Pháp luật đã tạo điều kiện thuận lợi để người dân khởi kiện nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Tuy nhiên trên thực tế, không ít người dân gặp khó khăn trong khâu nộp đơn khởi kiện. Để giúp cho người dân thuận lợi trong việc làm đơn thì Văn phòng luật sư chúng tôi xin tư vấn một số kiến thức, vấn đề người dân hay gặp phải khi nộp đơn khởi kiện?
- Khởi kiện vụ án dân sự là gì ?
Khởi kiện vụ án dân sự là việc cá nhân, cơ quan, tổ chức hoặc các chủ thể khác theo quy định của pháp luật nộp đơn yêu cầu Tòa án có thẩm quyền bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình hoặc bảo vệ quyền và lợi ích của người khác, bảo vệ lợi ích nhà nước, lợi ích công cộng.
- Điều kiện để khởi kiện vụ án dân sự là gì ?
Có 3 điều kiện để khởi kiện vụ án dân sự như sau:
- Điều kiện thứ nhất, về tư cách chủ thể khởi kiện
(Ai là người được khởi kiện?)
Căn cứ Điều 186, Bộ luật tố tụng dân sự 2015 quy định như sau:
Cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp khởi kiện vụ án (sau đây gọi chung là người khởi kiện) tại Tòa án có thẩm quyền để yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Theo đó,các chủ thể sau có quyền khởi kiện vụ án dân sự để yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình:
+ Cá nhân
+ Cơ quan, tổ chức
+ Các chủ thể khác
- Điều kiện thứ hai, khởi kiện phải đúng Tòa án có thẩm quyền
(Vậy khởi kiện như thế nào mới đúng thẩm quyền của Tòa án?)
Khởi kiện đúng Tòa án có thẩm quyền là theo thứ tự sau: Phải đúng thẩm quyền theo loại việc, đúng thẩm quyền theo cấp, đúng thẩm quyền theo lãnh thổ.
Nếu Tòa nhận đơn khởi kiện mà không đúng thẩm quyền thì Tòa án sẽ trả lại đơn và hậu quả pháp lý đương nhiên đó là Tòa án không thụ lý đơn khởi kiện.
Nếu Tòa nhận đơn khởi kiện xét thấy đúng thẩm quyền theo loại việc nhưng lại sai thẩm quyền theo các cấp thì Tòa án sẽ chuyển đơn khởi kiện cho Tòa án khác có thẩm quyền giải quyết (Căn cứ pháp lý: điểm c; khoản 3, Điều 191 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015).
- Điều kiện thứ ba, khởi kiện đối với vụ án dân sự chưa được giải quyết bằng bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật trừ trường hợp pháp luật có quy định khác
Nguyên tắc chung: không được khởi kiện đối với những bản án đã có quyết định, có hiệu lực pháp luật.
Trừ trường hợp quy định tại: điểm c, khoản 1, Điều 192, BLTTDS 2015 quy định đối với trường hợp khởi kiện lại.
- Đơn khởi kiện cần những nội dung gì ?
Căn cứ theo khoản 4 và 5 Điều 189, BLTTDS 2015 có quy định rõ về hình thức và nội dung đơn khởi kiện như sau:
Đơn khởi kiện phải có các nội dung chính sau đây:
- a) Ngày, tháng, năm làm đơn khởi kiện;
- b) Tên Tòa án nhận đơn khởi kiện;
- c) Tên, nơi cư trú, làm việc của người khởi kiện là cá nhân hoặc trụ sở của người khởi kiện là cơ quan, tổ chức; số điện thoại, fax và địa chỉ thư điện tử (nếu có).
Trường hợp các bên thỏa thuận địa chỉ để Tòa án liên hệ thì ghi rõ địa chỉ đó;
d) Tên, nơi cư trú, làm việc của người có quyền và lợi ích được bảo vệ là cá nhân hoặc trụ sở của người có quyền và lợi ích được bảo vệ là cơ quan, tổ chức; số điện thoại, fax và địa chỉ thư điện tử (nếu có);
đ) Tên, nơi cư trú, làm việc của người bị kiện là cá nhân hoặc trụ sở của người bị kiện là cơ quan, tổ chức; số điện thoại, fax và địa chỉ thư điện tử (nếu có). Trường hợp không rõ nơi cư trú, làm việc hoặc trụ sở của người bị kiện thì ghi rõ địa chỉ nơi cư trú, làm việc hoặc nơi có trụ sở cuối cùng của người bị kiện;
e) Tên, nơi cư trú, làm việc của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là cá nhân hoặc trụ sở của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là cơ quan, tổ chức; số điện thoại, fax và địa chỉ thư điện tử (nếu có).
Trường hợp không rõ nơi cư trú, làm việc hoặc trụ sở của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan thì ghi rõ địa chỉ nơi cư trú, làm việc hoặc nơi có trụ sở cuối cùng của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan;
g) Quyền, lợi ích hợp pháp của người khởi kiện bị xâm phạm; những vấn đề cụ thể yêu cầu Tòa án giải quyết đối với người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan;
h) Họ, tên, địa chỉ của người làm chứng (nếu có);
i) Danh mục tài liệu, chứng cứ kèm theo đơn khởi kiện.
Kèm theo đơn khởi kiện phải có tài liệu, chứng cứ chứng minh quyền, lợi ích hợp pháp của người khởi kiện bị xâm phạm. Trường hợp vì lý do khách quan mà người khởi kiện không thể nộp đầy đủ tài liệu, chứng cứ kèm theo đơn khởi kiện thì họ phải nộp tài liệu, chứng cứ hiện có để chứng minh quyền, lợi ích hợp pháp của người khởi kiện bị xâm phạm. Người khởi kiện bổ sung hoặc giao nộp bổ sung tài liệu, chứng cứ khác theo yêu cầu của Tòa án trong quá trình giải quyết vụ án.
Mọi người khi nộp đơn khởi kiện cần phải lưu ý một vấn đề quan trọng đó là phải nộp kèm theo những tài liệu, chứng cứ để chứng minh quyền của mọi người, có nghĩa là để chứng minh việc bạn khởi kiện là có căn cứ. Lấy ví dụ: Khi bạn muốn khởi kiện vụ án ly hôn thì chứng cứ chứng minh bạn khởi kiện là có căn cứ đầu tiên đó chính là giấy đăng ký kết hôn.
Vậy nếu như Tôi nộp đơn thiếu nội dung hoặc sai về hình thức thì có được sửa đổi bổ sung không?
Căn cứ theo Điều 193, BLTTDS 2015 quy định như sau:
– Trường hợp đơn khởi kiện không có đủ các nội dung quy định tại khoản 4 Điều 189 của Bộ luật này thì Thẩm phán thông báo bằng văn bản nêu rõ những vấn đề cần sửa đổi, bổ sung cho người khởi kiện để họ sửa đổi, bổ sung trong thời hạn do Thẩm phán ấn định nhưng không quá 01 tháng; trường hợp đặc biệt, Thẩm phán có thể gia hạn nhưng không quá 15 ngày. Văn bản thông báo có thể được giao trực tiếp, gửi trực tuyến hoặc gửi cho người khởi kiện qua dịch vụ bưu chính và phải ghi chú vào sổ nhận đơn để theo dõi. Thời hạn thực hiện việc sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện không tính vào thời hiệu khởi kiện.
– Trường hợp người khởi kiện đã sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện theo đúng quy định tại khoản 4 Điều 189 của Bộ luật này thì Thẩm phán tiếp tục việc thụ lý vụ án; nếu họ không sửa đổi, bổ sung theo yêu cầu thì Thẩm phán trả lại đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo cho người khởi kiện.
Theo đó thì khi bạn điền thiếu nội dung hoặc sai về hình thức thì Tòa sẽ không trả lại đơn ngày mà chuyển cho bạn để sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện theo quy định tại Điều 193 của bộ luật này. Thời hạn sửa đổi bổ sung đơn khởi kiện thời gian tối đa là không quá 1 tháng 15 ngày.
- Vậy điều kiện để Tòa án thụ lý vụ án dân sự là gì ?
Trước hết mọi người phải hiểu rằng điều kiện thụ lý chính là đặt ra trách điểm của Tòa án, chính vì thế Đơn khởi kiện muốn được thụ lý thì cần phải đáp ứng các điều kiện sau đây:
+ Thứ nhất: Phải thỏa mãn các điều kiện khởi kiện ở mục 2 đã nói trên (có 3 điều kiện)
+ Thứ hai: Thỏa mãn điều kiện về hình thức và nội dung đơn khởi kiện được quy định tại Điều 189, BLTTDS 2015.
+ Thứ ba: Nộp tạm ứng
+Thứ tư: Nộp tài liệu, chứng cứ hiện có để chứng minh cho việc khởi kiện là có căn cứ
(căn cứ theo khoản 5, Điều 189, BLTTDS 2015)
+ Thứ sáu: Là thỏa mãn điều kiện mà pháp luật nội dung có quy định
Đi kèm theo 6 điều kiện chính trên thì phải đáp ứng thực hiện 4 điều kiện sau:
+ Đóng tạm ứng án phí (Mọi người lưu ý đóng tạm ứng án phí khác với đóng án phí)
+ Tài liệu chứng cứ
+ Đúng hình thức, đúng nội dung
+ Các điều kiện đặc thù
Như vậy khi đáp ứng đủ 6 điều kiện chính và kèm theo 4 điều kiện trên thì Đơn khởi kiện của mọi người sẽ được Tòa án thụ lý để tiến hành xem xét giải quyết các yêu cầu tranh chấp của chủ thể yêu cầu.
- Thời hạn nộp đơn khởi kiện là bao lâu?
Khoản 2, Điều 195, BLTTDS 2015 có quy định như sau:
– Thẩm phán dự tính số tiền tạm ứng án phí, ghi vào giấy báo và giao cho người khởi kiện để họ nộp tiền tạm ứng án phí. Trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày nhận được giấy báo của Tòa án về việc nộp tiền tạm ứng án phí, người khởi kiện phải nộp tiền tạm ứng án phí và nộp cho Tòa án biên lai thu tiền tạm ứng án phí.
Theo đó thời hạn Đương sự nộp đơn khởi kiện là 7 ngày
LƯU Ý
Thực tế thấy rằng trong cuộc sống hiện nay, đôi khi có những vụ việc không đáng nhưng ta cũng đem ra khởi kiện. Mọi người dân cần nắm bắt được rằng để theo một vụ kiện thì phải tốn rất nhiều thời gian, công sức và tiền của.Thế nên trước khi nộp đơn khởi kiện về một sự việc nào đó thì chúng ta cần phải suy xét kỹ càng. Có một điều khi viết đơn khởi kiện mà chúng ta hay mắc phải đó là rất nhiều người dân khi tự viết đơn khởi kiện, lúc đầu viết cứ lo sợ thiếu nội dung sợ sai hình thức rồi sợ trình bày ngắn quá thì không thể hiện hết được ý chí, nguyện vọng yêu cầu, sợ Tòa án không nắm bắt được hết nội dung mình muốn khởi kiện đâm ra là viết rất dài dòng nhưng vô tình lại không đúng trọng tâm nội dung yêu cầu nguyện vọng của mình. Dẫn đến mất thời gian, công sức mà không đạt được mục đích chúng ta đặt mong muốn. Vì vậy khi viết đơn trước hết mọi người nên làm trước một bản khảo trình bày nội dung khởi kiện một cách ngắn gọn, đơn giản nhưng phải đảm bảo đầy đủ thông tin và đối với phần yêu cầu khởi kiện thì ta cần phải nêu thẳng vào yêu cầu trọng tâm, sau đó chúng ta vẫn có thể trình bày bổ sung.
Để rút ngắn thời gian khởi kiện cũng như để đạt một kết quả tốt thì chúng ta nên nhờ đến Luật sư hoặc trợ giúp viên vấn pháp lý. Lý thuyết khi mọi người đọc trên mạng khác xa so với thực tế. Vấn đề kiện tụng là vấn đề của người dân gắn liền với pháp luật, chúng không đơn giản như chúng ta nghĩ nên đôi khi người dân nhờ đến Luật sư tư vấn thì họ nghĩ Luật sư am hiểu luật pháp nên việc thụ lý đơn sẽ dễ dàng. Thực chất trong vấn đề kiện tụng thậm chí ngay từ bước đầu làm đơn đã có những khó khăn hữu hình và vô hình, nên mọi người khi đã quyết định theo kiện một vụ án thì phải luôn giữ một tâm thế bình tĩnh khi đối mặt với những vấn đề vướng mắc, hãy cùng phối hợp với các Luật sư và các chuyên viên pháp lý khác, tránh đùn đẩy hết trách nhiệm để cùng đạt được kết quả như mong đợi.
Với những kiến thức chúng tôi chia sẻ trên, rất mong giúp được phần nào đối với người dân khi nộp đơn khởi kiện.
Vũ Thị Ánh Tuyết
Email: vuthianhtuyet26011994@gmail.com
Thông tin liên hệ:
Văn phòng luật sư Đồng Đội: P2708, Tòa nhà VP3 Bán đảo Linh Đàm, Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội
Điện thoại: 0936.026.559 – Email: tranxuantien1964@gmail.com
Website: https://dongdoilaw.vn
Facebook: https://www.facebook.com/dongdoilaw
Youtube: https://www.youtube.com/c/VănphòngluậtsưĐồngĐội
Tiktok: https://www.tiktok.com/@vpls_dongdoi