Sự thật đền bù giải phóng mặt bằng ở tỉnh lộ 3 ( đoạn qua thị trấn Đắk Mâm)
Câu chuyện bồi thường hỗ trợ cho người dân khi nhà nước thu hồi đất chưa bao giờ là câu chuyện cũ. Chính vì tính “ mới” của nó mà quyền lợi của nhân dân thường xuyên bị xâm phạm nghiêm trọng vụ việc của gia đình anh Vũ Thành Nam trú tại tổ 5 Thị trấn Đắk Mâm huyện Krông Nô tỉnh Đắk Nông về yêu cầu bồi thường giải phóng mặt bằng là minh chứng cụ thể , rõ ràng nhất cho tình trạng này.
Nguồn gốc đất rất rõ ràng
Năm 1988 gia đình anh Nam khai hoang được một mảnh đất, có chiều dài mặt đường khoảng 50 mét trồng cà phê, cây ăn trái và làm nhà gỗ, sân bê tông, có hàng rào lưới B40 ở trên mảnh đất đó. Ngày 19/12/1993 gia đình được cấp giấy xác nhận sử dụng đất số 101 diện tích là 4000m2 trong đó diện tích 1000 m2 là đất ở thổ cư. Con đường lúc đó là đường liên thôn, đường mòn đất đỏ 4 m, tên gọi là đường Nông Lâm đi khu kinh tế Đảng địa danh là thôn 6 xã Đắc Rồ. Năm 1994 tách riêng xã Đắc Mâm, thôn 6 – Đắc Rồ là thôn 3 xã Đắc Mâm. Anh Nam đã đổ 500 xe đất tương ứng với 750 m3 đất cho bằng mặt đường.Năm 1998, anh làm nhà lần thứ 2 ,năm 2003 gia đình xây căn nhà Thái (lần 3), hàng rào như cũ, lúc này con đường trước nhà là đường nhựamỗi hộ gia đình ở mặt đường đóng 400 ngàn, ở phía sau đóng 300 ngàn đồng.Cả 3 lần anh Nam xây nhà không có ai ngăn cản, nhắc nhở hay lập biên bản vi phạm.
Hơn 16 năm nay anh Nam sinh sống ổn định không xây dựng cơi nới thêm cũng không xảy ra tranh chấp với ai. Tại thời điểm gia đình sử dụng đất và xây dựng nhà ở (từ năm 1988 đến năm 1998) con đường chỉ là đường liên thôn, đến 01/07/2004 vẫn chưa có quyết định gì về việc quy hoạch hành lang an toàn giao thông (12m tính từ tim đường) hay cắm mốc lộ giới của các cơ quan có thẩm quyền được công bố, niêm yết công khai tại khu vực này.Năm 2008, mới có qui hoạch đường tỉnh lộ 3 được công bố công khai yêu cầu các hộ dân giữ nguyên hiện trạng.. Đến tháng 12/2012 Chính quyền thị trấn Đắc Mâm yêu cầu gia đình anh bàn giao mặt bằng cho dự án làm đường Tỉnh lộ 3.
Ngày 10/07/2013 Chính quyền thị trấn Đắk Mâm chủ trì cùng với các ban nghành của huyện đã tổ chức san ủi đất của gia đình anh Nam để thực hiện dự án làm đường Tỉnh lộ 3. Theo như phản hồi của anh việc san ủi diễn ra như một cuộc cưỡng chế, trong khi chưa kiểm kê, kiểm đếm, chưa có một văn bản nào về thu hồi đất tháng 9/2013 sau khi san ủi song tim đường vào 12 mét mới đi kiểm kê, kiểm đếm.
Bồi thường không thỏa đáng …
Theo quy định tại Luật đất đai thì đất bị thu hồi có đủ điều kiện để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì được bồi thường, tái định cư. Mảnh đất của gia đình anh Nam đã sử dụng ổn định từ năm 1988, được xác nhận là không có tranh chấp, và được cấp giấy xác nhận quyền sử dụng đất từ năm 1993. Do đó, mảnh đất này có đủ điều kiện được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, UBND huyện lại căn cứ vào quyết định không có giá trị pháp luật để thu hồi đất và không thực hiện đền bù cho gia đình anh Nam. Ngoài diện tích được ghi trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, gia đình anh Nam còn khai hoang được thêm nên diện tích thực tế lớn hơn với diện tích ghi trong giấy CNQSDĐ. UBND huyện cũng lấy ly do rằng do diện tích lớn hơn với so với GCNQSDĐ nên khi thu hồi đất sẽ lấy phần diện tích dư ra này bù vào và không cần đền bù nữa.
Phương án đền bù mà UBND huyện đưa ra chưa đảm bảo được quyền lợi cho gia đình anh Nam, cụ thể là Khi thu hồi đất để làm đường tỉnh lộ 3, thực tế các cơ quan đã thu hồi quyền sử dụng đất của gia đình anh Nam là: 31,5 m x 10 = 315 m2 + 5,8 mét ( mét thứ 13 trở đi) nhưng chỉ bồi thường 5,8 m2 đất, còn thiếu 315 m2 đất. Nhà bị phá dỡ 54,47m2/137 m2 ( trên 1/3 nhà) nhưng chỉ bồi thường 46,02752 ( gian giữa nhà ) 50,62 m2 trước nhà cho là vi phạm hành lang giao thông nên chính quyền không bồi thường 41m2. Phần diện tích nhà còn lại sau khi làm đường bị cắt chéo góc nhà thành tam giác, kết cấu nhà không đảm bảo và mặt đường mới cao hơn mặt đường cũ 0,5 mét dẫn đến nhà bị ngập úng không sử dụng được cũng không xem xét bồi thường hay hổ trợ. Toàn bộ cây trồng, tài sản vật kiến trúc gắn liền trên đất trong phạm vi tim đường vào 12 mét gắn liền trên 315m2 của gia đình anh đã xác minh ghi nhận trong quyết định số 4481/QĐ-UBND của UBND Huyện Krông Nô và biên bản xác minh ngày 21/04/2015 của Thanh tra Tỉnh không được bồi thường.
Cũng theo phản hồi mới đây từ gia đình anh Nam: sau khi làm đường Tỉnh lộ 3, thì UBND Huyện không tiến hành lắp đặt cống thoát nước mà để cho nước chảy xả ào ào tự nhiên thoát nước cạnh thửa đất số 104 xả nước xuống thửa đất số 102 của gia đình anh . Hiện nước xối trở thành con mương ngoằn ngèo xâm phạm phần diện tích đất của gia đình có chiều dài khoảng 70 mét, chỗ rộng khoảng 2 mét, sâu hơn 1 mét làm xói mòn, làm chòi gốc rễ cây điều và trôi hết đất màu. Việc làm cống có trong dự án thế nhưng từ khi làm đường đến giờ đã 2 năm mà cống thoát nước chưa làm gây thiệt hại lớn về hoa màu của gia đình anh . Thiệt hại là thế nhưng gia đình lại không nhận được thông báo nào về việc thu hồi đất cũng như chưa nhận được một khoản đền bù nào từ UBND huyện. Trong khi UBND Huyện đã gọi một số gia đình bị ảnh hưởng lên để thỏa thuận và bồi thường thiệt hại do cống xả nước gây ra.
Chính quyền đã làm gì trước câu hỏi của dân ????
Trong quá trình thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, UBND huyện Krông Nô đã vi phạm thủ tục lập phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, cụ thể là: không lấy ý kiến của người dân trên địa bàn về phương án bồi thường – một bước bắt buộc trong việc lập phương án bồi thường được ghi nhận trong Luật Đất đai 2003. Trong quyết định phê duyệt phương án bồi thường đối với gia đình anh Nam đã không công nhận quyền hưởng bồi thường phần diện tích đất nằm trong phạm vi 12m tính từ tim đường của gia đình, các tài sản khác được bồi thường không đúng với thực trạng thực tế xâm phạm trực tiếp quyền và lợi ích hợp pháp của gia đình anh Nam.
Bức xúc vì quyền lợi không được giải quyết thỏa đáng gia đình anh đã nhiều lần khiếu nại UBND huyện Krông Nô. Khi bị khiếu nại, chủ tịch UBND huyện Krông Nô đã đưa ra căn cứ không có giá trị pháp lý để giải thích cho việc không bồi thường cho phần diện tích nằm trong phạm vi 12m tính từ tim đường của gia đình anh. Cụ thể theo khiếu nại số 4481/QĐ-UBND của chủ tịch UBND Huyện Krông Nô giải quyết khiếu nại của gia đình anh Nam về việc bồi thường về đất và tài sản trên đất có căn cứ vào quyết định số 93/QĐ-UB về việc ban hành quy định hành lang bảo vệ đường bộ và chỉ giới xây dựng hai bên đường bộ, để cho rằng phần diện tích đất nằm trong phạm vi 12m tính từ tim đường gia đình anh đang sử dụng là nằm trong hành lang an toàn giao thông, thuộc quản lý của Nhà nước vì vậy việc sử dụng của gia đình anh là vi phạm pháp luật nên không được hưởng bồi thường. Tuy nhiên căn cứ tại điều 4 NĐ 203/HĐBT ngày 27/02/1982; thì hành lang bảo vệ đường bộ phải do UBND cấp tỉnh ban hành. Việc UBND huyện Krong Nô ban hành quyết định 93/QĐ-UB, ngày 07/8/1995 là vượt thẩm quyền. Vì vậy căn cứ mà UBND huyện đưa ra là không có giá trị pháp lí.
Mặt khác, trong văn bản về việc lấy ý kiến đề xuất xem xét việc giải quyết khiếu nại đền bù, giải phóng mặt bằng gửi UBND tỉnh UBND huyện cũng đã trả lời: “ Nếu công nhận nội dung khiếu nại về đền bù giải phóng mặt bằng thi công công trình đường tỉnh lộ 3 của 03 hộ dân huyện Krông Nô thì làm cho chi phí đền bù, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng công trình Đường tỉnh lộ 3 tăng lên khoảng 16 tỉ”. Như vậy, theo như văn bản UBND huyện đưa ra, việc không công nhận các khiếu nại của hộ dân là bởi lo sợ chi phí bồi thường sẽ tăng lên cao chứ không phải là căn cứ vào quy định pháp luật. Ngoài ra, trong bản giải trình UBND huyện thừa nhận chưa thực hiện kiểm kê tài sản của các hộ dân nằm trong phạm vi 12m tính từ tim đường nên không nắm bắt được cụ thể chi phí tăng lên. Điều này là một sai sót nghiêm trọng, không chỉ vi phạm quyền và lợi ích hợp pháp của hộ gia đình anh Nam mà còn xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của 400 hộ dân có đất bị thu hồi. Đã có dấu hiệu phớt lờ quy định của pháp luật, phớt lờ quyền lợi của dân rất rõ ràng.
Trong quá trình giải quyết khiếu nại của anh Nam về quyết định phê duyệt phương án bồi thường cũng như quyết định giải quyết khiếu nại số 4481/QĐ-UBND của UBND huyện Krông Nô, UBND tỉnh Đắk Nông đã nhận ra những sai phạm của UBND huyện Krông – Nô. Điều này được thể hiện trong văn bản lấy ý kiến của UBND huyện về việc đền bù, giải phóng mặt bằng số 1380/UBND-NC có ghi “ UBND tỉnh công nhận nội dung khiếu nại của 03 hộ dân nêu trên là đúng, bác bỏ các quyết dịnh giải quyết khiếu nại lần đầu của UBND huyện Krông Nô đối với 03 hộ dân”.
Tuy nhiên quyết định giải quyết khiếu nại lần 2 số 2146/QĐ-UBND UBND tỉnh lại đồng quan điểm với UBND huyện về việc không giải quyết bồi thường cho anh Nam và các hộ dân còn lại. Đồng thời UBND tỉnh cũng đưa ra văn bản pháp lý không có giá trị hiệu lực để làm căn cứ cho quyết định của mình. Cụ thể UBND tỉnh viện dẫn tờ bản đồ giải thửa số 4 và sơ đồ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 00619 để chứng minh phần diện tích gia đình anh Nam bị thu hồi là nằm trong hành lang an toàn giao thông 12m tính từ tim đường.
Tuy nhiên, khi bản đồ giải thửa được vẽ và phê duyệt năm 1997, 1998 và khi giấy CNQSD đất 00619 được cấp dựa trên bản đồ giải thử số 4 là không có cơ sở, không chính xác, không phù hợp với quy hoạch, không phù hợp với thực trạng sử dụng đất. Giấy CNQSD đất 00619 được cấp ngày 14/11/1998 căn cứ vào tờ bản đồ giải thửa số 4 được Sở Địa chính tỉnh Đắc Lắk phê duyệt tháng 12/1998, được UBND huyện Krong Nô phê duyệt tháng 7/1999 là không hợp lý. Vì vậy, giấy CNQSD đất 00619 được cấp là không có cơ sở, không chính xác về sử dụng và thực trạng quy hoạch và không có giá trị pháp lí điều này đã được Tòa án thừa nhận. UBND Tỉnh đã không quan tâm đến quy định của luật đất đai 2003 lúc bấy giờ là phải căn cứ vào quá trình sử dụng đất, rõ ràng gia đình anhNam sử dụng đất rất ổn định không có tranh chấp và cũng thực hiện nghĩa vu tài chính đầy đủ. Trong hai lần giải quyết khiếu nại của anh Nam cùng một vấn đề mà UBND tỉnh lại có hai quyết định hoàn toàn trái ngược nhau.
Trong phiên tòa sơ thẩm, nhận thấy sai lầm các cấp chính quyền Tòa án nhân dân đã nhận định các văn bản làm căn cứ pháp lý để các cấp chính quyền đưa ra quyết định là không có giá trị ,hiệu lực. Tuy nhiên Hội đồng xét xử lại chỉ căn cứ vào Giấy chứng nhận số 00619 để quyết định về quyền hưởng bồi thường của gia đình ông Nam. Điều này không phù hợp với quy định pháp luật về điều kiện hưởng bồi thường quy định tại khoản 1 điều 42 Luật đất đai 2003, và hiện nay là khoản 1 điều 75 Luật đất đai 2013. Theo đó, khi tiến hành thu hồi đất vì mục đích quốc gia, công cộng nhà nước không chỉ bồi thường mảnh đất có GCNQSDĐ hợp pháp mà còn phải bồi thường cho những mảnh đất chưa có GCNQSDĐ hợp pháp nhưng có đủ điều kiện để được cấp GCNQSDĐ Xét về quá trình sử dụng đất, những nghĩa vụ mà anh Nam đã thực hiện đối với mảnh đất cũng như căn cứ pháp lý thì gia đình ông Nam hoàn toàn được hưởng bồi thường về phần diện tích đất đó theo quy định tại điểm a, khoản 1 điều 50 Luật Đất đai 2003, hiện tại quy định tại điểm b khoản 1 điều 100 Luật Đất đai 2013.
Việc giải quyết quyền lợi cho hộ gia đình anh Nam và các hô dân khác có chung quyền lợi trong dự án san lấp mặt bằng làm đường tỉnh lộ 3 của UBND huyện còn rất nhiều khúc mắc, vấn đề chưa được làm rõ. Nhận được yêu cầu xin trợ giúp pháp lí của anh Nam với trách nhiệm xã hội của mình văn phòng luật sư Đồng Đội đã nhiều lần gửi đơn kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ ; Ủy ban kiểm tra Trung ương Đảng; Văn phòng Chính phủ; Thanh tra Chính phủ;Bộ Tài nguyên và môi trường; Bộ Lao động thương binh và Xã hội;Ban Nội chính Trung ương;Ban chỉ đạo Tây Nguyên;Ủy ban kiểm tra tỉnh ủy Đắk Nông;Bí thư tỉnh ủy Đắk Nông;Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông tuy nhiên vụ việc đến nay vẫn đang chờ được giải quyết.
Không chỉ gia đình anh Nam mà còn khoảng 400 hộ dân đã giao đất cho chính quyền để thực hiện những dự án mang lại lợi ích quốc gia, lợi ích cộng đồng, vì vậy hưởng đền bù từ phần diện tích đất đã hiến là quyền lợi xứng đáng của bà con . Không thể vì một lợi ích khác mà tước đoạt đi quyền lợi chính đáng này. Vụ việc hiện đang được Tòa án cấp cao Thành phố Hồ Chí Minh xem xét giải quyết. Rất mong với sự công tâm của tòa quyền lợi của gia đình anh Nam nói riêng của 400 hộ dân hiến đất nói chung được đền đáp xứng đáng.
Bài viết của:
Luật sư Trần Xuân Tiền & Lê Thùy