Kháng cáo trong vụ án hình sự là một trong những quyền tố tụng quan trọng của người tham gia tố tụng và đã được ghi nhận tại bộ luật tố tụng hình sự. Họ thực hiện quyền này khi nhận thấy quyền và lợi ích của mình bị ảnh hưởng bởi bản án, quyết định của Toà án cấp sơ thẩm, khi nhận thấy bản án cấp sơ thẩm đã tuyên, chưa có hiệu lực pháp luật là không đúng, có dấu hiệu sai phạm…Kháng cáo sẽ là cơ sở để người tiến hành tố tụng giải quyết vụ án theo thủ tục xét xử phúc thẩm. Vậy kháng cáo là gì? Thời hạn kháng cáo ra sao? Và những quy định khác về kháng cáo trong vụ án hình sự được quy quy định như thế nào? Để góp phần giúp bạn đọc được hiểu rõ hơn về việc thực hiện quyền này, Văn phòng luật sư Đồng Đội xin gửi tới quý bạn đọc bài viết dưới đây?
1. Kháng cáo trong vụ án hình sự?
Kháng cáo được hiểu là thủ tục tiến hành sau khi bản án được tuyên tại phiên tòa sơ thẩm chưa có hiệu lực thi hành ngay, trong khoảng thời gian 15 ngày nếu không đồng ý với phán quyết của bản án sơ thẩm thì các bên có quyền nộp đơn kháng cáo để yêu cầu xét xử lại bản án đó.
Vậy, khi nào cần kháng cáo? Đó là khi những người tham gia tố tụng có quyền kháng cáo theo quy quy định tại Điều 331 Bộ luật tố tụng hình sự không đồng tình đối với một phần hoặc toàn bộ bản án, quyết định mà Toà án cấp sơ thẩm đã tuyên, người kháng cáo có quyền đề nghị Toà án cấp trên xét xử, xem xét lại quyết định, bản án cấp sơ thẩm.
Chẳng hạn như, người kháng cáo phát hiện bản án cấp sơ thẩm có dấu hiệu sai phạm, có các tình tiết mới, nhiều tình tiết chưa rõ ràng hoặc Toà án cấp sơ thẩm chưa làm rõ hết được bản chất của vụ án…gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
2. Những người tham gia vụ án hình sự gồm những ai, trong đó ai có quyền kháng cáo?
Trong thực tế, những người tham gia vụ án hình sự rất đa dạng, bao gồm: Bị can, bị cáo, bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án, người làm chứng, người giám định, người định giá tài sản, người phiên dịch, người bào chữa. Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự…
Tuy nhiên, không phải tất cả những người này đều có quyền kháng cáo. Theo quy định tại Điều 331 bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 người có quyền kháng cáo bao gồm:
– Bị cáo, bị hại, người đại diện của họ có quyền kháng cáo bản án hoặc quyết định sơ thẩm
– Người bào chữa có quyền kháng cáo để bảo vệ lợi ích của người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất mà mình bào chữa.
– Nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người đại diện của họ có quyền kháng cáo phần bản án hoặc quyết định có liên quan đến việc bồi thường thiệt hại.
– Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án, người đại diện của họ có quyền kháng cáo phần bản án hoặc quyết định có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của họ.
– Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự là người dưới 18 tuổi hoặc người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất có quyền kháng cáo phần bản án hoặc quyết định có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của người mà mình bảo vệ.
– Người được Tòa án tuyên không có tội có quyền kháng cáo về các căn cứ mà bản án sơ thẩm đã xác định là họ không có tội.
Như vậy, chỉ những chủ thể trên mới có quyền kháng cáo đối với bản án hình sự sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
3. Đối tượng kháng cáo (kháng cáo cái gì, vấn đề gì), mục đích của kháng cáo? Thời hạn kháng cáo?
Đối tượng của kháng cáo là quyết định, bản án của Tòa án cấp sơ thẩm và bản án đó phải chưa có hiệu lực pháp luật. Còn đối với quyết định, bản án của các Toà án cấp cao hơn như cấp phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm thì không phải là đối tượng kháng cáo
Kháng cáo nhằm mục đích nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của những người bị ảnh hưởng bởi phán quyết của Tòa án cấp sơ thẩm
Thời hạn kháng cáo được quy định tại điều 333 bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 Thời hạn kháng cáo đối với bản án sơ thẩm là 15 ngày kể từ ngày tuyên án.
Theo quy định tại Điều 147 và Điều 148 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định về thời điểm bắt đầu và kết thúc thời hạn, “ Khi thời hạn được xác định bằng ngày, tuần, tháng, năm thì ngày đầu tiên của thời hạn không được tính mà tính từ ngày tiếp theo liền kề ngày được xác định” và “Khi thời hạn tính bằng ngày thì thời hạn kết thúc tại thời điểm kết thúc ngày cuối cùng của thời hạn.
VD: ngày 29/3/2023 Tòa cấp sơ thẩm tuyên án thì thời hạn kháng cáo sẽ bắt đầu được tính từ ngày 30/3/2023 và kết thúc thời hạn là hết ngày 13/4/2023. Căn cứ
Đối với bị cáo, đương sự vắng mặt tại phiên toà thì thời hạn kháng cáo đối với bản án được tính từ ngày họ nhận được bản án hoặc ngày bản án được niêm yết.
Thời hạn kháng cáo đối với quyết định sơ thẩm, quyết định tạm đình chỉ hoặc đình chỉ vụ án của tòa án cấp sơ thẩm thì thời hạn kháng cáo là 7 ngày kể từ ngày nhận quyết định. Nếu đơn kháng cáo được gửi qua đường bưu cục thì ngày kháng cáo sẽ bắt đầu được xác định từ ngày bưu cục nơi gửi đóng dấu trên phong bì. Tuy nhiên trong một số trường hợp quá thời hạn kháng cáo mà vì lý do chính đáng thì đơn kháng cáo vẫn sẽ được chấp nhận.
Ngoài ra đối với trường hợp kháng cáo quá thời hạn mà vì lý do chính đáng theo quy định của pháp luật, cùng với đơn kháng cáo thì người kháng cáo phải chuẩn bị thêm một văn bản trình bày nguyên nhân nộp đơn kháng cáo quá hạn. Theo đó, văn bản trình bày phải là lý do chính đáng, cung cấp thêm các bằng chứng chứng minh đó là lý do bất khả kháng. Sau khi hoàn tất xong đơn kháng cáo và các giấy tờ có liên quan thì người kháng cáo tiến hành nộp đơn kháng cáo tại Tòa án nhân dân đã xét xử sơ thẩm hoặc Tòa án nhân dân cấp phúc thẩm
4. Những nguyên tắc và quyền lợi của người kháng cáo
Về nguyên tắc, như đã đề cập ở trên đối với quyết định, bản án của các Toà án cấp cao hơn như cấp phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm thì người kháng cáo không có quyền kháng cáo, nhưng họ có quyền gửi đơn đề nghị các cơ quan có thẩm quyền để họ kháng nghị bản án và yêu cầu Toà án có thẩm quyền xem xét, giải quyết. Các cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận và giải quyết đơn đề nghị kháng nghị sẽ Viện kiểm sát, Tòa án, cụ thể là Viện trưởng Viện kiểm sát, là chánh án của toà án cấp trên: Toà án cấp phúc thẩm, Tòa án cấp cao và Tòa án tối cao
Khi kháng cáo, bản án sơ thẩm đã tuyên, chưa có hiệu lực pháp luật, sẽ xảy ra một số trường hợp sau theo quy định tại Điều 355 Bộ luật tố tụng hình sự:
- Tòa án không chấp nhận kháng cáo, kháng nghị và giữ nguyên bản án sơ thẩm
- Sửa bản án sơ thẩm
- Hủy bản án sơ thẩm và chuyển hồ sơ vụ án để điều tra lại hoặc xét xử lại;
- Hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ vụ án;
- Đình chỉ việc xét xử phúc thẩm
5. Thủ tục kháng cáo
Để thực hiện thủ tục kháng cáo về những bản án, quyết định chưa có hiệu lực thi hành của Tòa án cấp Sơ thẩm thì đơn kháng cáo cần phải có các nội dung sau:
Bước 1: Soạn đơn kháng cáo, nội dung đơn ghi rõ:
- Ngày, tháng, năm làm đơn kháng cáo;
- Họ tên, địa chỉ của người kháng cáo;
- Lý do và yêu cầu của người kháng cáo;
(VD: bị tuyên mức án quá nặng so với hành vi mà mình thực hiện hay không đồng ý với mức bồi thường thiệt hại ghi trong bản án… )
– Chữ ký hoặc điểm chỉ của người kháng cáo.
Bước 2: Gửi đơn đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết
Người kháng cáo phải gửi đơn kháng cáo đến Tòa án đã xét xử sơ thẩm hoặc Tòa án cấp phúc thẩm.
Ví dụ: Tòa án nhân dân huyện H xét xử sơ thẩm vụ án hình sự, thì người kháng cáo sẽ nộp đơn cho Toà án nhân dân huyện H hoặc có thể nộp đơn kháng cáo cho Toà án cấp phúc thẩm là Toà án nhân dân tỉnh H để yêu cầu xem xét lại bản án.
Trường hợp bị cáo đang bị tạm giam, Giám thị Trại tạm giam, Trưởng Nhà tạm giữ phải bảo đảm cho bị cáo thực hiện quyền kháng cáo, nhận đơn kháng cáo và chuyển cho Tòa án cấp sơ thẩm đã ra bản án, quyết định bị kháng cáo.
Người kháng cáo có thể trình bày trực tiếp với Tòa án đã xét xử sơ thẩm hoặc Tòa án cấp phúc thẩm về việc kháng cáo. Tòa án phải lập biên bản về việc kháng cáo theo quy định tại Điều 133 của bộ luật tố tụng hình sự
Tòa án cấp phúc thẩm đã lập biên bản về việc kháng cáo hoặc nhận được đơn kháng cáo thì phải gửi biên bản hoặc đơn kháng cáo cho Tòa án cấp sơ thẩm để thực hiện theo quy định chung.
Gửi kèm theo đơn kháng cáo hoặc cùng với việc trình bày trực tiếp là chứng cứ, tài liệu, đồ vật bổ sung (nếu có) để chứng minh tính có căn cứ của kháng cáo.
Như vậy, khi nhận bản án hình sự sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật ảnh hưởng đến quyền lợi của mình hoặc xét thấy có các dấu hiệu vi phạm thủ tục tố tụng…Người dân hoàn toàn có thể sử dụng quyền kháng cáo để yêu cầu Tòa án các cấp cao hơn xem xét, xét xử lại. Qua đó, đảm bảo cho quyền và lợi ích hợp pháp của những người bị ảnh hưởng trực tiếp bởi phán quyết của Tòa án. Giúp Toà án xem xét lại và ra quyết định một cách khách quan, công bằng. Góp phần giúp các cơ quan tố tụng thay đổi nhận thức, rút kinh nghiệm
Cảm ơn quý bạn đã đọc!
Người viết: Vũ Quỳnh Mây – CVPL tại VPLS Đồng Đội
SĐT: 0362997794; Email: vuquynhmay1996.law@gmail.com
Thông tin liên hệ:
Văn phòng luật sư Đồng Đội: P2708, Tòa nhà VP3 Bán đảo Linh Đàm, Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội
Điện thoại: 0936.026.559 – Email: tranxuantien1964@gmail.com
Website: https://dongdoilaw.vn
Facebook: https://www.facebook.com/dongdoilaw
Youtube: https://www.youtube.com/c/VănphòngluậtsưĐồngĐội
Tiktok: https://www.tiktok.com/@vpls_dongdoi