Giám định viên tư pháp là gì?
Giám định viên tư pháp là một chức danh quan trọng trong hoạt động bổ trợ tư pháp. Theo quy định của pháp luật, giám định viên tư pháp phải là người có đủ điều kiện, yêu cầu do pháp luật đề ra và khi hành nghề giám định họ phải thực hiện nghĩa vụ cũng như trách nhiệm đối với nghề. Bên cạnh đó họ cũng có những quyền lợi nhất định. Vậy cụ thể quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của Giám định viên Tư pháp được quy định như thế nào?
Trước hết, theo quy định tại Khoản 1 Điều 2 Luật Giám định tư pháp, khái niệm giám định viên tư pháp được hiểu là việc người giám định thực hiện hoạt động chuyên môn do chuyên gia giám định thực hiện đối với trường hợp cụ thể nào đó, để phục vụ cho việc giải quyết vụ án.
Quyền và nghĩa vụ của giám định viên tư pháp
Quyền và nghĩa vụ của giám định viên tư pháp được quy định tại Điều 11 Luật Giám định tư pháp năm 2012 (sửa đổi, bổ sung tại khoản 7 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp năm 2020). Cụ thể:
Thứ nhất, giám định viên tư pháp có quyền từ chối giám định trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quyết định trưng cầu hoặc yêu cầu giám định, phải thông báo cho người trưng cầu, người yêu cầu giám định bằng văn bản và nêu rõ lý do nếu thuộc trường hợp nội dung trưng cầu, yêu cầu giám định không phù hợp với phạm vi chuyên môn hoặc không có đủ năng lực, điều kiện cần thiết cho việc thực hiện giám định; đối tượng giám định, tài liệu liên quan được cung cấp không đầy đủ hoặc không có giá trị để kết luận giám định tư pháp sau khi đã đề nghị người trưng cầu, người yêu cầu giám định bổ sung, làm rõ nhưng không được đáp ứng; thời gian không đủ để thực hiện giám định; tính độc lập, khách quan của việc thực hiện giám định không được bảo đảm.
Thứ hai, giám định viên tư pháp có quyền tham gia các lớp bồi dưỡng, cùng với các yêu cầu như chuyên môn, nghiệp vụ giám định, yêu cầu người thực hiện giám định tư pháp hiểu biết pháp luật là một vấn đề rất cần thiết đối với hoạt động này. Việc tham gia các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ giám định là nội dung hợp lý để cung cấp những kiến thức pháp lý, kỹ năng pháp lý cơ bản, có tính chất chung nhất mà mỗi người giám định tư pháp phải nắm vững và tuân thủ khi thực hiện giám định tư pháp. Ngoài ra thông qua các lớp bồi dưỡng kỹ năng pháp lý chung này, người giám định tư pháp ở các lĩnh vực khác nhau cần nghiên cứu, tìm hiểu kiến thức pháp lý chuyên ngành đối với lĩnh vực giám định mà mình thực hiện.
Thứ ba, Giám định viên tư pháp có quyền thành lập văn phòng giám định tư pháp khi có đủ điều kiện về chuyên môn, cơ sở vật chất và các thủ tục liên quan. Có quyền thành lập, tham gia hội giám định viên tư pháp theo quy định của pháp luật về hội. Và được hưởng chế độ, chính sách theo quy định.
Song song với quyền lợi, pháp luật cũng đề ra nghĩa vụ của giám định viên tư pháp.
Đầu tiên, giám định viên tư pháp phải thực hiện đầy đủ những yêu cầu giám định, mà người yêu cầu hay cơ quan tổ chức đưa ra vì đó là những chi tiết họ cần giám định để biết rõ nó có thật hay không. Giám định viên phải có mặt tại Tòa, trình bày, giải thích, trả lời những vấn đề liên quan đến việc giám định và kết luận giám định một cách trung thực, khách quan trước Hội đồng xét xử. Ngoài ra, phải tuân thủ nguyên tắc giám định tư pháp để đảm bảo công tác giám định và quản lý tốt nhất việc giám định đúng pháp luật.
Đối với kết quả giám định thì giám định viên tư pháp có nghĩa vụ phải trả kết luận giám định đúng thời hạn yêu cầu cho người yêu cầu giám định, cơ quan tổ chức yêu cầu giám định. Bên cạnh đó thì khi thực hiện giám định, giám định viên phải có trách nhiệm lập hồ sơ giám định vì hồ sơ giám định là thủ tục bắt buộc phải thực hiện để bảo vệ quyền lợi của cá nhân yêu cầu giám định. Theo quy định thì hồ sơ giám định có nhiều loại phục vụ cho công tác giám định lần đầu và giám định tái phát, giám định tổng hợp, giám định vượt khả năng chuyên môn, giám định phúc quyết hoặc giám định lần cuối… Theo đó đối với từng vụ án cụ thể thì việc lập hồ sơ giám định cần được lập chi tiết và cẩn trọng nhất.
Bên cạnh đó, nghĩa vụ bảo quản mẫu vật giám định, tài liệu liên quan đến vụ việc giám định là một trách nhiệm quan trọng trong quá trình giám định, vì trên thực tế có rất nhiều trường hợp lợi dụng để phi tang chứng cứ phạm tội nên đã cố tình lấy trộm, tiêu hủy, hoặc trong quá trình giám định giám định viên không bảo quản tốt dẫn tới có tác động bên ngoài làm sai lệch đi kết quả giám định. Đồng thời, không được thông báo kết quả giám định cho người khác vì kết luận giám định là một loại chứng cứ, có giá trị như các loại chứng cứ khác trừ trường hợp pháp luật quy định.
Thêm nữa, giám định viên tư pháp phải chịu trách nhiệm cá nhân về kết luận giám định do mình đưa ra. Đây là một nghĩa vụ để người thực hiện giám định có thể lưu ý hơn về trách nhiệm trong công việc của mình, nếu có sai sót và gây thiệt hại rất có thể sẽ phải thực hiện bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật cho chủ thể bị thiệt hại đó. Nếu có gian dối, người giám định thậm chí có thể phải chịu trách nhiệm hình sự.
Ngoài những quyền và nghĩa vụ chung trên, giám định viên cũng phải tuân thủ thêm quyền và nghĩa vụ khác tùy theo các lĩnh vực như tố tụng hình sự quy định tại Điều 68 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 và tố tụng dân sự quy định tại Điều 80 Bộ luật tố tụng dân sự 2015.
Có thể thấy, kết luận của giám định viên có ảnh hưởng rất lớn đến quá trình xét xử. Trên thực tế, năm 2003, tại Hà Tĩnh đã xảy ra vụ việc của ông Dương Ngọc H. phạm tội cố ý gây thương tích, bị bắt tạm giam sai chỉ vì kết quả giám định không đúng. Cụ thể, giám định viên Lê Công B. đã “cộng nhầm” dẫn tới kết luận tỷ lệ thương tật 11% vĩnh viễn (đủ để truy cứu TNHS). May mắn sau đó ông H. đã yêu cầu giám định lại và có kết quả giám định thương tật chỉ là 8%, và giám định viên B bị kỷ luật khiển trách.
Như vậy, vai trò của giám định viên là vô cùng quan trọng trong xét xử và đưa ra bản án đúng pháp luật, bởi vậy họ cần phải tuân thủ và thực hiện tốt các quyền của nghĩa vụ mình, phải khách quan vô tư, giám định viên phải là “công cụ” giúp Tòa án tìm ra sự thật, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân.
Trên đây là những chia sẻ của chúng tôi về các quy định pháp luật liên quan đến quyền và nghĩa vụ của giám định viên tư pháp, rất mong bài viết giúp ích được cho mọi người.
Thông tin liên hệ:
Văn phòng luật sư Đồng Đội: P2708, Tòa nhà VP3 Bán đảo Linh Đàm, Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội.
Điện thoại: 0936.026.559 – Email: tranxuantien1964@gmail.com
Website: https://dongdoilaw.vn
Facebook: https://www.facebook.com/dongdoilaw
Youtube: https://www.youtube.com/c/VănphòngluậtsưĐồngĐội
Tiktok: https://www.tiktok.com/@vpls_dongdoi
Người viết: Nguyễn Thị Lan Anh – TTS Văn phòng Luật sư Đồng Đội
Email: lananhnguyenthi839@gmail.com
SĐT: 0976335012
`