Mùa World Cup 2018 là thời điểm mà rất nhiều dân chơi sập bẫy tín dụng đen! Nên các bạn hãy để ý đến người thân, anh em, bạn bè nếu có biểu hiện bất thường thì cần phải quan tâm, xem xét thật kỹ để tránh mất nhà, mất cửa, mất gia đình.
Thiếu hiểu biết, khó khăn về kinh tế khiến nhiều người tìm đến tín dụng đen. Đến khi không có khả năng chi trả vì “lãi mẹ đẻ lãi con”, nhiều gia đình bị các chủ nợ cho đàn em đến dằn mặt, hăm dọa, truy sát…
Tín dụng đen là cụm từ không quá xa lạ với nhiều người. Hiểu một cách đơn giản nhất, tín dụng đen là dạng huy động và cho vay tín dụng không thông qua hệ thống Ngân hàng, không đăng ký kinh doanh cũng như chưa được cấp phép và chịu sự quản lý chính thức bởi bất cứ cơ quan quản lý Nhà nước nào.
Tín dụng đen có lãi suất huy động và cho vay cao, thủ tục thực hiện đơn giản so với các hoạt động tín dụng của các Ngân hàng. Có lẽ chính vì vậy mà thay vì tìm đến ngân hàng với điều kiện và thủ tục khắt khe, nhiều người đã tìm đến tín dụng đen để vay.
Nội dung sự việc và phát hiện vi phạm pháp luật trong ngày đầu tiếp cận hồ sơ:
Trung tuần tháng 6/2018 chúng tôi có nhận được đơn cầu cứu của một gia đình làm doanh nghiệp ở Hoằng Hóa, Thanh Hóa về việc trợ giúp liên quan đến khoản vay 300 triệu sau 13 tháng số tiền phải trả lên đến 1.500.000.000 đồng, bị ép gán nợ nhà, thậm chí đối tượng còn thường xuyên đến nhà chửi bới thậm chí là đe dọa giết người. Ngay lập tức sau khi ký hợp đồng chúng tôi chỉ có 1 đêm để nghiên cứu hồ sơ để ngày hôm sau vào làm việc, thương lượng với bên cho vay. Trong quá trình nghiên cứu hồ sơ chúng tôi nhận thấy rất nhiều sai phạm trong hoạt động cho vay như: mức lãi xuất trung bình tháng là trên 20%. trong quá trình chậm thanh toán gia đình nạn nhân thường xuyên bị các đối tượng đến xúc phạm, chửi bới, đe dọa đến tính mạng, sức khỏe. Thậm chí các đối tượng còn có hành vi ép buộc gia đình nạn nhân ký giấy bán nhà với giá 500 triệu đồng. Nhận thấy hành vi của các đối tượng có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng pháp luật hình sự như: hành vi “cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự” quy định tại khoản 2 điều 201 BLHS 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017. Vi phạm khoản 1 điều 133 BLHS 2015 tội “đe dọa giết người”. Vi phạm điểm d khoản 1 điều 158 BLHS 2015 về tội “tội xâm phạm chỗ ở của người khác”. Hợp đồng mua bán nhà vô hiệu toàn phần: Vi phạm nghiêm trọng về “Chủ thể tham gia giao dịch dân sự hoàn toàn tự nguyện “ quy định tại điều 117 Bộ luật dân sự 2015.
Phương án xử lý, tình huống đặt ra:
6 giờ sáng, chúng tôi bắt đầu xuất phát từ Hà Nội đi Thanh Hóa. Trên đường đi chúng tôi cũng đưa ra rất nhiều tình huống có thể sảy ra và phương án xử lý khi gặp các đối tượng. Trong đó phương án lên thấy người lạ sẽ ko làm việc được đặt ra đầu tiên, tiếp theo là sẽ đồng ý thương lượng sau khi trao đổi nhưng tỉ lệ sảy ra tình huống này không nhiều. Tình huống xấu nhất chúng tôi đặt ra là các đối tượng bất hợp tác, vẫn hung hăng đe dọa, thậm chí hành hung thì chúng tôi cũng đã báo cho chính quyền khi cần sự giúp đỡ là chính quyền sẵn sang can thiệp. Sau đó bắt buộc sẽ phải tố cáo và khởi kiện ra tòa để giải quyết theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên biết qua về nhân thân và lý lịch của các đối tượng cũng chỉ thực hiện cho vay lãi cao trong khu vực và vài huyện lân cận, chứ cũng không phải là đường dây lớn nhưng cũng không thể đánh giá thấp. 10 giờ trưa chúng tôi có mặt tại nhà nạn nhân ở một xã nghèo thuộc huyện Hoằng Hóa, như kế hoạch chúng tôi vào nhà và coi như mình là người thân ở trên Hà Nội về chơi để tiếp cận các đối tượng tránh bị nghi ngờ. Đúng như lịch đã hẹn, gia đình nạn nhân điện mời các đối tượng lên để giả quyết nhưng không hiểu vì lý do gì mà các đối tượng biết được chúng tôi xuống nên đã từ chối làm việc và báo sẽ làm việc vào hôm khác. Và kết quả cũng nằm trong tình huống đã đặt ra nên 3 thầy trò và gia đình nạn nhân cũng không lấy gì làm ngạc nhiên.
Trong tâm thế của người đi vay, đã ký nhận nợ, nạn nhân sau khi được luật sư tư vấn vẫn muốn thực hiện thanh toán để còn làm ăn và cũng rất lo lắng cho an toàn của vợ, con. Nhưng muốn trả gốc và lãi ở một mức hợp lý nhất chứ không phải trả toàn bộ số tiền 1.500.000.000 đồng.
11h30 chúng tôi đi ăn cơm, trong thời gian ở đó chúng tôi không quên việc động viên tinh thần và hướng dẫn cho họ phương án xử lý tình huống khi bên kia gọi điện hay lên nhà đe dọa. 15h chúng tôi xin phép gia đình để quay về Hà Nội.
Công việc phải thực hiện ngay sau khi về đến nhà:
Ngay khi về đến Hà Nội tôi lại bắt tay vào việc soạn thảo đơn khởi kiện yêu cầu tòa án tuyên hợp đồng mua bán nhà vô hiệu, đơn tố cáo hành vi cho vay nặng lãi, đơn đề nghị chính quyền địa phương can thiệp để bảo vệ tài sản, tính mạng và đảm bảo tình hình an ninh trật tự trên địa bàn. Để ngày hôm sau gửi ngay theo địa chỉ nhà riêng, để cho các đối tượng biết được tình huống xấu nhất mà chúng tôi sẽ thực hiện khi không thương lượng được. Đồng thời chúng tôi kết hợp việc nhắn tin, gọi điện với mục đích nắm bắt tình hình, tính cách, vừa làm cho các đối tượng phải đấu tranh tư tưởng, để nhận biết hành vi chửi bới, đe dọa giết người, xâm phạm chỗ ở, cho vay nặng lãi là vi phạm pháp luật hình sự, khi xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe của người khác thì sẽ phải ghánh chịu hậu quả pháp lý để các đối tượng bớt hung hăng, cũng là đảm bảo an toàn cho khách hàng. Theo kinh nghiệm của cá nhân thì chẳng có một ai là không sợ dính dáng đến pháp luật, đặc biệt là những người đã có tiền án, tiền sự.
Kết quả đạt được:
Sau 5 ngày đấu trí thì nhận thấy các đối tượng đã phải xuống nước, muốn được gặp để làm việc, thương lượng, giải quyết nợ. Không còn việc chửi bới, đe dọa mà lại quay lại nói chuyện lịch sự hơn. Nhưng chúng tôi vẫn chưa sắp xếp lịch để gặp vì muốn để cho họ thấy đến thời điểm này họ lại phải ngồi xuống bàn làm việc với mình thì mới giải quyết được khoản nợ một cách có lợi nhất. Đồng thời cũng kéo dài thêm thời gian để khách hàng xoay sở tiền để trả cho họ khi thương lượng thành công.
Mình có một số lời khuyên cho các cá nhân chưa tham gia hay có ý định tham gia vay tín dụng đen:
Trên trải thảm …dưới đóng đinh!
Trên thực tế những người tìm đến “tín dụng đen” hầu hết là người nghèo, không có tài sản thế chấp, khi có nhu cầu cần gấp một khoản tiền nào đó nhưng không đủ điều kiện để tiếp cận nguồn vốn ngân hàng. Chính vì vậy, một trong những nguyên nhân khiến cho các “con nợ” dễ vướng vào lưới “tín dụng đen” đó chính là bị các đối tượng cho vay đánh trúng vào tâm lý “vay nóng” dễ dàng này.
Bình thường phương pháp tính lãi là từ 3-5 nghìn/triệu/ngày, như vậy lãi xuất đã nằm ở mức 10 đến 15% trên tháng. Nếu chậm trả sẽ bị thêm tiền phạt gấp 3-4 làn tiền lãi thì lãi xuất hàng tháng sẽ nằm ở mức 30 đến 40% trên tháng. Như vậy chúng ta rất dễ rơi vào tình trạng mất khả năng thanh toán.
Đối với khách hàng có tài sản thế chấp hoặc không thế chấp thì rất dễ bị các đối tượng ép làm thủ tục mua bán, sang nhượng tài sản cho người khác với mục địch chiếm đoạt. Đáng chú ý, những tổ chức “tín dụng đen” còn núp bóng nhiều hình thức khác nhau như cơ sở kinh doanh có điều kiện để làm bình phong che chắn các hoạt động phạm pháp, Tránh sự phát hiện, xử lý của cơ quan chức năng, đôi khi có sự chống lưng của một số cán bộ thoái hóa, biến chất.
Các ổ nhóm tội phạm có tổ chức, hoạt động cho vay nặng lãi, đòi nợ thuê được tổ chức chặt chẽ, thường tập hợp những đối tượng côn đồ, lưu manh cầm đầu để hoạt động. Chúng kết nạp các đối tượng có nhiều tiền án, tiền sự, kể cả đối tượng tỉnh ngoài hoặc có nhiều kinh nghiệm trong việc đòi nợ, xiết nợ.
Khi xảy ra tình trạng bị các đối tượng đe dọa, xâm hại đến tính mạng, sức khỏe hay chiếm đoạt tài sản cần báo ngay công an nơi gần nhất và liên hệ luật sư để được tư vấn, trợ giúp.
Người viết:
Trần Xuân Tuân
SĐT: 0988815262 – 0947415262
Gmail: tranxuantuanlc@gmail.com
Facebook: facebook.com/TuanNgoanLC