Từ thiện là một hành động trợ giúp người gặp hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống mà tự họ không thể thay đổi được. Hoạt động từ thiện có thể thông qua hình thức quyên góp, hiến tặng bằng tiền, vật phẩm,… đến các “tổ chức từ thiện” nhằm mục đích cứu trợ nhân đạo, xóa đói giảm nghèo, chăm sóc sức khỏe,…
Việc làm từ thiện nên được xuất phát từ tấm lòng, theo khả năng của người muốn làm từ thiện và “không bị bắt buộc” bởi bất kỳ một người hay tổ chức nào.
Theo đó, pháp luật quy định chỉ có các nhóm chủ thể, đối tượng sau đây có quyền được tiếp nhận và phân phối tiền, hàng cứu trợ bao gồm:
“Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Hội Chữ thập đỏ Việt Nam; báo, đài của trung ương, địa phương; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Hội Chữ thập đỏ các cấp ở địa phương. Các quỹ xã hội, quỹ từ thiện được thành lập, hoạt động theo quy định. Các tổ chức, đơn vị ở trung ương được Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho phép; các tổ chức, đơn vị ở địa phương được Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh, cấp huyện cho phép.”
Tại Điều 5 của Nghị định 64/2008/NĐ-CP ngày 14/05/2008 còn quy định: “ngoài các tổ chức, đơn vị nêu trên, không một tổ chức, đơn vị, cá nhân nào được quyền tổ chức tiếp nhận tiền, hàng hóa cứu trợ.”
Đồng nghĩa với việc, trường hợp với “tư cách là cá nhân” thì “không phải là đối tượng điều chỉnh” của Nghị định 64/2008 nói trên. Nghị định này chỉ điều chỉnh việc tổ chức, vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp của các cá tổ chức, đơn vị trong các quỹ được nhà nước quy định. Còn cá nhân ủy thác việc gửi tiền, vật phẩm cho người khác đi làm từ thiện thì không thể áp dụng.
Tuy nhiên, không phải vì vậy mà “cá nhân kêu gọi từ thiện” không phải chịu trách nhiệm đối với hành vi của mình. Một Nghệ sỹ (hoặc ai đó – với tư cách cá nhân) chuyển đi một thông điệp, kêu gọi mọi người đóng góp tiền vào tài khoản của mình để “thực hiện việc chuyển đến cho người có hoàn cảnh khó khăn” hay nói cách khác là “thực hiện từ thiện” thì đây được xác định là “một quan hệ dân sự”.
- CÂU HỎI ĐẦU TIÊN ĐƯỢC ĐẶT RA LÀ: VẬY “QUAN HỆ DÂN SỰ” NÀY BAO GỒM “NHỮNG CHỦ THỂ NÀO” VÀ ĐƯỢC “PHÁP LUẬT ĐIỀU CHỈNH” RA SAO ?
Căn cứ điều 116 Bộ Luật Dân Sự 2015 quy định về giao dịch dân sự: “Giao dịch dân sự là hợp đồng hoặc hành vi pháp lý đơn phương làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự”.
Như vậy, việc Nghệ sỹ (cá nhân) kêu gọi và người chuyển tiền đồng ý đã chuyển tiền để nghệ sỹ (cá nhân) đó tặng – cho người có hoàn cảnh khó khăn là một giao dịch dân sự. Mà giao dịch dân sự thì làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự. Vậy, ở đây có hai quan hệ:
– Thứ nhất: Quan hệ tặng cho.
Theo đó, Người chuyển tiền cho nghệ sỹ là NGƯỜI TẶNG CHO. Người dân có hoàn cảnh khó khăn là NGƯỜI ĐƯỢC TẶNG CHO.
– Thứ hai: Quan hệ ủy quyền.
Theo đó, NGƯỜI TẶNG CHO là BÊN ỦY QUYỀN, Nghệ sỹ (cá nhân) là BÊN ĐƯỢC ỦY QUYỀN.
Người chuyển tiền cho Nghệ sỹ (cá nhân) thực hiện việc “ủy quyền” cho nghệ sỹ (cá nhân) đó mang khoản tiền đó đến tặng cho người có hoàn cảnh khó khăn mà nghệ sỹ (cá nhân) đã kêu gọi.
Lúc này, sẽ phát sinh các quyền và nghĩa vụ của bên ủy quyền là Người chuyển tiền và bên nhận ủy quyền là nghệ sỹ đã nhận tiền.
Theo đó, những chủ thể (cá nhân, tổ chức) tham gia vào mối “quan hệ dân sự” này bao gồm:
– Một là nghệ sỹ/cá nhân (người kêu gọi/BÊN ĐƯỢC ỦY QUYỀN)
– Hai là Người ủng hộ (là người đã chuyển tiền hoặc nhờ người chuyển tiền vào tài khoản của nghệ sỹ/BÊN ỦY QUYỀN)
– Ba là người có hoàn cảnh khó khăn (người cần được giúp đỡ/NGƯỜI CÓ QUYỀN LỢI VÀ NGHĨA VỤ LIÊN QUAN).
- CÂU HỎI THỨ HAI ĐƯỢC ĐẶT RA LÀ: VẬY “NGHĨA VỤ” CỦA “BÊN ĐƯỢC ỦY QUYỀN” LÀ GÌ & “QUYỀN” CỦA “BÊN ỦY QUYỀN” LÀ GÌ TRONG MỐI QUAN HỆ DÂN SỰ NÀY ?
Bộ Luật Dân Sự 2015 quy định như sau:
– Thứ nhất: Nghĩa vụ của BÊN ĐƯỢC ỦY QUYỀN.
Điều 565. Nghĩa vụ của bên được ủy quyền
- Thực hiện công việc theo ủy quyền và báo cho bên ủy quyền về việc thực hiện công việc đó.
- Báo cho người thứ ba trong quan hệ thực hiện ủy quyền về thời hạn, phạm vi ủy quyền và việc sửa đổi, bổ sung phạm vi ủy quyền.
- Bảo quản, giữ gìn tài liệu và phương tiện được giao để thực hiện việc ủy quyền.
- Giữ bí mật thông tin mà mình biết được trong khi thực hiện việc ủy quyền.
- Giao lại cho bên ủy quyền tài sản đã nhận và những lợi ích thu được trong khi thực hiện việc ủy quyền theo thỏa thuận hoặc theo quy định của pháp luật.
- Bồi thường thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ quy định tại Điều này.
Như vậy, căn cứ khoản 1 điều 565 BLDS 2015 thì nghệ sỹ/cá nhân đã kêu gọi đóng góp phải thực hiện công việc ủy quyền, tức là mang tiền đến trao cho người có hoàn cảnh khó khăn như mình đã kêu gọi, đồng thời “phải báo” cho người đã chuyển tiền biết.
Cho nên, nghệ sỹ/cá nhân phải sao kê, chứng mình, báo cáo với người đã chuyển tiền cho mình “là nghĩa vụ chứ không phải là quyền”. Mà nghĩa vụ thì “bắt buộc phải thực hiện” dù cho được yêu cầu hay không.
– Thứ hai: Quyền của BÊN ỦY QUYỀN:
Điều 568. Quyền của bên ủy quyền
- Yêu cầu bên được ủy quyền thông báo đầy đủ về việc thực hiện công việc ủy quyền.
- Yêu cầu bên được ủy quyền giao lại tài sản, lợi ích thu được từ việc thực hiện công việc ủy quyền, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
- Được bồi thường thiệt hại, nếu bên được ủy quyền vi phạm nghĩa vụ quy định tại Điều 565 của Bộ luật này.
Theo khoản 1 điều 568 BLDS 2015 thì quyền của BÊN ỦY QUYỀN là yêu cầu Nghệ sỹ/cá nhân đã nhận tiền của mình “phải thực hiện báo cáo, chứng minh” đã trao tiền cho người có hoàn cảnh khó khăn.
Do vậy, việc yêu cầu sao kê là hoàn đúng quy định của pháp luật.
NGƯỜI VIẾT – NGUYỄN THỊ BÍCH NGỌC