Thời gian gần đây, báo chí, mạng xã hội liên tục đưa tin về các trường hợp trẻ em bị bỏ rơi để mong tìm lại cha mẹ, người thân cho các em. Tuy nhiên, không phải đứa trẻ nào cũng may mắn tìm lại được gia đình của mình, thay vào đó cần phải tìm kiếm các giải pháp thay thế mái ấm gia đình cho các em.
Thực tế cho thấy, việc nhà chùa tiếp nhận, nuôi dưỡng trẻ em đang có chiều hướng gia tăng. Phần lớn trẻ em được các chùa nuôi đều thuộc diện bị bỏ rơi, cha mẹ đẻ không đủ điều kiện chăm sóc nuôi dưỡng hoặc là con ngoài giá thú. Việc làm này của các nhà sư, tăng, ni là việc làm nhân đạo, góp phần giúp đỡ những trẻ em kém may mắn trong cuộc sống, song đối chiếu với các quy định pháp luật hiện hành, việc làm này lại không phù hợp.
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 14 Luật Nuôi con nuôi 2010, người nhận con nuôi cần phải đáp ứng các điều kiện sau đây:
“a) Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;
b) Hơn con nuôi từ 20 tuổi trở lên;
c) Có điều kiện về sức khỏe, kinh tế, chỗ ở bảo đảm việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con nuôi;
d) Có tư cách đạo đức tốt.”
Bên cạnh đó, khoản 2 của điều luật này cũng chỉ ra những trường hợp không được nhận con nuôi, đó là:
– Đang bị hạn chế một số quyền của cha, mẹ đối với con chưa thành niên
– Đang chấp hành quyết định xử lý hành chính tại cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh
– Đang chấp hành hình phạt tù
– Chưa được xóa án tích về một trong các tội cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của người khác; ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu, người có công nuôi dưỡng mình; dụ dỗ, ép buộc hoặc chứa chấp người chưa thanh niên vi phạm pháp luật; mua bán, đánh tráo, chiếm đoạt trẻ em.
Trong trường hợp, cha dượng nhận con riêng của vợ, mẹ kế nhận con riêng của chồng làm con nuôi hoặc cô, cậu, dì, chú, bác ruột nhận cháu làm con nuôi thì không cần đáp ứng quy định áp dụng quy định tại điểm b) (“Hơn con nuôi từ 20 tuổi trở lên”) và điểm c) (“Có điều kiện về sức khỏe, kinh tế, chỗ ở bảo đảm việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con nuôi” ) của khoản 1 Điều 14 Luật Nuôi con nuôi 2010.
Pháp luật Việt Nam cũng xác định mục đích của việc nuôi con nuôi là“nhằm xác lập quan hệ cha, mẹ và con lâu dài, bền vững, vì lợi ích tốt nhất của người được nhận làm con nuôi, bảo đảm cho con nuôi được nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trong môi trường gia đình” (Điều 2 Luật Nuôi con nuôi 2010).
Theo Luật Tín ngưỡng tôn giáo 2016, nhà tu hành được xác định là tín đồ xuất gia, thường xuyên thực hiện nếp sống riêng theo giáo lý, giáo luật và quy định của tổ chức tôn giáo. Họ là những người có lối sống thanh tâm quả dục, từ bỏ vật chất, tình cảm luyến ái, mọi điều kiện sinh hoạt đều được tối giản. Những người tu hành rời xa gia đình, chuyển vào sinh sống phần lớn trong những ngôi chùa thanh tịnh được xây dựng từ các khoản hỗ trợ của Nhà nước, các khoản công ích, đóng góp của các cá nhân, tổ chức trong cộng đồng dân cư. Chùa là cơ sở tôn giáo, là nơi phục vụ nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo của cộng đồng là tài sản thuộc sở hữu chung.
Chi phí sinh hoạt hàng ngày của các nhà tu hành được duy trì từ sự đóng góp của các nhà sư, tăng ni, từ sự quyên góp, tặng cho của tổ chức, cá nhân, các mạnh thường quân hoặc các nguồn khác. Nguồn tiền này được quản lí, sử dụng đúng mục đích và phù hợp với quy định của pháp luật và các kế hoạch cụ thể của từng cơ sở tôn giáo.
Hầu hết các vị sư đều không có kinh tế độc lập, ổn định để chi trả cho những chi phí phát sinh trong quãng thời gian nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ từ sơ sinh cho đến khi trưởng thành, cho nên khó có thể đáp ứng những điều kiện quy định tại điểm c Khoản 1 Điều 14 đã nêu ở trên.
Mặc dù, trẻ được nuôi dưỡng trong nhà chùa có thể sẽ giúp các em hình thành đạo đức, nhân cách hướng thiện, nhưng sẽ rất thiệt thòi và thiếu thốn cho trẻ về cả tinh thần và vật chất vì các em không được sống trong môi trường gia đình, có bố, mẹ quan tâm, chăm sóc. Do đó, trường hợp nhà sư muốn nhận trẻ em bị bỏ rơi tại chùa làm con nuôi sẽ không đáp ứng được mục đích của việc nuôi con nuôi, không đảm bảo lợi ích tốt nhất cho trẻ được chăm sóc, giáo dục, phát triển trong môi trường đủ đầy về tình cảm gia đình và điều kiện sống.
Ngoài ra, thời gian sống trong chùa càng lâu, sẽ có những ảnh hưởng nhất định đến nhu cầu phát triển, giao tiếp xã hội, có thể làm các em “quên” đi nhu cầu tình cảm, nhu cầu nghề nghiệp của mình.
Nhà chùa hoặc sư trụ trì chỉ có thể tiếp nhận trẻ em vào chăm sóc nuôi dưỡng khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện thành lập của một cơ sở bảo trợ xã hội theo Nghị định số 68/2008/NĐ-CP và Nghị định số 81/2012/NĐ-CP (Sửa đổi, bổ sung một số điều của nghị định số 68/2008/NĐ-CP) quy định điều kiện, thủ tục thành lập, tổ chức, hoạt động và giải thể cơ sở bảo trợ xã hội. Tuy nhiên, với trường hợp nhà chùa nhận nuôi con nuôi vì mục đích nhân đạo, hầu hết không đáp ứng đủ điều kiện và thủ tục thành lập cơ sở bảo trợ xã hội.
Khi phát hiện trẻ em bị bỏ rơi, nhà chùa có thể báo cáo việc này với UBND cấp xã nơi tìm thấy đứa trẻ để tìm người hoặc tổ chức tạm thời nuôi dưỡng trẻ em. Nếu có người nhận trẻ em làm con nuôi thì ỦBND xã nơi phát hiện trẻ em bị bỏ rơi xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật. Trong trường hợp không có người nhận trẻ em làm con nuôi thì UBND xã sẽ lập hồ sơ đưa trẻ em vào cơ sở nuôi dưỡng.
Nguyễn Thị Lệ Hằng
SĐT: 0984670041
FB: https://www.facebook.com/profile.php?id=100064956446193