Nợ khó đòi là gì ?
Có thể nói trong kinh doanh, quan hệ công nợ giữa các doanh nghiệp là phổ biến, phổ biến tới mức doanh nghiệp coi nó là bình thường. Vậy thì khi nào quan hệ công nợ đó trở thành bất thường? Người ta đánh giá sự bình thường hoặc bất thường của quan hệ công nợ chủ yếu dựa trên các yêu tố: nội dung nợ và khả năng thanh toán của con nợ. Trong nội dung nợ có hai vấn đề cần quan tâm đó là nguyên nhân nợ và thời gian nợ.
Nợ khó đòi hay còn gọi là nợ xấu thực chất là một quan hệ công nợ ở dạng bất bình thường. Nguyên nhân dẫn đến nợ khó đòi rất đa dạng. Về khách quan có thể là do sự khó khăn trong sản xuất kinh doanh như không tiêu thụ được hàng hóa, không được nghiệm thu, thanh quyết toán công trình hoặc do bên thứ ba chậm thanh toán tiền hàng hóa, dịch vụ . Về chủ quan là do sự chiếm dụng vốn, không muốn thanh toán ngay của con nợ để sự dụng vốn vào các mục đích khác. Có thể khẳng định, nguyên nhân này chiếm phần lớn trong các nguyên nhân dẫn đến tình trạng nợ khó đòi của các doanh nghiệp ở Việt Nam hiện nay. Rất dễ dàng để lý giải bởi vì trong bối cảnh thiếu vốn, việc tận dụng sự thiếu sát sao của đối tác trong công tác thu hồi công nợ để chiếm dụng một phần hoặc phần lớn khoản nợ phải trả để xoay vòng, thanh toán cho các đối tác khác là việc các doanh nghiệp nợ rất mong muốn thực hiện.
Nợ khó đòi có tác hại thể nào đến doanh nghiệp ?
Có thể ví hệ thống tài chính của doanh nghiệp như một cái xương sống trong hoạt động của doanh nghiệp bởi vì mục đích của doanh nghiệp là lợi nhuận mà tài chính là cái cốt lõi của lợi nhuận. Sự lành mạnh của hệ thống tài chính sẽ dẫn tới sự phát triển cả doanh nghiệp và ngược lại. Nợ khó đòi có thể làm tổn thương nghiêm trọng tới hệ thống tài chính của doanh nghiệp. Nó có thể gây ra hàng loạt các thiệt hại cho doanh nghiệp trong đó bao gồm các thiệt hại hữu hình và thiệt hại vô hình. Các thiệt hại hữu hình thường rất dễ nhận thấy thông qua các chỉ tiêu lợi nhuận bị giảm sút. Nhưng có một thiệt hại lớn và trầm trọng không kém đó là uy tín của doanh nghiệp bị giảm sút (do không thu được nợ đúng hạn nên mất cân đối trong việc thanh toán, bị động , nhỡ hẹn …) – đó chính là thiệt hại vô hình.
Thiệt hại do nợ khó đòi đối với doanh nghiệp là rất lớn và Quý vị có thể sẽ không tưởng tượng hết các thiệt hại này. Tuy nhiên, như trên đã phân tích, quan hệ công nợ luôn tồn tại trong kinh doanh và nợ khó đòi cũng vậy. Vấn đề là phải làm gì để hạn chế các tác hại do nợ khó đòi gây ra ! Rất cần sự tư vấn, đánh giá tình hình nợ, giải pháp thu nợ và biện pháp thu nợ nhanh, an toàn hiệu quả của các cơ quan chuyên nghiệp.