liên quan trong vụ án án hình sự, khi thì bảo vệ cho khách hàng vay là bị đơn dân sự…
Khi bảo vệ cho thân chủ ở mỗi vị trí khác nhau, chúng tôi tổng kết được rằng hoạt động cho vay của các ngân hàng từ trước, thậm chí cho đến thời điểm hiện tại còn rất nhiều bất cập, sai sót, có quá nhiều lỗ hổng cả về kinh nghiệm thực tế, kiến thức pháp lý, sự tuân thủ quy trình quy định…việc này dẫn đến hậu quả khôn lường như: ngân hàng có nguy cơ mất vốn, cán bộ ngân hàng vướng vòng lao lý, khách hàng vay, bên thế chấp mất tài sản và rơi vào cảnh khó khăn cùng quẫn…
Có thể điểm lại một số vụ án và những vấn đề kinh nghiệm được rút ra sau khi chúng tôi đã tham gia giải quyết, như sau:
Vụ án thứ nhất, tranh chấp hợp đồng tín dụng giữa Ngân hàng V (nguyên đơn) và Công ty TNHH T.T (bị đơn) do TAND huyện T, tỉnh BN giải quyết
Nội dung vụ việc:
Năm 2010 Ngân hàng V có giao kết hợp đồng tín dụng với Công ty TNHH T.T do ông Đ.V.S là đại diện, theo đó Ngân hàng V đã cho Công ty vay vốn với số tiền 23 tỷ đồng với mục đích xây dựng dự án nhà máy gạch Tuynel trên địa bàn tỉnh BN, trong quá trình hoạt động của Công ty đại diện theo pháp luật là ông Đ.V.S cùng nhóm cổ đông công ty đã hoạt động không hiểu quả, dẫn đến Công ty phát sinh khoản nợ quá hạn tại Ngân hàng V và buộc phải cơ câu hoạt động bằng việc chuyển nhượng lại cổ phần cho nhóm cổ đông mới, khoản nợ quá hạn không thể khắc phục được do tình hình kinh doanh không hiệu quả, dự án đang dở dang cần vốn để hoạt động. Đến năm 2017 Ngân hàng V đã chính thức khởi kiện Công ty TNHH T.T ra TAND huyện T, tỉnh BN để giải quyết tranh chấp hợp đồng tín dụng.
Do tính chất phức tạp của vụ việc, Công ty TNHH T.T được đại diện bởi những cổ đông mới đã liên hệ và sử dụng dịch vụ pháp lý của VPLS Đồng Đội.
Sau khi nghiên cứu hồ sơ, đối chiếu với quy định của pháp luật, các luật sư của VPLS nhận thấy nhiều điểm bất cập, thiếu sót, trái quy định của pháp luật.., cụ thể như sau:
1. Hợp đồng tín dụng giữa Ngân hàng V ký với Công ty TNHH T.T là Hợp đồng vô hiệu.
Hợp đồng tín dụng dài hạn ngày 26/03/2010 vô hiệu do vi phạm điều cấm của pháp luật vi phạm quy định về lãi suất tại Điều 467 Bộ luật dân sự năm 2005 (BLDS năm 2005), áp dụng quy định về giao dịch dân sự vô hiệu do vi phạm điều cấm tại Điều 134BLDS năm 2005.
Hợp đồng tín dụng ngày 19/06/2015 vi phạm quy định về điều kiện có hiệu lực của Hợp đồng tín dụng theo quy định tại Điều 51 Luật các tổ chức tín dụng năm 1997 sửa đổi bổ sung năm 2001; và Điều 17 Quyết định 1627/2001/QĐ-NHNN. Ngân hàng là tổ chức soạn thảo Hơp đồng nhưng lại cố tình không đưa các điều khoản quy đinh về điều kiện vay vốn và phương thức cho vay vào nội dung của Hợp đồng tín dụng. Đáng chú ý, mục đích vay vốn tại Hợp đồng này được hai bên thỏa thuận: “các khoản nợ được bên vay sử dụng để bổ sung vốn lưu động phục vụ kế hoạch sản xuất kinh doanh gạch”. Mục đích này là không có thật, vì tại thời điểm ký Hợp đồng Công ty T.T không có nhu cầu và không có phương án, kế hoạch kinh doanh là bổ sung vốn lưu động, cũng không trình phương án này lên Ngân hàng để xin vay vốn như tại nội dung của Hợp đồng tín dụng năm 2015. Thực tế, Ngân hàng không giải ngân cho Công ty theo Hợp đồng này.
2. Có sự câu kết giữa cán bộ ngân hàng và đại diện Công ty TNHH T.T từ khi bắt đầu xây dựng nhà máy gạch Tuynel
– Trong Hợp đồng tín dụng năm 2010 có dẫn chiếu đến phương án vay vốn của Công ty P.T, đây là một công ty sân sau của ông Đ.V.S (ông Sáu tại thời điểm 2010 đang là đại diện của Công ty Thành Thịnh), công ty P.T cũng đồng thời là nhà thầu thi công xây dựng, cung cấp nguyên vật liệu đầu tư nhà máy gạch và nhận tiền giải ngân từ Ngân hàng V (theo hồ sơ ngân hàng cung cấp);
Vấn đề đặt ra là việc sử dụng vốn có đúng mục đích hay không? Bởi các lý do sau:
Thứ nhất, bản thân ông Sáu và Vietinbank đều biết công ty Phương Thành là của ông Sáu, nhưng vẫn sử dụng các chứng từ, hóa đơn do chính công ty này để làm chứng từ chứng minh quyền sở hữu tài sản và phương án vay vốn.
Qua tìm hiểu trên trang: https://dichvuthongtin.dkkd.gov.vn/inf/Forms/Searches/EnterpriseInfo.aspx?h=c231 thì công ty P.T hiện đang đứng tên ông Đ.V.S, trong khi đó ông Đ.V.S lại đại diện cho Công ty TNHH T.T ký kết hợp đồng giao dịch với Ngân hàng V và Công ty P.T.
Theo quy định tại khoản 5, điều 144 BLDS năm 2005 thì “5. Người đại diện không được xác lập, thực hiện các giao dịch dân sự với chính mình hoặc với người thứ ba mà mình cũng là người đại diện của người đó, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.”
Một sự thật hiển nhiên như vậy, đáng lẽ ngân hàng V trong quá trình thẩm định, xét duyệt cho vay phải biết và có biện pháp ngăn chặn kịp thời để tránh những việc sử dụng vốn sai mục đích, các rủi ro phát sinh, thậm chí có khả năng mất vốn.
Bên cạnh đó, để đảm bảo cho khoản vay 23 tỷ đồng theo Hợp đồng tín dụng dài hạn số năm 2010. Ngân hàng V và Công ty TNHH T.T đã ký kết với nhau Hợp đồng thế chấp số 01 năm 2010 và Hợp đồng thế chấp số 02 năm 2010. Tuy nhiên, tại HĐTC số 01, Ngân hàng đã vi phạm quy định của pháp luật khi tài sản thế chấp không đủ điều kiện trở thành tài sản thế chấp. Ngân hàng và Công ty đều không có cơ sở để chứng minh những tài sản thế chấp- tài sản hình thành từ vốn vay là tài sản của Công ty. Như vậy, ngay khi ký HĐTC ngày số 01, dù Công ty không có bất kì hoạt động kinh tế nào, không có tài sản để đảm bảo khoản vay nhưng Ngân hàng đã giải ngân cho Công ty 23 tỷ là trái pháp luật, vi phạm nguyên tắc cấp tín dụng.
Để sửa sai cho HĐTC số 01, Ngân hàng và Công ty ký HĐTC ngày 30/05/2011 nội dung thay thế cho toàn bộ HĐTC số 01 và 02, và bổ sung thêm Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cùng các hóa đơn GTGT để chứng minh tài sản thế chấp thuộc sở hữu của Công ty. Thế nhưng, vấn đề chúng tôi phát hiện ra các hóa đơn GTGT không hợp pháp vi phạm quy định tại Điều 4 Thông tư 153/2010/TT-BTC về hoá đơn bán hàng hoá cung ứng dịch vụ, những Công ty xuất hóa đơn đều liên quan trực tiếp đến ông Đ.V.S- giám đốc của Công ty T.T và ông B.Q.H thành viên của Công ty T.T; các hóa đơn này cũng không diễn đạt được khối lượng, loại hàng hóa, nghiệp vụ kinh tế phát sinh giữa Công ty T.T và các công ty khác. Như vậy, Ngân hàng đã chấp nhận những tài liệu không hợp pháp để làm căn cứ thực hiện Hợp đồng thế chấp là trái pháp luật.
Ngoài ra, các Hợp đồng Ngân hàng giao kết với Công ty T.T cũng tồn tại rất nhiều vi phạm: đối tượng vay vốn nhưng lại duyệt vay, thẩm định dự án của Công ty P.T, Hợp đồng tín dụng ngày 19/06/2015 không có văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh, Hợp đồng chỉ có 02 trang đầu có dấu giáp lai còn tất cả những trang khác đều không có.
Từ những dấu hiệu mâu thuẫn, trái pháp luật tại các hợp đồng Ngân hàng đã ký với Công ty, để đảm bảo tính minh bạch trong hoạt động cấp tín dụng, chúng tôi đã gửi kiến nghị để thẩm phán- chủ tọa phiên tòa chuyển hồ sơ sang Cơ quan Cảnh sát điều tra xác minh, điều tra làm rõ dấu hiệu sai phạm của các cán bộ Ngân hàng và cá nhân ông Đ.V.S.
Vụ án thứ hai, tranh chấp hợp đồng tín dụng giữa ngân hàng V.P (nguyên đơn) và ông N.Đ.H, bà N.T.P (bị đơn) do TAND huyện HH, tỉnh NĐ giải quyết
Nội dung vụ việc:
Năm 2013 ông N.Đ.H và vợ là bà N.T.P có vay tại ngân hàng V.P số tiền 350 triệu đồng để phục vụ nhu cầu vốn kinh doanh phế liệu, để đảm bảo cho khoản vay ông H và bà P đã thế chấp 104m2 đất tại TT C, huyện HH, tỉnh NĐ. Do tình hình kinh tế khó khăn, công việc kinh doanh không thuận lợi vợ chồng ông H không có đủ khả năng thanh toán khoản nợ tại ngân hàng V.P, ông H đã phải bỏ gia đình đi làm ăn tại địa phương khác nhằm kiếm được tiền trả nợ.
Năm 2017, ngân hàng V.P khởi kiện vợ chồng H ra TAND huyện HH và yêu cầu vợ chồng ông H phải trả số tiền gốc 350 triệu đồng cùng số tiền lãi, lãi phạt lên tới 387 triệu đồng.
Nhận thấy có nhiều điểm chưa hợp lý, số tiền lãi phải trả quá cao nhưng không thể tự bảo vệ cho mình vợ chồng ông H đến VPLS Đồng Đội để nhờ luật sư bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho gia đình.
Qua nghiên cứu hồ sơ vụ việc, đối chiếu với quy định của pháp luật chúng tôi nhận thấy có nhiều điểm bất cập và đã có kiến nghị với TAND huyện HH nơi thụ lý giải quyết vụ việc như sau:
1. Hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất để vay vốn ngân hàng số 12N023032/HĐTC, do Chủ tịch UBND thị trấn Cồn chứng thực ngày 14/03/2012 là hợp đồng vô hiệu, bởi lẽ
Thứ nhất, Hợp đồng thế chấp được ký kết vào thời điểm ngày 14/03/2012, tại thời điểm này tài sản thế chấp là quyền sử dụng đất có diện tích 104m2, đang có tranh chấp giữa vợ chồng ông P.H.P, bà V.T.T và vợ chồng ông N.Đ.H, bà N.T.P, vụ tranh chấp này đã được tòa án nhân dân huyện Hải Hậu thụ lý giải quyết năm 2011, trước thời điểm ký kết hợp đồng thế chấp (năm 2012); vụ tranh chấp đã được đưa ra xét xử, đã có bản án và đang trong giai đoạn thi hành án.
Điều đáng nói ở đây là giữa lúc tài sản là quyền sử dụng diện tích 104 m2 đất đang có tranh chấp mà ngân hàng V.P vẫn nhận thế chấp, UBND thị trấn C vẫn chứng thực Hợp đồng thế chấp là vi phạm quy định tại điểm b, khoản 1, điều 106 luật đất đai năm 2003.
Thứ hai, trong nội dung của Hợp đồng thế chấp (có chứng thực của UBND thị trấn C) mô tả về tài sản gắn liền với đất là ngôi nhà 2 tầng + tum; tuy nhiên trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lại không hề có nội dung mô tả về tài sản này; bên cạnh đó theo Biên bản xem xét thẩm định thực địa ngày 08/10/2019 thì có ghi nhận tài công trình xây dựng trên đất là ngôi nhà gồm 1 tầng hầm và một tầng mái bằng có cột bê tông cốt thép (khung bê tông cốt thép), xây tường 220, mái bê tông cốt thép, nền xi măng, mỗi tầng cao 3,3m, trên nóc tầng 1 có 1 số cột bê tông để chờ…, cũng tại Biên bản này các bên đương sự đều xác nhận từ sau khi vợ chồng ông H, bà P thế chấp tài sản tại Ngân hàng V.P thì vợ chồng ông H, bà P không xây dựng công trình gì thêm so với toàn bộ công trình xây dựng trước đây.
Nội dung mô tả về tài sản gắn liền với đất trong Hợp đồng thế chấp không có căn cứ pháp lý, tài sản không được ghi nhận trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, không đúng so với thực tế mà UBND thị trấn Cồn lại có thể chứng thực một tài sản không tồn tại như trên là tài sản thế chấp trong hợp đồng thế chấp tài sản được.
Căn cứ theo Biên bản xem xét thẩm định thực địa ngày 08/10/2019 thì diện tích đất sử dụng thực tế là 237m2 (có sơ đồ kèm theo), trong khi đó diện tích đất ghi nhận theo hợp đồng thế chấp là 104m2 như vậy diện tích 104m2 đất nằm ở vị trí nào của tổng diện tích đất 237m2 đang sử dụng trên thực tế? và rõ ràng cho đến thời điểm này đại diện ngân hàng V.P cũng chưa thể xác định được tài sản thế chấp là những tài sản gì, và đang nằm ở vị trí nào.
Về hình thức của Hợp đồng thế chấp, qua nghiên cứu hợp đồng thế chấp, chúng tôi nhận thấy trên các trang 2,4,6 của Hợp đồng thế chấp không có chữ ký của ông H, bà P (trong khi đó các trang 1,3,5 của hợp đồng thế chấp lại có đầy đủ chữ ký của ông H, bà P), tại Phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải ngày 24/10/2019 bà P cũng khẳng định bà không ký hợp đồng tại UBND thị trấn C như nêu trong Hợp đồng thế chấp; như vậy việc ký kết hợp đồng thế chấp có thật sự khách quan, đúng trình tự thủ tục theo quy định của pháp luật, liệu rằng có đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của ông H, bà P?
Chúng tôi cho rằng Hợp đồng thế chấp 12N023032/HĐTC là hợp đồng vô hiệu theo quy định tại các điều 122 và 128, 134 Bộ luật dân sự năm 2005, nên đã đề nghị Thẩm phán TAND huyện HH xem xét giải quyết theo đúng quy định của pháp luật.
2. Hợp đồng tín dụng số LD1307500097 ngày 16/03/2019 giữa Ngân hàng V.P với ông H, bà P không đảm bảo tính khách quan
Cũng tương tự như nội dung “thứ tư” của mục 1 nêu trên, chúng tôi nhận thấy tại các trang 2,4 của Hợp đồng tín dụng số LD1307500097 thiếu chữ ký của ông H, bà P trong khi đó các trang còn lại có đầy đủ chữ ký, vấn đề đặt ra liệu rằng các nội dung trên các trang không có chữ ký của ông H, bà P có bị thay đổi so với những nội dung ông bà đã ký kết và quyền lợi hợp pháp của ông H, bà P có được đảm bảo theo đúng nhu cầu vay vốn ông, bà đề xuất với ngân hàng V.P?
3. Một số vấn đề chưa được làm rõ, cần thu thập thêm tài liệu, chứng cứ: Để đảm bảo tính công khai, minh bạch, có được kết quả giải quyết vụ án được thấu tình, đạt lý, chúng tôi đã đề nghị Thẩm phán giải quyết vụ án thu thập thêm những tài liệu, chứng cứ liên quan đến vụ tranh chấp hợp đồng vay tài sản và hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất giữa ông P.H.P, bà V.T.T là nguyên đơn và ông N.Đ.H, bà N.T.P (bị đơn) để làm rõ nội dung kiến nghị của chúng tôi.
Vụ án thứ ba, tranh chấp hợp đồng thuê tài sản giữa Công ty TNHH QT (nguyên đơn) và Công ty TNHH A.S (bị đơn), người có quyền và nghĩa vụ liên quan là Công ty TNHH K.C và Ngân hàng A. Vụ án do TAND huyện VL, tỉnh HY thụ lý giải quyết.
Nội dung vụ việc:
Năm 2005 Công ty TNHH QT có cho Công ty TNHH A.S thuê hơn 9.000m2 đất làm nhà xưởng tại địa chỉ 2 xã Đ D và TT, huyện VL, tỉnh HY, Công ty TNHH K.C cũng là doanh nghiệp thuê và sử dụng nhà xưởng tại địa chỉ nêu trên.
Năm 2006 Công ty TNHH K.C giao kết hợp đồng tín dụng với Ngân hàng A để vay số tiền 5 tỷ đồng, theo đó K.C thế chấp cho Ngân hàng A toàn bộ tài sản hình thành trong tương lai nằm trên diện tích đất thuê nêu trên. Sau một thời gian hoạt động kinh doanh không hiệu quả K.C đã phát sinh nợ quá hạn tại Ngân hàng A.
Năm 2017, do có bất đồng, mâu thuẫn trong việc thuê nhà xưởng nên Công ty TNHH QT đã khởi kiện Công ty TNHH A.S ra TAND huyện VL để yêu cầu chấm dứt hợp đồng thuê tài sản và bồi thường thiệt hại. TAND đã thụ lý giải quyết và mở phiên tòa vào tháng 11 năm 2019.
Trong vụ án này, toàn bộ tài sản hình thành trong tương lai mà K.C thế chấp cho ngân hàng A đều nằm trong khối tài sản mà AT và A.S đang tranh chấp với nhau.
Qua nghiên cứu hồ sơ, là người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho Ngân hàng A, chúng tôi nhận thấy những điểm bất cập như sau:
Thứ nhất, ngân hàng A khi giao kết hợp đồng tín dụng, đặc biệt là hợp đồng thế chấp đã không thẩm định kỹ lưỡng tài sản trên thực tế, hồ sơ pháp lý về tài sản toàn bộ là bản phô tô, điều đáng lưu ý hồ sơ chứng minh quyền sở hữu tài sản có dấu hiệu làm giả để qua mặt ngân hàng;
Thứ hai, ngân hàng A trong quá trình cho vay không xem xét kỹ lưỡng nhóm khách hàng liên quan, không lường trước được vấn đề phát sinh khi hồ sơ tài sản có sự liên quan, không rõ ràng trong nhóm doanh nghiệp liên quan.
Với những hồ sơ thiếu và yếu như trên nên khi tham gia tố tụng, ngân hàng A rất yếu thế, thiếu đi cơ sở để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình.
Từ những vụ án điển hình nêu trên, chúng tôi ngoài vai trò là người bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp cho khách hàng, còn có trách nhiệm lớn đối với xã hội trong việc tư vấn, đóng góp kiến nghị, đề xuất cho các ngân hàng nói riêng, các tổ chức tín dụng nói chung có hoạt động cho vay, các tổ chức, cá nhân có nhu cầu sử dụng vốn vay nhằm bảo toàn vốn cho Nhà nước, cho các tổ chức, cá nhân và tránh những hệ lụy xấu cho cho xã hội khi phải giải quyết những khoản nợ xấu.
Qua việc tham gia giải quyết những vụ án liên quan đến hoạt động cho vay của ngân hàng, chúng tôi tổng hợp lại một số vấn đề cần lưu ý như sau:
Đối với các ngân hàng:
Đào tạo cán bộ tín dụng chuyên nghiệp, nắm vững các quy định của pháp luật, nhận diện được rủi ro tiềm ẩn để có những phương án xử lý kịp thời;
Trước khi cho vay cần thẩm định kỹ khách hàng, hồ sơ do khách hàng cung cấp đảm bảo việc sử dụng vốn đúng mục đích, việc giao kết hợp đồng đúng quy định, tài sản bảo đảm tồn tại thực tế và đầy đủ cơ sở pháp lý;
Thường xuyên giám sát trước, trong và sau cho vay;
Tăng cường đội ngũ thu hồi nợ để tránh việc xảy ra nợ xấu khó đòi, thời gian xử lý quá lâu, nguy cơ mất vốn và ảnh hưởng đến công việc chung của tổ chức;
Đối với cán bộ tín dụng khi ký kết hồ sơ với khách hàng cần lưu ý tuân thủ quy trình, quy định nội bộ của ngân hàng;
Tham vấn các tổ chức hành nghề luật sư nhằm xây dựng và chuẩn hóa quy trình, quy định, giải quyết các tồn đọng trước, trong và sau quá trình cho vay.
Đối với khách hàng vay:
Việc cân đối tài chính và sử dụng vốn đúng mục đích phải được ưu tiên hàng đầu;
Hợp tác và làm việc với cán bộ tín dụng có năng lực, đủ khả năng tư vấn khoản vay, tránh việc phát sinh nợ xấu và không có phương án giải quyết phù hợp;
Luôn luôn hợp tác với ngân hàng trong quá trình vay vốn và khi xử lý nợ xấu;
Đối với chủ tài sản:
Khi dùng tài sản của mình để đảm bảo cho khoản vay, đặc biệt là khoản vay của bên thứ ba, cần xem xét ký các hợp đồng, văn bản trước khi đặt bút ký;
Tham vấn các tổ chức hành nghề luật sư nhằm tham vấn các nội dung của hợp đồng giao dịch trước khi ký, nghiên cứu hỗ trợ vấn đề pháp lý khi xảy ra tranh chấp.
Trên đây là một số nội dung chia sẻ của Văn phòng luật sư Đồng Đội khi tham gia giải quyết những vụ án liên quan đến hoạt động cho vay của ngân hàng; hy vọng những chia sẻ của chúng tôi sẽ giúp các tổ chức tín dụng, các tổ chức, cá nhân có nhu cầu vay vốn lưu ý trong hoạt động cho vay.
Người viết
Luật sư: Bùi Văn Thành
Email: ls.buithanh@gmail.com
Điện thoại: 0902.057.117