Quyền mời luật sư và quyền từ chối luật sư là quyền lợi chính đáng của người bị buộc tội và được pháp luật nước ta công nhận. Tuy nhiên thực tế xã hội hiện nay, không ít lần dư luận xôn xao những vụ việc các luật sư khi tham gia tố tụng không thực hiện đúng chức năng nhiệm vụ của mình mà lại có hành động nhờ vả, chạy án dẫn đến bị khởi tố… Điều này dẫn đến tình trạng “con sâu làm rầu nồi canh”, khiến nhiều người dân có cái nhìn không tốt khi nhắc đến luật sư, thậm chí không thích luật sư tham gia các vụ án.
Mặc dù vậy, không thể chối bỏ được việc luật sư tham gia vụ án đóng vai trò rất quan trọng, đặc biệt là trong các giai đoạn của vụ án hình sự. Thông qua những người có kiến thức chuyên môn về pháp luật như luật sư, người bị buộc tội sẽ được hỗ trợ tư vấn chuyên sâu cả về mặt pháp luật và trạng thái tinh thần.
Vậy nên sử dụng quyền mời luật sư và quyền từ chối luật sư như thế nào cho hợp lí và đúng luật? Bài viết dưới đây trình bày quan điểm về vấn đề này.
Quy định của pháp luật cho phép luật sư có thể tham gia vụ án từ khi người bị bắt có mặt tại trụ sở của Cơ quan điều tra hoặc từ khi có quyết định tạm giữ trong trường hợp bắt, tạm giữ người, hoặc có quyết định khởi tố bị can hoặc thậm chí người dân có thể mời luật sư tham gia ngay từ khi bị tình nghi. Trong một số trường hợp cần giữ bí mật điều tra với các Tội xâm phạm an ninh quốc gia thì luật sư được tham gia tố tụng từ khi kết thúc điều tra.
Theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự hiện hành, có 04 nhóm người được mời người bào chữa cho người bị buộc tội gồm: Bản thân người bị buộc tội; Người đại diện của người bị buộc tội; Người thân thích của người bị buộc tội; Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Đa phần, người dân sẽ chủ động mời luật sư – người được trang bị đầy đủ về kiến thức pháp lý để tiến hành bào chữa cho mình. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp cơ quan tiến hành tố tụng có quyền chỉ định luật sư bào chữa cho bị can/bị cáo.
Cụ thể khoản 1 Điều 76 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 quy định, trong trường hợp bị can, bị cáo phạm tội mà Bộ luật hình sự quy định mức cao nhất của khung hình phạt là 20 năm tù, tù chung thân, tử hình; Người bị buộc tội có nhược điểm về thể chất mà không thể tự bào chữa; người có nhược điểm về tâm thần hoặc là người dưới 18 tuổi thì bắt buộc phải có người bào chữa tham gia tố tụng để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho họ. Trong trường hợp người bị buộc tội, người đại diện, người thân thích của họ không mời người bào chữa thì cơ quan tiến hành tố tụng hình sự phải chỉ định người bào chữa cho họ. Chi phí hay thù lao chi trả cho luật sư, người bào chữa sẽ do nhà nước chi trả.
Việc được có luật sư bào chữa là quyền lợi chính đáng của người bị buộc tội. Do đó, pháp luật cũng quy định người bị buộc tội cũng có quyền từ chối người bào chữa. Cụ thể Khoản 1 Điều 77 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định có 03 đối tượng có quyền thay đổi hoặc từ chối luật sư bào chữa như sau:
“Điều 77. Thay đổi hoặc từ chối người bào chữa
- Những người sau đây có quyền từ chối hoặc đề nghị thay đổi người bào chữa:
a) Người bị buộc tội;
b) Người đại diện của người bị buộc tội;
c) Người thân thích của người bị buộc tội.
Mọi trường hợp thay đổi hoặc từ chối người bào chữa đều phải có sự đồng ý của người bị buộc tội và được lập biên bản đưa vào hồ sơ vụ án, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều 76 của Bộ luật này.”
Theo đó, ý chí mong muốn có người bào chữa cho bản thân mình hay không phải xuất phát từ phía bị can, bị cáo. Do đó, trong trường hợp bị can, bị cáo từ nhận thấy có thể tự mình bào chữa, hoặc nhận thấy luật sư được chỉ định không công tâm, không khách quan hoặc có mong muốn mời luật sư khác thì có thể yêu cầu thay đổi hoặc từ chối luật sư chỉ định.
Trường hợp người đại diện hoặc người thân thích của người bị bắt, người bị tạm giữ, người bị tạm giam trong giai đoạn điều tra, người bị buộc tội có mong muốn mời người bào chữa cho bị cáo hoặc có yêu cầu thay đổi hoặc từ chối người bào chữa thì bắt buộc phải có sự đồng ý và xác nhận của người bị bắt, người bị tạm giữ, người bị tạm giam trong giai đoạn điều tra hoặc người bị buộc tội trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều 76 của Bộ luật này.
Đối với các trường hợp người bị buộc tội là người có nhược điểm về thể chất mà không thể tự bào chữa; người có nhược điểm về tâm thần hoặc là người dưới 18 tuổi do không thể chưa đủ hoặc không có khả năng nhận thức được vụ việc, bị hạn chế trong nhận thức thì không có quyền từ chối luật sư chỉ định, mà phải thông qua người thân thích hoặc người đại diện của họ quyết định.
Trường hợp thay đổi người bào chữa thì việc chỉ định người bào chữa khác được thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 76 Bộ luật Tố tụng hình sự.
Việc từ chối người bào chữa được các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng lập biên bản về việc từ chối người bào chữa của người bị buộc tội hoặc người đại diện, người thân thích của người bị buộc tội quy định tại điểm b khoản 1 Điều 76 Bộ luật này và chấm dứt việc chỉ định người bào chữa.
Đối với luật sư bào chữa được cơ quan có thẩm quyền chỉ định cho bị can, bị cáo thì việc bào chữa ở đây là nghĩa vụ của luật sư. Nếu không có lý do chính đáng hay trở ngại khách quan nào cản trở việc bào chữa của mình thì luật sư: “Không được từ chối bào chữa cho người bị buộc tội mà mình đã đảm nhận bào chữa nếu không vì lý do bất khả kháng hoặc không phải do trở ngại khách quan” căn cứ theo điểm b, khoản 2 Điều 73 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015.
Trên thực tế có không ít những vụ bị can, bị cáo từ chối luật sư được chỉ định. Đơn cử như trường hợp của đại án kinh tế Ngân hàng TMCP Đại Dương Oceanbank vào năm 2018. Tại phiên xét xử phúc thẩm, chủ tọa phiên tòa chỉ định luật sư bào chữa thêm cho các bị cáo bị tuyên mức án từ 20 năm tù trở lên ở bản án sơ thẩm. Tuy nhiên, các bị cáo Hà Văn Thắm, Nguyễn Xuân Sơn, Lê Thị Thu Thủy, Nguyễn Minh Thu, Nguyễn Văn Hoàn, Vũ Thị Thùy Dương đã xin từ chối luật sư chỉ định vì đã mời đủ luật sư bào chữa. Bị cáo Phạm Công Danh, Hứa Thị Phấn vắng mặt, luật sư của các bị cáo này cũng từ chối có thêm luật sư chỉ định.
Hay như trường hợp của bị cáo Đường Nhuệ ở phiên xét xử công khai vụ “Cố ý gây thương tích” do Tòa án nhân dân TP.Thái Bình mở ngày 18/8/2020. Tại phiên xét xử, khi được hỏi có đồng ý để luật sư bào chữa không thì bị cáo Đường Nhuệ xin từ chối không cần luật sư bào chữa và muốn được tự bào chữa cho chính mình.
Tại một phiên tòa khác do Tòa án nhân dân TP.HCM xét xử vào tháng 4 năm 2021, bị cáo Nguyễn Văn Trình (SN 1974, Vĩnh Long, bị đưa ra xét xử về tội “Giết người”) đã khăng khăng từ chối luật sư do tòa chỉ định vì bị cáo Trình cho biết quá trình điều tra bị cáo không được chỉ định luật sư, vì thế tại phiên tòa bị cáo từ chối luật sư do tòa chỉ định, tự bào chữa trước tòa.
Như vậy, theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, bị can, bị cáo có quyền mời luật sư và quyền từ chối luật sư. Tuy nhiên, việc mời luật sư tham gia hỗ trợ ngay từ giai đoạn bị tình nghi, điều tra, truy tố, xét xử là điều vô cùng có lợi cho bị can, bị cáo. Luật sư sẽ hướng dẫn, giúp cho bị can, bị cáo hiểu về quyền và nghĩa vụ, hướng dẫn quy trình tiền tố tụng và các bước làm việc với cơ quan điều tra, đưa ra ý kiến có lợi và giúp thân chủ chuẩn bị về mặt tinh thần, tránh trạng thái hoang mang, lo sợ dẫn đến những hành động không kiểm soát có thể trở thành tình tiết tăng nặng, qua đó bảo vệ quyền lợi ích chính đáng cho bị can, bị cáo, đặc biệt là trong các giai đoạn của vụ án hình sự.
Văn phòng luật sư Đồng Đội đã có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực hình sự, tham gia các phiên tòa tranh tụng trên khắp cả nước, đảm bảo được quyền và lợi ích hợp pháp cho người dân./.
Các bài viết về quyền mời và lợi ích của việc mời luật sư:
3/ https://dongdoilaw.vn/tu-choi-luat-su-bao-chua-nguyen-nhan-do-dau/
4/ https://dongdoilaw.vn/luat-su-co-quyen-tu-choi/
Người Viết: Ngọc Hiếu – VPLS Đồng Đội.
Người hướng dẫn: Luật sư Trần Xuân Tiền – Trưởng VPLS Đồng Đội.
___
Thông tin liên hệ:
Văn phòng luật sư Đồng Đội: P2708, Tòa nhà VP3 Bán đảo Linh Đàm, Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội
Điện thoại: 0936.026.559 – Email: tranxuantien1964@gmail.com
Website: https://dongdoilaw.vn
Facebook: https://www.facebook.com/dongdoilaw
Youtube: https://www.youtube.com/c/VănphòngluậtsưĐồngĐội