Tình trạng phụ nữ khuyết tật (PNKT) bị xâm hại tình dục đang diễn ra ngày càng phức tạp và nghiêm trọng. Theo thống kê của Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội, hiện Việt Nam có khoảng 4 triệu Phụ nữ khuyết tật. Nghiên cứu thực tế của Trung tâm hành động vì sự phát triển cộng đồng tại huyện Ba Vì, Hà Nội và quận Thanh Khê, Đà Nẵng cho thấy, cứ 10 PNKT thì có 4 người đã từng bị ít nhất một hình thức bạo lực tình dục nguy cơ bị bạo lực, bạo lực tình dục lớn hơn gấp 3 lần người khác. Đây là một hồi chuông cảnh báo cần sự vào cuộc quyết liệt hơn từ các cơ quan chức năng, đặc biệt là cơ quan tư pháp – cơ quan bảo đảm công bằng cho nhóm đối tượng yếu thế này.
Văn phòng hiện đang tham gia, hỗ trợ trường hợp nạn nhân T là người khiếm thị đã bị anh B (là hàng xóm của T) có hành vi xâm hại tình dục đối với nạn nhân. Khi xảy ra vụ việc T chưa đủ 15 tuổi, anh B đã đủ 18 tuổi. Sau khi bị xâm hại, T đã mang thai và gia đình T đã phát hiện hình vi vi phạm pháp luật của B. Nhưng gia đình không tố giác hành vi của anh B ngay lập tức do thiếu hiểu biết pháp luật, lo sợ ảnh hưởng danh dự, nhân phẩm của nạn nhân và gia đình. Hành vi của anh B đã gây ảnh hưởng xấu đối với sự phát triển tâm sinh lý, danh dự, nhân phẩm, quá trình học tập và đời sống xã hội của T.
Ngoài ra vụ án tại Nghệ An, nạn nhân H, mẹ của nạn nhân là Nguyễn Thị N tố cáo ông G (chú ruột của H) hiếp dâm con gái mình. H bị tàn tật, bại liệt 2 tay, 2 chân từ nhỏ. Bà N có việc bận nên để con gái ở nhà 1 mình. Khi về, bà nghe con gái kể bị ông G về nhà rồi sàm sỡ và dùng điện thoại chụp những bộ phận nhạy cảm. Người này sau đó bỏ đi rồi quay lại và cho H 100.000 đồng. Tối hôm đó, khoảng 0h40′ bà N nghe tiếng hét rồi chạy ra nhưng thấy có người chạy ngoài cổng nên lại quay vào nhà. Sáng hôm đó, bà N thấy con gái khóc lóc nên gặng hỏi thì được con gái kể lại việc bị ông G đến nhà khống chế rồi hiếp dâm. Do chân, tay bại liệt và sợ hãi nên không thể kháng cự được. Sau khi có kết quả thăm khám, bà N đã lên Công an xã trình báo sự việc.
Đây chỉ là một trong những số ít nạn nhân và người nhà nạn nhân đã dũng cảm lên tiếng đứng ra tố giác người phạm tội. Nguyên nhân không chỉ do sự hạn chế về thể chất, tâm lý và khả năng tự vệ của họ mà còn từ sự thiếu quan tâm, chú trọng và hạn chế trong chính sách hỗ trợ của các cơ quan chức năng. Dưới đây là những thực trạng nổi bật về vấn đề này:
Thiếu sự hỗ trợ trong việc tiếp cận hệ thống pháp lý: những phụ nữ khiếm thị, khiếm thính, hoặc bị hạn chế vận động thường không được cung cấp đầy đủ các công cụ hỗ trợ cần thiết như ngôn ngữ ký hiệu, phiên dịch hoặc các phương tiện tiếp cận cơ sở vật chất tại các cơ quan tố tụng. Việc thiếu các quy trình và cơ chế hỗ trợ đặc thù đã dẫn đến tình trạng phụ nữ khuyết tật không thể tham gia vào quá trình tố tụng hoặc không nhận được sự hỗ trợ kịp thời từ các cơ quan chức năng. Phần lớn các cơ quan tư pháp chưa xây dựng các quy trình riêng biệt cho nhóm đối tượng phụ nữ khuyết tật. Điều này khiến họ bị bỏ qua trong các bước quan trọng của quá trình điều tra và xét xử. Việc thiếu thông tin, thiếu sự hỗ trợ kịp thời về cơ sở vật chất và công cụ giao tiếp khiến phụ nữ khuyết tật không thể trực tiếp tham gia tố tụng, từ đó giảm khả năng truy cứu trách nhiệm và bảo vệ quyền lợi của họ.
Việc thu thập chứng cứ chưa có tính đặc thù đối với nạn nhân: việc thu thập chứng cứ trong các vụ xâm hại đối với phụ nữ khuyết tật gặp nhiều thách thức lớn. Phụ nữ khuyết tật thường sống phụ thuộc vào người chăm sóc, thiếu khả năng tự bảo vệ và khó khăn trong việc cung cấp chứng cứ. Những chứng cứ vật chất và lời khai của họ có thể bị hạn chế hoặc dễ bị chi phối bởi hoàn cảnh sống của nạn nhân. Điều này không chỉ gây khó khăn trong việc xác minh sự thật mà còn làm giảm tính thuyết phục của các chứng cứ, ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả điều tra và xét xử. Các cơ quan điều tra chưa có các phương thức hoặc công cụ đặc thù để hỗ trợ việc thu thập chứng cứ từ phụ nữ khuyết tật, khiến họ gặp phải sự bất bình đẳng trong việc chứng minh hành vi xâm hại. Việc thiếu các chuyên gia tư vấn và hỗ trợ trong quá trình này cũng là một yếu tố khiến phụ nữ khuyết tật không thể thực hiện đầy đủ các quyền của mình trong quá trình tố tụng.
Cán bộ cơ quan còn thiếu sự đào tạo chuyên sâu: một vấn đề quan trọng khác là việc cán bộ tư pháp chưa được đào tạo đầy đủ về cách làm việc với phụ nữ khuyết tật. Nhiều cán bộ điều tra, kiểm sát viên và thẩm phán không có kinh nghiệm hoặc chuyên môn trong việc tiếp xúc và làm việc với nhóm đối tượng này, dẫn đến thái độ chưa phù hợp, thiếu nhạy cảm. Các phương pháp điều tra và xét xử của họ đôi khi có thể gây thêm áp lực tâm lý cho nạn nhân, khiến họ không thể đối diện với quá trình tố tụng một cách bình tĩnh và hiệu quả. Bên cạnh đó, một số cán bộ còn mang định kiến xã hội về người khuyết tật, từ đó không tiếp cận vấn đề với thái độ khách quan và công bằng. Những định kiến này vô tình làm tổn thương tinh thần của nạn nhân và khiến họ mất niềm tin vào hệ thống tư pháp.
Thủ tục tố tụng kéo dài và phức tạp là thử thách lớn trên con đường tìm công lý của nạn nhân: thủ tục tố tụng trong các vụ án xâm hại tình dục đối với phụ nữ khuyết tật thường kéo dài và phức tạp. Quá trình điều tra, xét xử kéo dài không chỉ tạo ra sự mệt mỏi và lo sợ cho nạn nhân mà còn làm họ cảm thấy bất lực và thất vọng. Đặc biệt, đối với những phụ nữ khuyết tật sống ở các vùng sâu, vùng xa hoặc có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, họ càng gặp nhiều thách thức trong việc tiếp cận dịch vụ pháp lý và không thể tham gia vào quá trình tố tụng một cách đầy đủ. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến quyền lợi của nạn nhân mà còn khiến cho kẻ xâm hại có thể thoát khỏi sự trừng phạt. Việc không có các biện pháp bảo vệ kịp thời trong quá trình tố tụng càng làm tăng nguy cơ bị trả thù hoặc bị xã hội kỳ thị.
Cơ quan tư pháp còn thiếu biện pháp bảo vệ nạn nhân trong và sau quá trình tố tụng: một vấn đề nghiêm trọng là các biện pháp bảo vệ nạn nhân chưa được áp dụng đầy đủ, đặc biệt trong các vụ xâm hại tình dục. Phụ nữ khuyết tật, với tình trạng yếu thế và phụ thuộc vào người khác, rất dễ bị trả thù nếu tố cáo hành vi xâm hại. Họ sợ bị mất nguồn hỗ trợ chăm sóc, hoặc bị cộng đồng chỉ trích, xa lánh. Việc thiếu các biện pháp bảo vệ nhân chứng hoặc bảo vệ nạn nhân khiến nhiều phụ nữ khuyết tật không dám tố cáo hành vi sai trái, hoặc nếu tố cáo, họ có thể rút đơn giữa chừng do sợ hãi.
Như vậy, để bảo vệ phụ nữ khuyết tật tránh các nguy cơ bị xâm hại tình dục, cần thực hiện phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan chức năng có thẩm quyền, các tổ chức xã hội, các giải pháp pháp lý và xã hội nhằm đảm bảo quyền lợi, sự an toàn và nhân phẩm của họ. Trước hết, cần cải thiện quy trình điều tra theo hướng “thân thiện” với người khuyết tật, bao gồm đào tạo chuyên sâu cho cán bộ điều tra, bố trí hỗ trợ chuyên viên pháp lý hoặc người phiên dịch, tạo môi trường tố tụng linh hoạt trong từng trường hợp, tránh gây tái chấn thương tâm lý. Về chế tài pháp luật, cần bổ sung các tình tiết tăng nặng đối với tội phạm xâm phạm nạn nhân là người khuyết tật, quy định cụ thể hơn về tội danh liên quan đến phân biệt đối xử hoặc bạo hành, đồng thời áp dụng các biện pháp bảo vệ đặc biệt như cấm tiếp xúc và giám sát người phạm tội. Bên cạnh đó, việc hoàn thiện hệ thống pháp luật và tăng cường công tác phòng ngừa, tuyên truyền, giáo dục cộng đồng là rất cần thiết, bao gồm hỗ trợ pháp lý miễn phí, xây dựng mạng lưới nhà tạm lánh, và nâng cao nhận thức xã hội về quyền của phụ nữ nói chung và phụ nữ khuyết tật nói riêng. Cuối cùng, cần thực thi nghiêm túc các cam kết quốc tế như Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử chống lại phụ nữ (CEDAW), Công ước Liên Hợp Quốc về Quyền của Người khuyết tật (CRPD),… để đảm bảo một môi trường pháp lý và xã hội công bằng, nhân văn, nơi phụ nữ khuyết tật được bảo vệ tối đa trước nguy cơ xâm hại.
Nguyễn Thị Huyền – Thực tập sinh Văn phòng luật sư Đồng Đội
Số điện thoại: 0396914604
Thông tin liên hệ:
Văn phòng luật sư Đồng Đội: P2708, Tòa nhà VP3 Bán đảo Linh Đàm, Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội
Điện thoại: 0936.026.559 – Email: tranxuantien1964@gmail.com
Website: https://dongdoilaw.vn
Facebook: https://www.facebook.com/dongdoilaw
Youtube: https://www.youtube.com/c/VănphòngluậtsưĐồngĐội
Tiktok: https://www.tiktok.com/@vpls_dongdoi