Trong quá trình giải quyết vụ án hình sự, cơ quan công an thường triệu tập các cá nhân để lấy lời khai, xác minh thêm thông tin liên quan. Nhiều người thường cảm thấy bối rối, có tâm lý lo lắng khi phải làm việc với cơ quan công an, đồng thời họ không biết việc mình bị triệu tập có ảnh hưởng không tốt gì đến quyền lợi của họ hay không. Vậy làm thế nào để người bị tình nghi bảo vệ quyền lợi cho mình khi bị triệu tập?
Một điều mà không phải ai cũng biết là cá nhân bị triệu tập khi bị tình nghi đã có quyền mời Luật sư để bảo vệ quyền lợi cho mình.
Khi bị cơ quan công an triệu tập mời lên làm việc, thì trước hết, cá nhân phải tự tìm hiểu quy định của pháp luật hoặc nhận sự trợ giúp về pháp lý từ người khác để biết được mình bị triệu tập vì lý do gì. Cụ thể, căn cứ theo điểm d, khoản 1, Điều 37 BLTTHS 2015, điều tra viên có quyền triệu tập và hỏi cung bị can; triệu tập và lấy lời khai người tố giác, báo tin về tội phạm, người bị tố giác, kiến nghị khởi tố, người đại diện theo pháp luật của pháp nhân; lấy lời khai người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt, người bị tạm giữ; triệu tập và lấy lời khai của người làm chứng, bị hại, đương sự.
Như vậy, người bị tình nghi khi bị triệu tập thường là người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố. Và theo quy định tại Điều 83 Bộ luật tố tụng hình sự 2015, thì người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố có quyền mời người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình khi tham gia tố tụng hình sự theo Khoản 1 Điều 57 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 “có quyền tự bảo vệ hoặc nhờ người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình”. Và căn cứ Điều 83 Bộ luật tố tụng hình sự 2015, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố là “… người được người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố nhờ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp”, trong đó bao gồm Luật sư. Do vậy, người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố hoàn toàn có quyền mời Luật sư tham gia tố tụng để bảo vệ quyền lợi cho mình.
Thời điểm Luật sư được tham gia tố tụng và thủ tục mời Luật sư
Theo Điều 7 Thông tư số 46/2019/TT-BCA, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố có quyền tham gia tố tụng khi có quyết định phân công giải quyết tố giác, kiến nghị khởi tố của cơ quan có thẩm quyền. Đồng thời, Điều 8 Thông tư này cũng quy định, “Trong lần đầu tiên lấy lời khai bị hại, đương sự, người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố, Điều tra viên, Cán bộ điều tra phải giải thích quyền, nghĩa vụ của bị hại, đương sự, người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 và hỏi họ xem có nhờ người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp hay không, phải ghi ý kiến của họ vào biên bản.” Như vậy, ngay từ lần lấy lời khai đầu tiên khi bị triệu tập, Luật sư đã có quyền tham gia vào tố tụng hình sự khi được người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố mời. Luật sư có quyền tham gia vào giai đoạn tiền tố tụng.
Tuy nhiên, sau khi được mời bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho họ, thì Luật sư cần phải thực hiện thủ tục đăng ký bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố để tham gia tố tụng. Cụ thể, Luật sư phải xuất trình Thẻ Luật sư kèm theo bản sao có chứng thực và giấy nhờ Luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố căn cứ theo Điều 9 Thông tư trên.
Vai trò của Luật sư khi tham gia tố tụng cùng người bị tình nghi
Như đã đề cập ở trên, khi bị cơ quan công an triệu tập, các cá nhân nên mời Luật sư để bảo vệ quyền lợi của mình. Bởi những lý do sau:
Thứ nhất, Luật sư sẽ giúp người bị tình nghi ổn định tâm lý vì đa phần nhiều người tình nghi khi bị triệu tập đều rơi vào trạng thái lo lắng, không biết nên trả lời cơ quan điều tra như thế nào. Trong quá trình này, Luật sư sẽ động viên tinh thần, giải thích quyền và nghĩa vụ để người bị tình nghi cảm thấy yên tâm khi hiểu được quyền lợi của mình đến đâu. Các quyền đó bao gồm quyền Hiến định (quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khỏe, danh dự và nhân phẩm, không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, dùng nhục hình…) và các quyền tố tụng, đặc biệt là quyền im lặng – tức không buộc phải khai báo những thông tin bất lợi đối với bản thân.
Thứ hai, Luật sư phải làm rõ nhận thức của người bị tình nghi đối với hành vi của mình. Nếu họ có tội, Luật sư phải đưa ra lời khuyên, giúp họ nhận biết được tội của mình và đối diện với nó bằng việc chủ động hợp tác với cơ quan điều tra. Luật sư cần nêu rõ hậu quả pháp lý có thể xảy ra và giải thích việc chủ động hợp tác với cơ quan điều tra sẽ giúp người có tội được hưởng tình tiết giảm nhẹ TNHS – tình tiết thành khẩn khai báo.
Thứ ba, Luật sư với kinh nghiệm của mình sẽ giải thích các câu hỏi của cơ quan điều tra để người bị tình nghi trả lời trọng tâm vấn đề, trên cơ sở đúng sự thật khách quan, không gây bất lợi cho mình nhưng cũng không gây cản trở cho hoạt động của cơ quan điều tra.
Thứ tư, tình trạng oan sai xảy ra không ít, vì vậy, việc Luật sư có mặt tại các buổi làm việc với cơ quan điều tra sẽ đảm bảo tính khách quan trong giải quyết vụ án, đảm bảo các cơ quan thực hiện đúng nhiệm vụ, chức năng của mình, tránh tình trạng mớm cung, bức cung, ép người bị tình nghi khai không đúng sự thật… Nếu phát hiện sai phạm, Luật sư có quyền kiến nghị, yêu cầu dừng những hành vi trái pháp luật, tố cáo hành vi vi phạm đến người có thẩm quyền giải quyết để bảo vệ quyền lợi tốt nhất cho thân chủ.
Thứ năm, thực tế cho thấy, không ít trường hợp cơ quan điều tra, điều tra viên lợi dụng chức vụ quyền hạn mà có những sai phạm như triệu tập người bị tình nghi không hợp lệ (không có giấy triệu tập, giấy triệu tập không có chữ ký của Thủ trưởng cơ quan điều tra… mà chỉ gọi điện cho người bị tình nghi, yêu cầu đến làm việc tại cơ quan công an), đe dọa người bị tình nghi, ép buộc họ phải đưa tiền để giải quyết nhanh vụ việc… Trong trường hợp đó để quyền lợi của người bị tình nghi không bị xâm phạm, luật sư cần yêu cầu cơ quan, người có thẩm quyền cung cấp giấy triệu tập hợp lệ. Nếu không có giấy tờ triệu tập hợp lệ thì người bị tình nghi có quyền từ chối đến cơ quan công an làm việc.
Như vậy, Luật sư đóng vai trò rất quan trọng trong bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp cho người bị tình nghi. Do đây là vụ án hình sự, nên Luật sư tham gia tố tụng ở giai đoạn càng sớm thì càng có lợi đối với người bị tình nghi. Luật sư vừa trợ giúp về mặt pháp lý, đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho họ, vừa cần giúp họ nhận thức đúng đắn về hành vi của mình. Để làm được điều đó, Luật sư cần nắm chắc quy định pháp luật tố tụng, pháp luật chuyên ngành và luôn giữ được thái độ khách quan.
Bên cạnh đó, quyền mời luật sư của người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố khi bị công an triệu tập là một vấn đề mới được quy định trong Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015. Quy định này mang tính nhân văn cao, thể hiện sự tôn trọng quyền con người, nhằm bảo vệ tốt hơn quyền lợi cho người bị tình nghi khi tham gia tố tụng – chủ thể vốn yếu thế hơn trước các cơ tiến hành tố tụng. Bởi vậy, để đảm bảo ý nghĩa của quy định này, luật sư phải phát huy tốt vai trò của mình với tư cách là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố.
Văn phòng Luật sư Đồng Đội đã có 12 năm kinh nghiệm trong giải quyết vụ án hình sự. Với phương châm làm việc “Khách hàng là người thân”, cùng đội ngũ Luật sư, chuyên viên pháp lý am hiểu chuyên sâu pháp luật và giàu kinh nghiệm, Văn phòng Luật sư Đồng Đội đã là địa chỉ uy tín của nhiều khách hàng khi không may vướng vào vòng lao lý. Hãy liên hệ với chúng tôi nếu bạn có nhu cầu trợ giúp pháp lý, tư vấn pháp luật trong lĩnh vực hình sự.
Thông tin liên hệ:
Văn phòng Luật sư Đồng Đội: P2708, Tòa nhà VP3 Bán đảo Linh Đàm, Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội
Điện thoại: 0936.026.559 – Email: tranxuantien1964@gmail.com
Website: https://dongdoilaw.vn
Facebook: https://www.facebook.com/dongdoilaw
Youtube: https://www.youtube.com/c/VănphòngluậtsưĐồngĐội
Tiktok: https://www.tiktok.com/@vpls_dongdoi
Người viết: Trần Thị Minh Hạnh – Ngô Ngọc Hiếu
SĐT: 0942237266
Gmail: minhhanh2911@gmail.com