Hiện nay, để đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội, Nhà nước thực hiện thu hồi đất để thực hiện các dự án nhằm phát triển cơ sở hạ tầng, kinh tế – kĩ thuật phục vụ cho y tế, giáo dục, thực hiện các mục tiêu kinh tế, xã hội. Tuy nhiên vấn đề thu hồi đất, giải phóng mặt bằng vẫn còn nhiều vướng mắc, bất cập, có nơi, có chỗ người dân chấp hành, tự nguyện di dời, thậm chí “hiến đất” cho Nhà nước; nhưng cũng còn nhiều địa phương người dân bày tỏ sự bức xúc, không đồng ý với quy trình thu hồi đất, chính sách bồi thường hỗ trợ, nhất là quyết định cưỡng chế thu hồi đất dẫn đến tình trạng người dân khiếu kiện kéo dài, vậy đâu là nguyên nhân của tình trạng này?
Nhầm lẫn “chết người” về thầm quyền cưỡng chế hành chính và thu hồi đất:
Căn cứ theo quy định tại điểm d, Khoản 3 Điều 69 Luật Đất đai 2013 thì:
“d) Trường hợp người có đất thu hồi không bàn giao đất cho tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng thì Ủy ban nhân dân cấp xã, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã nơi có đất thu hồi và tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng tổ chức vận động, thuyết phục để người có đất thu hồi thực hiện.
Trường hợp người có đất thu hồi đã được vận động, thuyết phục nhưng không chấp hành việc bàn giao đất cho tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện ban hành quyết định cưỡng chế thu hồi đất và tổ chức thực hiện việc cưỡng chế theo quy định tại Điều 71 của Luật này.”
Như vậy, Ủy ban nhân dân cấp xã, phường chỉ có nhiệm vụ là tổ chức vận động, thuyết phục để người có đất thu hồi thực hiện bàn giao đất, không có thẩm quyền ban hành thông báo di dời tài sản để yêu cầu người có đất thu hồi trả mặt bằng thực hiện Dự án, không có thẩm quyền ban hành thông báo cưỡng chế, tổ chức cương chế thu hồi đất.
Xã, phường có đang “vượt quyền” của huyện?
Liên quan đến câu chuyện về thẩm quyền thu hồi đất, hiện nay VPLS Đồng Đội đang tham gia bảo vệ cho hộ gia đình ông Ng.V.M bị cưỡng chế thu hồi đất, cụ thể:
Năm 2018, để thực hiện dự án tại phường Đ.B, thành phố T.S, UBND thành phố T.S đã quyết định thu hồi 37.568,1m2 đất nông nghiệp tại phường Đ.B, trong đó thu hồi 22.554,5m2 thu hồi gọn thửa đất của Hợp tác xã nuôi trồng thủy sản trồng cây ăn quả T.L, phường Đ.B và 2.739,2m22 đất của hộ ông Ng.V.M. Tuy nhiên, quá trình triển khai việc thu hồi, bồi thường, hỗ trợ khi thu hồi đất và bán đấu giá QSDĐ, UBND thành phố T.S đã có những sai phạm nghiêm trọng khi thu hồi và bồi thường trái pháp luật nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho Công ty Cổ phần T.T.P trúng đấu giá. Và đến nay việc bồi thường hỗ trợ chưa được thực hiện xong thì dự án đã được triển khai, ảnh hưởng nghiêm trọng quyền lợi của các thành viên HTX và hộ ông Ng.V.M.
Ngày 20/10/2023, hộ ông Ng.V.M có nhận được Thông báo số 101/TB-UBND v/v Di dời tài sản để trả mặt bằng thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình khu nhà ở phường Đ.B. Tiếp đó, ngày 30/10/2023, hộ ông Ng.V.M tiếp tục nhận được Thông báo số 105/TB-UBND (lần 2) trong đó nội dung yêu cầu hộ ông Ng.V.M di dời tài sản trước ngày 01/11/2023.
Như vậy, căn cứ điểm d, Khoản 3 Điều 69 Luật Đất đai 2013 thì đây là 02 thông báo được ban hành trái pháp luật, xâm phạm nghiêm trọng đến quyền lợi ích hợp pháp của hộ ông Ng.V.M. UBND phường Đ.B chỉ có nhiệm vụ là tổ chức vận động, thuyết phục để người có đất thu hồi thực hiện bàn giao đất, không có thẩm quyền ban hành thông báo di dời tài sản để yêu cầu người có đất thu hồi trả mặt bằng thực hiện Dự án. Do đó, việc UBND phường ban hành Thông báo số 101/TB-UBND và Thông báo số 105/TB-UBND nêu trên là không đúng quy định pháp luật.
UBND phường Đ.B tổ chức cưỡng chế nhưng “không có lệnh cưỡng chế”?
Ngày 2/11/2023 UBND phường Đ.B cũng các lực lượng hỗ trợ đã tổ chức cưỡng chế trái pháp luật thửa đất của hộ gia đình ông Ng.V.M. Như đã phân tích ở trên, UBND phường Đ.B không có thẩm quyền cưỡng chế thu hồi đất, mặt khác, đến thời điểm tổ chức cưỡng chế Chủ tịch UBND thành phố T.S cũng không ban hành “lệnh cưỡng chế”? Như vậy, rõ ràng là việc tổ chức cưỡng chế trong khi không có lệnh cưỡng chế là vi phạm nghiêm trọng quy định của pháp luật, có dấu hiệu cố ý xâm phạm tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp của người dân.
Người dân rơi vào cảnh “một cổ hai tròng” – Cùng một vụ việc có hai văn bản hành chính của hai cấp khác nhau cùng yêu cầu tháo dỡ tài sản, di dời chỗ ở, bàn giao mặt bằng?
Đối với vụ việc của hộ gia đình ông Ng.V.M, trước đó, ngày 12/6/2020 Trung tâm phát triển quỹ đất thị xã T.S (nay là thành phố T.S) đã gửi thông báo và yêu cầu gia đình ông Ng.V.M thực hiện di dời tài sản, bàn giao mặt bằng chậm nhất đến ngày 28/6/2020.
Ngày 20/10/2023, hộ ông Ng.V.M có nhận được Thông báo số 101/TB-UBND của UBND phường Đ.B v/v Di dời tài sản để trả mặt bằng thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình khu nhà ở phường Đ.B. Tiếp đó, ngày 30/10/2023, hộ ông Ng.V.M tiếp tục nhận được Thông báo số 105/TB-UBND (lần 2) của UBND phường Đ.B trong đó nội dung yêu cầu hộ ông Ng.V.M di dời tài sản trước ngày 01/11/2023.
Như vậy, cùng một vụ việc, có 02 văn bản hành chính của 02 cấp khác nhau cùng yêu cầu hộ ông Ng.V.M phải di dời tài sản, bàn giao mặt bằng. Vậy câu chuyện đặt ra là Văn bản nào đúng quy định pháp luật?
Một vụ việc tương tự, Chủ tịch UBND cấp xã đã phải thu hồi, hủy bỏ Quyết định hành chính trái pháp do mình ban hành, cụ thể:
UBND huyện G.V ban hành Văn bản số 126/UBND-TNMT ngày 08/02/2022 chỉ đạo UBND xã G.M thành lập Ban GPMB, yêu cầu các hộ dân phải tháo dỡ công trình xây dựng, thu dọn tài sản để thực hiện dự án. Mặt khác, UBND xã G.M ra Thông báo yêu cầu tháo dỡ công trình xây dựng, thu dọn tài sản nhưng đồng thời lại ban hành Quyết định số 156/QĐ/XPVPHC ngày 04/8/2023 buộc các hộ dân phải thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả: Thu dọn, tháo dỡ toàn bộ công trình xây dựng trên đất, khôi phục lại tình trạng ban đầu.
Như vậy, cùng một lúc có hai văn bản hành chính của hai cấp khác nhau cùng buộc các hộ dân phải thu dọn, tháo dỡ công trình xây dựng, tài sản trên đất. Các hộ dân vừa phải buộc thực hiện việc “thu dọn, tháo dỡ tài sản” theo Văn bản 126/UBND-TNMT về giải phóng mặt bằng của UBND huyện G.V, vừa phải chịu xử phạt vi phạm hành chính buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả “thu dọn, tháo dỡ tài sản” theo Quyết định số 156/QĐ-XPVPHC của UBND xã G.M?
Không đồng ý với Quyết định xử phạt vi phạm hành chính trên, các hộ dân đã có đơn khiếu nại đến Chủ tịch UBND xã G.M. Ngày 23/10/2023, Chủ tịch UBND xã G.M đã ban hành Quyết định giải quyết khiếu nại, trong đó nhận định nội dung khiếu nại của các hộ dân là có cơ sở và quyết định Hủy bỏ Quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 156/QĐ-XPVPHC ngày 04/8/2023.
Từ những việc vụ việc thực tế trên cho thấy, chính quyền địa phương, nhất là cấp cơ sở một số nơi còn “nhầm lẫn” về thẩm quyền cưỡng chế thu hồi đất, việc áp dụng quy định pháp luật về cưỡng chế theo Luật đất đai và cưỡng chế theo Luật xử lý vi phạm hành chính. Những sự “nhầm lẫn” chết người này có thể dẫn đến hậu qua không thể khắc phục được, xâm phạm trực tiếp đến tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp của người người dân, như câu chuyện UBND phường Đ.B cưỡng chế thu hồi đất của gia đình ông Ng.V.M. Hiện nay hộ ông Ng.V.M đã có đơn tố cáo đến cơ quan có thẩm quyền và việc xác minh, xem xét xử lý trách nhiệm và bồi thường theo Luật trách nhiệm bồi thường Nhà nước là vấn đề được đặt ra.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc về diễn biến vụ việc trong các bài viết tiếp theo.
Người viết: Hoàng Lan – CVPL VPLS Đồng Đội
—
Thông tin liên hệ:
Văn phòng luật sư Đồng Đội: P2708, Tòa nhà VP3 Bán đảo Linh Đàm, Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội
Điện thoại: 0936.026.559 – Email: tranxuantien1964@gmail.com
Website: https://dongdoilaw.vn
Facebook: https://www.facebook.com/dongdoilaw
Youtube: https://www.youtube.com/c/VănphòngluậtsưĐồngĐội
Tiktok: https://www.tiktok.com/@vpls_dongdoi