TIỀN ẢO – RỦI RO THẬT
Hiện nay, thị trường tài chính Việt Nam đã xuất hiện nhiều sản phẩm, dịch vụ công nghệ số, phương tiện thanh toán trực tuyến, điện tử mới như tiền ảo, tiền điện tử,… như một xu thế tất yếu trong kỷ nguyên công nghệ. Sự phát triển, lưu hành các loại tiền số (Bitcoin, Litecoin…), các phương thức thanh toán điện tử mặc dù mang lại nhiều tiện ích cho xã hội, nhưng lại khó kiểm soát và dễ bị biến tướng, tiềm ẩn nguy cơ để tội phạm hoành hành.
Cơn sốt đầu tư tiền ảo, tiền số không ngừng nóng lên, nhất là thời điểm nhiều người phải nghỉ ở nhà hoặc mất việc làm do dịch covid-19. Họ đầu tư với hi vọng làm giàu nhanh chóng và trở thành tỉ phú.
Các sàn giao dịch “tài chính ma” phát triển nở rộ như nấm mọc sau mưa. Sàn này sập, sàn khác xuất hiện, tài sản bị lừa đảo của người bị hại lên đến con số hàng trăm tỉ đồng. Thế nhưng, dường như vẫn chưa đủ để các nhà đầu tư “tỉnh ngộ”. Một hiện tượng rất nguy hiểm đó là, có người sau khi bị lừa đảo lại tiếp tục gia nhập các sàn khác để mong gỡ gạc.
Các hình thức sàn giao dịch tiền ảo này ngày càng bài bản, quy mô hơn khi có sự quảng cáo, hỗ trợ của rất nhiều nghệ sĩ nổi tiếng. Cách đây mấy hôm, nhiều nghệ sĩ Việt Nam đồng loạt đăng tải nội dung kêu gọi người hâm mộ đầu tư tiền kỹ thuật số hay còn gọi là tiền ảo. Dù họ nhanh chóng xóa bài đăng, nhưng sự việc này đã thu hút sự chú ý của dư luận xã hội.
Chưa bao giờ, những lời mời chào tham gia vào các sàn đầu tư tài chính trở nên dễ dàng như hiện nay. Thông qua nhiều hình thức như: điện thoại, Website, Facebook, Zalo… nhiều lời chào mời được đưa ra với mức lợi nhuận hấp dẫn. Những lời mời chào về những khoản lợi nhuận béo bở đã khiến cho không ít người bỏ hết số tiền tích lũy để đầu tư, khát vọng làm giàu nhanh chóng. Tính rủi ro vẫn cao mà nhà đầu tư vẫn lao vào vì lợi nhuận.
Tiền ảo là gì?
Ảnh: Internet
Tại Việt Nam, hiện nay chưa có khái niệm chính thức về tiền ảo. Theo PGS.TS Phùng Trung Tập (Đại học Luật Hà Nội), “tiền ảo” (virtural currency) là biểu hiện kỹ thuật số của giá trị có thể có trong giao dịch kỹ thuật số và có các chức năng: là phương tiện trao đổi; là một đơn vị kế toán, lưu trữ giá trị, nhưng không phải là tiền pháp định tại một quốc gia nào. Tiền ảo không được phát hành, không được bảo đảm của pháp luật của quốc gia nào. Các chức năng của tiền ảo được xác định trên đây chỉ được thực hiện theo ý chí thỏa thuận của các chủ thể trong cộng đồng, những người sử dụng tiền ảo trong giao dịch.
Tiền điện tử và tiền ảo có sự khác biệt ở những yếu tố sau: Tiền điện tử (tiền pháp định) có sự bảo đảm từ phía Nhà nước (do ngân hàng Nhà nước phát hành), còn tiền ảo không được bảo đảm thực hiện bởi Nhà nước, đồng thời cũng không được bảo đảm thực hiện từ bất kỳ tổ chức nào. Tiền điện tử có hình thức vật chất nhất định và tồn tại độc lập, còn tiền ảo luôn luôn phụ thuộc vào môi trường kỹ thuật số để tồn tại. Tiền điện tử và tiền ảo tuy rằng cùng tồn tại và phụ thuộc vào môi trường kỹ thuật số, nhưng tiền điện tử là hình thức điện tử của tiền pháp định (ví điện tử, tài khoản thanh toán qua thiết bị điện tử…). Tiền ảo cũng có hình thức kỹ thuật số, nhưng nó hoàn toàn không gắn liền với đơn vị tiền tệ pháp định nào. Vì vậy, tiền ảo không được đảm bảo khả năng chuyển đổi thành tiền pháp định bởi các chủ thể phát hành hoặc quản lý nó và không có một tổ chức nào chịu trách nhiệm về những rủi ro cho một hoặc các bên chủ thể trong giao dịch liên quan đến tiền ảo.
Việt Nam cũng như các quốc gia khác trên thế giới chưa chấp nhận tiền ảo là tiền tệ. Việc sử dụng tiền ảo làm phương tiện thanh toán không đươc pháp luật thừa nhận và bảo vệ. Pháp luật cấm các tổ chức tín dụng không được phép sử dụng tiền ảo như một loại tiền tệ hoặc phương tiện thanh toán khi cung ứng dịch vụ cho khách hàng.
Đặc điểm của tiền ảo
Về chủ thể phát hành: Tiền ảo là do một người hoặc một nhóm người tạo hoặc “đào” ra trên cơ sở ứng dụng các công nghệ hiện đại, được mã hóa và được lưu trữ trong hệ thống máy tính có giá trị quy đổi thể hiện thông qua đồng tiền truyền thống (tiền pháp định). Điều này làm cho tiền ảo trở thành công cụ dự trữ giá trị và công cụ để đầu tư.
Về chức năng thanh toán của tiền ảo: Tiền ảo có thể được mua bán, trao đổi, đầu tư hoặc là phương tiện thanh toán trong các giao dịch có phạm vi hạn chế. Thế nhưng, chức năng thanh toán này không thay thế cho đồng tiền truyền thống, vì về bản chất chức năng thanh toán của tiền ảo trong giao dịch không tương ứng như vai trò của một phương tiện trung gian thanh toán theo quy luật ngang giá. Thực chất, tiền ảo trong trường hợp này là một loại tài sản được các bên chấp nhận trao đổi, có giá trị tương đương với các tài sản, hàng hóa đối ứng.
Về hình thức tồn tại: Tiền ảo được tạo ra và được lưu trữ dưới dạng điện tử gắn với đồng tiền của các quốc gia, giá trị của nó được đo lường bởi đồng tiền quốc gia. Vì vậy, bản thân tiền ảo chỉ có thể trở thành phương tiện thanh toán cho các giao dịch điện tử, mà không trở thành đồng tiền thanh toán cho các giao dịch giao kết theo phương thức truyền thống, bởi nó không tồn tại trong thế giới khách quan.
Tiền ảo đã và đang trở thành những tài sản, phương tiện thanh toán, công cụ đầu tư, phương thức huy động vốn, nhưng tại mỗi quốc gia lại có quan điểm và cách tiếp cận trái ngược nhau. Có nước chấp nhận như một loại phương tiện thanh toán nhưng cũng có quốc gia hoàn toàn không thừa nhận và không cho phép lưu thông. Cho đến nay, trên thế giới chưa có một khung pháp lý dành riêng cho tiền ảo.
“Bẫy” đầu tư tiền ảo
Hoạt động đầu tư, mua bán tiền ảo, huy động vốn qua phát hành tiền ảo, đặc biệt là hoạt động sử dụng tiền ảo để huy động vốn theo phương thức đa cấp ngày càng diễn biến phức tạp, có nguy cơ ảnh hưởng đến sự ổn định của thị trường tài chính, trật tự an toàn xã hội và có thể gây rủi ro rất lớn đối với tổ chức, cá nhân tham gia.
Việc lừa đảo tiền ảo thực chất rất đa dạng, điển hình có thể kể đến là mô hình tiền ảo đa cấp biến tướng, dùng tiền của người tham gia sau trả lãi cho người tham gia trước. Về bản chất cái gọi là “kinh doanh tiền ảo” chỉ là việc dùng sản phẩm số này để che đậy cho việc huy động tài chính trái phép.
Đánh vào tâm lý hám lợi và sùng bái các mô hình đầu tư tiên tiến, thời thượng, nhưng lại yếu về công nghệ thông tin của đại bộ phận người dân, các đối tượng dễ dàng dẫn dụ người dân bỏ vốn ra đầu tư vào những đồng tiền ảo vô giá trị. Thủ đoạn phạm tội của các đối tượng thường rất tinh vi.
Điểm chung dễ thấy nhất của các mô hình này là họ vẽ ra một viễn cảnh đầu tư đem lại lợi nhuận rất lớn, càng đầu tư nhiều thì lãi thu được càng cao. Những đối tượng này lôi kéo nhà đầu tư vào đường dây của mình để ăn tiền hoa hồng và thậm chí có thể lấy luôn tiền vốn của người đó.
Những sàn giao dịch này, mỗi ngày đều đăng tải trên mạng xã hội với những lời mời gọi vô cùng hấp dẫn như: “đầu tư ít sinh lời cao”, “ngày nào cũng đều đều tiền về”, “giúp nhau tương tác tiền vào như mưa”. Nhiều người, vì lóa mắt trước những khoản lãi suất đầy hứa hẹn này mà đã ném tiền thật vào tiền ảo, lôi kéo anh em, họ hàng vào cuộc chơi, cuối cùng mất trắng tất cả.
Cơ chế hoạt động của các sàn giao dịch tiền ảo bao giờ cũng mang lại lợi ích ban đầu cho những người tham gia. Bên cạnh những người vì lần đầu tiên nghe nói đến mô hình kiếm tiền “bánh vẽ” hấp dẫn như vậy nên rất dễ bị thuyết phục đầu tư, phần lớn người chơi đều không phải là tay mơ trong cuộc chơi này. Do dày dặn kinh nghiệm, biết rõ những sàn này sẽ sập song vẫn tham gia và đi hết sàn này đến sàn khác kêu gọi, lôi kéo nhiều người tham gia, tới khi có lời, họ sẽ tìm cách tháo chạy bỏ mặc nạn nhân sau bị thiệt hại nặng nề.
Cách lừa đảo phổ biến nhất chính là đánh vào lòng tham của con người. Một bàn tay không thể vỗ thành tiếng, nếu không bởi nhận thức của người dân về tiền ảo và bản chất của nó vẫn chưa thật sự đầy đủ, dẫn đến sự tin tưởng quá mức của người tham gia, thì các hoạt động đa cấp liên quan đến mua bán, đầu tư tiền ảo sẽ không có cơ hội “bành trướng” và gây tác động xấu đến xã hội.
Thời gian qua, cơ quan Công an đã triển khai công tác phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn đối với hoạt động phạm tội có liên quan tiền ảo. Từ đó, đã xác minh, điều tra hàng chục chuyên án, khởi tố và bắt giữ nhiều đối tượng liên quan đến hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp sử dụng tiền ảo để thực hiện hành vi phạm tội, chiếm đoạt tiền lên đến hàng trăm tỷ đồng. Tuy nhiên, sau khi lực lượng chức năng xử phạt, làm rõ hành vi lừa đảo của sàn giao dịch này, thì ngay lập tức các sàn khác lại mọc ra.
Tiền ảo nhưng rủi ro thực
Qua rà soát trên các phương tiện Internet, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng đã thu thập được nhiều thông tin quảng cáo, kêu gọi đầu tư tài chính thông qua các sàn đầu tư tài chính, đặc biệt là hình thức đầu tư thị trường ngoại hối (Foreign Exchange – Forex) và đầu tư quyền chọn nhị phân (Binary Options – BO). Mô hình hoạt động của một số sàn đầu tư tài chính này tiềm ẩn rất nhiều rủi ro cho người tham gia.
Mặc dù đã có nhiều cảnh báo về những vấn đề rủi ro liên quan đến tiền ảo, nhưng các sàn giao dịch tại Việt Nam vẫn diễn ra sôi động. Tiền ảo không chỉ được giao dịch đơn thuần trên hệ thống mạng mà còn đang xuất hiện nhiều biến tướng như đa cấp, lừa đảo, khiến nhiều người lâm vào cảnh trắng tay, nợ nần…
Điểm rủi ro nhất trong việc đầu tư tiền ảo là giá trị đồng tiền lên xuống rất thất thường do chưa được thừa nhận một cách hợp pháp dẫn đến không có một thước đo tham chiếu như vàng, đôla,… và không được Chính phủ hay Ngân hàng Nhà nước bảo hộ.
Ảnh: Internet
Bên cạnh đó, các mô hình kinh doanh tiền ảo tại Việt Nam diễn ra tự phát, các cá nhân tự mua đi bán lại các đồng tiền ảo mà không đăng ký với bất kỳ cơ quan quản lý Nhà nước nào. Sự hiểu biết của nhà đầu tư còn hạn chế, do đó không tránh khỏi khả năng bị lừa dối khi tiền ảo bị nguỵ tạo giá trị một cách bất hợp lý nếu chỉ nhìn vào lãi suất mà tham gia, không tìm hiểu đồng tiền có hợp pháp không.
Nhà đầu tư còn đứng trước nguy cơ bị lộ thông tin cá nhân. Hay bị lừa đảo do một số sàn huy động tài chính lừa đảo bằng cách sửa lệnh hệ thống (nhà đầu tư nghĩ là mình đang đầu tư theo lệnh thị trường, song thực tế là đánh với sàn, luôn luôn bị sàn cho thua) hoặc thậm chí khi số người tham gia nộp tiền đủ nhiều, sàn cũng sẽ tự… biến mất.
Thêm nữa, hiện nay có một bộ phận không nhỏ các công ty, các cá nhân lôi kéo các nhà đầu tư mua tiền ảo, tổ chức các sàn giao dịch tiền ảo. Các hoạt động này thực chất là vi phạm các luật về tài chính, ngân hàng của Việt Nam.
Vì tiền ảo có tính ẩn danh, hoạt động phân tán, không chịu sự quản lý của bất kỳ cơ quan, tổ chức nào, và dù các cơ quan quản lý cũng đã đưa ra nhiều cảnh báo về rủi ro liên quan tới các loại tiền ảo cũng như nguy cơ sử dụng tiền ảo cho hoạt động tội phạm (rửa tiền, tài trợ khủng bố, chuyển tiền bất hợp pháp, trốn thuế, lừa đảo…), nhưng nhiều thiệt hại đáng tiếc đã xảy ra.
Tháng 4/2018, nhà đầu tư tố cáo lãnh đạo Công ty CP Modern Tech (Quận 1, TP. Hồ Chí Minh) chiếm đoạt hơn 15.000 tỷ đồng của. Theo đó, công ty này mời chào mua đồng tiền ảo iFan, Pincoin, với cam kết lợi nhuận thấp nhất 48% một tháng (cao gấp 50-80 lần lãi suất gửi ngân hàng), thời gian hoàn vốn tối đa 4 tháng. Nếu mời được người mới mua tiền ảo sẽ được hưởng thêm 8%. Để gây dựng lòng tin, đồng iFan hay Pincoin được gắn mác là tiền quốc tế, thành lập tại Singapore, Ấn Độ. Đơn vị vận hành giới thiệu iFan là tiền ảo sử dụng cho các dịch vụ liên quan showbiz. Tuy nhiên, sau 4 tháng ra đời, iFan đã sụp đổ và không có giá trị giao dịch quốc tế. Nhà đầu tư chỉ còn lại danh mục có giá trị được cho là lên đến 15.000 tỷ đồng nhưng không thể rút ra, lãi lùi về 0%. Nạn nhân ước tính có khoảng 32.000 người.
Trường hợp tiếp theo có thể nhắc đến là Công ty Sky Mining (Hợp tác xã Bầu trời công nghệ) với 300 đơn tố cáo hành vi lừa đảo nhà đầu tư mua máy đào với các gói từ 100 USD đến 5.000 USD cùng lời hứa hẹn sau 12 tháng, hợp tác xã sẽ trả lại vốn và lãi đến 300% mức đầu tư. Tuy nhiên, khi ông Lê Minh Tâm biến mất, nhiều người mới kịp nhận ra mình đã trở thành nạn nhân của tổ chức này.
Dù sàn đầu tư tài chính “ma” liên tục “bốc hơi”, tài sản bị lừa đảo của nhà đầu tư lên đến con số hàng trăm tỉ đồng, nhưng dường như những lời cảnh báo như “gió vào nhà trống”, rất nhiều người vẫn đánh “cược” vào may rủi. Thậm chí, có người sau khi bị lừa đảo lại tiếp tục gia nhập các sàn khác để mong gỡ gạc. Đây là một trong những nguyên nhân khiến tình trạng các sàn lừa đảo xuất hiện ngày càng nhiều và dễ dàng “đánh bẫy” các nạn nhân.
Nếu quan sát, nhà đầu tư có thể thấy các sàn mới mở ra đều có nét giống với sàn đã sập, chỉ là thay áo mới với những chiêu thức mới để dẫn dụ nhà đầu tư. Các sàn giao dịch ảo này đăng ký tên miền ở nước ngoài, máy chủ ở nước ngoài nên rất khó kiểm soát, xử lý, cơ quan quản lý cũng khó làm việc được với các sàn này.
Trên thị trường tài chính tiền tệ một số nước đã thừa nhận hoạt động đối với đồng tiền ảo, tuy nhiên tiền ảo hiện không được thừa nhận tại Việt Nam. Việc pháp luật hiện hành không coi tiền ảo là phương tiện thanh toán, mà nhà đầu tư vẫn tham gia vào một thị trường không có sự bảo hộ của Nhà nước tiềm ẩn rất nhiều rủi ro liên quan đến lừa đảo, rửa tiền, kinh doanh đa cấp và việc giải quyết các tranh chấp phát sinh có liên quan đến việc xác lập quyền sở hữu hoặc thực hiện các giao dịch trở nên rất khó khăn.
Hơn nữa, do tiền ảo chưa được thừa nhận một cách minh bạch là hàng hóa hay dịch vụ nên về nguyên tắc, không dễ dàng áp dụng pháp luật để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Cần làm gì khi trở thành nạn nhân của các sàn giao dịch “ma”?
Thực tế thời gian qua cho thấy, nhiều người đầu tư vào tiền ảo hàng trăm, thậm chí hàng tỉ đồng, rồi mắt trắng, nhà cửa tan nát. Khi rơi vào trường hợp đáng tiếc này, điều mọi người cần làm là nhanh chóng lấy lại bình tĩnh và tìm cách giải quyết thay vì ngồi than trời trách đất.
Việc khiếu kiện và đòi bồi thường đối với những rủi ro khi đầu tư tiền ảo là vô cùng khó khăn trong bối cảnh pháp luật Việt Nam vẫn chưa hoàn thiện khung pháp lý liên quan đến tiền ảo. Tuy nhiên, không có nghĩa là những người tham gia không được pháp luật bảo vệ.
Trong trường hợp này, nạn nhân có thể khiếu nại lên cơ quan đăng ký kinh doanh (Sở kế hoạch đầu tư) để kiểm tra hành chính việc kinh doanh của công ty. Bước tiếp theo, nạn nhân có thể tố giác với cơ quan Công an để điều tra hoặc kiện lên Toà án đòi bồi thường dân sự. Cơ quan công an sau khi điều tra nếu thấy vụ việc có dấu hiệu tội phạm, quy mô lớn, gây ảnh hưởng xấu đối với xã hội có thể tiến hành khởi tố hình sự.
Chúng ta đang sống trong thời đại công nghệ số, kinh tế số, tiền ảo chính là một sản phẩm của nền kinh tế này. Tuy nhiên, chỉ có những trường hợp lừa đảo mà công an có chứng cứ thì có thể tìm ra được để xử lý. Còn lại, tất cả những website không có địa chỉ cụ thể không thể truy tìm được thủ phạm.
Do đó, căn cứ vào sự phát triển của nước ta hiện nay, cùng với sự hiểu biết pháp luật hạn chế, khung pháp lý chưa rõ ràng, người dân, các nhà đầu tư cần nghiên cứu thật nghiêm túc, kĩ càng về tiền ảo và quyết định đầu tư một cách có chọn lọc, có giới hạn.
Để phòng ngừa bị đối tượng xấu lừa đảo, người dân nên tìm hiểu kỹ thông tin. Cụ thể, trong hoạt động này, thông tin của tổ chức phát hành thường rất bí mật hoặc là thông tin giả; người tổ chức không tiếp xúc với cộng đồng, chỉ dùng phương thức ẩn danh qua mạng xã hội…; có các điều kiện ràng buộc về tiền gốc của nhà đầu tư, nhà đầu tư không được trao đổi, mua bán hay giao dịch một cách tự do mà bị khoá lại trong một khoảng thời gian nhất định. Các tính năng kỹ thuật, ứng dụng thực tế không có.
Đặc biệt, mọi người nên chú ý về lãi suất. Nếu lãi suất trả cao nhưng không có căn cứ rõ ràng về nguồn gốc trả lãi suất (như đầu tư vào lĩnh vực gì, lợi nhuận thế nào), thì gần như chắc chắn là lừa đảo vì chỉ lấy tiền người tham gia sau trả lãi cho người tham gia trước.
Những quy định pháp luật về tiền ảo, kinh doanh tiền ảo
Tính đến thời điểm hiện nay, pháp luật Việt Nam gần như chưa có quy định về kiểm soát và quản lý một cách trực tiếp và hiệu quả đối với tiền ảo. Điều này tạo ra những rủi ro lớn cho người đầu tư, kinh doanh tiền ảo, tạo sự mất ổn định cho thị trường.
Trong khi tiền ảo, tiền mã hóa được giao dịch sôi động, gây ra những hệ lụy xấu cho xã hội nhưng pháp luật Việt Nam chưa xác định được quan điểm rõ ràng và thậm chí là chưa có khái niệm về loại tiền này.
Tuy nhiên, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 1255/QĐ-TTg phê duyệt Đề án hoàn thiện khung pháp lí để quản lí, xử lí đối với các loại tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo và Chỉ thị số 10/CT-TTg để nhấn mạnh, cảnh báo các rủi ro, ảnh hưởng tiêu cực của các loại tiền ảo và hoạt động sử dụng tiền ảo để huy động vốn theo phương thức đa cấp, đồng thời giao nhiệm vụ cho các bộ, ngành xử lý các vấn đề liên quan.
Trên cơ sở đó, ngày 13/4/2018, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành Chỉ thị số 02/CT-NHNN về các biện pháp tăng cường kiểm soát các giao dịch, hoạt động liên quan đến tiền ảo. Trong đó NHNN đã có những chỉ đạo, yêu cầu cụ thể đối với tổ chức tín dụng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán không được thực hiện một số giao dịch, nghiệp vụ liên quan tới tiền ảo; tăng cường rà soát, báo cáo kịp thời các giao dịch, hoạt động đáng ngờ có liên quan tới tiền ảo, đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật về phòng chống rửa tiền và quản lý ngoại hối.
Tiếp theo đó, ngày 21/07/2017, Công văn số 5747/NHNN-PC của NHNN gửi Văn phòng Chính phủ trả lời về vấn đề tiền ảo đã khẳng định: “tiền ảo nói chung không phải là tiền tệ và không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp khác theo quy định của pháp luật Việt Nam. Việc phát hành, cung ứng và sử dụng tiền ảo làm tiền tệ hoặc phương tiện thanh toán là hành vi bị cấm.”
Chế tài xử lí hành vi này hiện nay được quy định tại NĐ 88/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng và Điều 206 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) quy định về Tội vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng.
Bên cạnh đó, theo Nghị định 40/2018/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp (Nghị định 40/2018/NĐ-CP) thì “mọi hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp với đối tượng không phải là hàng hóa đều bị cấm (trừ trường hợp pháp luật có quy định khác)”. Theo đó các sàn đầu tư tài chính đều không được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp theo quy định của Nghị định này.
Các tổ chức cá nhân tham gia, vận động người tham gia đầu tư thông qua các sàn đầu tư tài chính này đều có thể bị xử lý hình sự theo Điều 174 BLHS 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) về Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Trường hợp phạm tội có yếu tố sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thì bị xử lý theo điểm d khoản 1 Điều 290 BLHS 2015 ( sửa đổi, bổ sung 2017) về Tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản.
Cần hoàn thiện khung pháp lý về tiền ảo, tài sản ảo và các hoạt động liên quan đến tiền ảo
Việt Nam được đánh giá là quốc gia có hoạt động đầu tư, kinh doanh liên quan đến các loại tiền ảo diễn ra sôi động với số lượng lớn. Để người dân không sập bẫy tiền ảo, việc hoàn thiện khung pháp lý phù hợp để quản lý, xử lý các hoạt động có liên quan đến tiền ảo là vô cùng cần thiết.
Chính sách và khung pháp lý về tiền ảo, tài sản ảo ở Việt Nam cần được nghiên cứu, xây dựng một cách thận trọng, cụ thể, trước hết mang tính thí điểm, thử nghiệm theo hướng sau:
– Xây dựng khái niệm, xác định địa vị pháp lí, bản chất pháp lí của tiền ảo, tài sản ảo theo chức năng cụ thể
– Quản lý các giao dịch mua, bán, trao đổi, đầu tư,… có liên quan đến tiền ảo, tài sản ảo một cách trực tiếp hoặc thông qua các tổ chức trung gian
– Xây dựng, hoàn thiện cơ chế nhận biết, xử lý và giải quyết các rủi ro, tranh chấp liên quan đến tiền ảo, tài sản ảo…
Để làm được điều này, cơ quan nhà nước cần tuyên truyền, phổ biến cho người dân để họ nâng cao sự thận trọng, cảnh giác trong giao dịch tiền ảo.
Bên cạnh đó, các cơ quan có thẩm quyền cũng cần phải nâng cao trách nhiệm của mình trong hoạt động quản lý, giám sát tiền ảo và các vấn đề liên quan đến tiền ảo.
Về phía Bộ Công an, cần phối hợp với các bộ, ngành liên quan tăng cường điều tra, phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật liên quan tới việc huy động tài chính, kinh doanh đa cấp tiền ảo, lợi dụng hệ thống ngân hàng, hệ thống thanh toán để mua bán, trao đổi, sử dụng tiền ảo làm phương tiện thanh toán trái pháp luật. Trong đó, cần tăng cường hoạt động quản lý trên không gian mạng và cộng đồng dân cư, để kịp thời phát hiện các hoạt động huy động vốn trái phép dưới danh nghĩa kinh doanh tiền ảo; kịp thời phát hiện, kiểm tra các hoạt động tổ chức hội thảo có đông người tham gia, để xác minh làm rõ, ngăn chặn những hoạt động lừa đảo đa cấp liên quan đến tiền ảo.
Về phía Ngân hàng Nhà nước, cần chỉ đạo các tổ chức tín dụng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán không được thực hiện các giao dịch liên quan đến tiền ảo trái pháp luật; siết chặt kiểm soát các giao dịch, hoạt động liên quan tới tiền ảo; rà soát các tổ chức, cá nhân có giao dịch mua bán, trao đổi tiền ảo,…; đồng thời, tăng cường rà soát, báo cáo kịp thời các giao dịch đáng nghi vấn có liên quan tới tiền ảo…
Việt Nam không thể tách mình ra khỏi xu hướng phát triển chung của thế giới, tuy nhiên, cần đảm bảo sự cân bằng giữa mục tiêu khuyến khích thúc đẩy đổi mới sáng tạo khoa học công nghệ và bảo vệ lợi ích chung của xã hội. Đặc biệt, các chính sách, quy định pháp luật về quản lý tiền ảo chỉ thực sự được thực hiện có hiệu quả nếu các cơ quan có thẩm quyền có đầy đủ điều kiện về nhân lực, trình độ chuyên môn, công cụ giám sát, bảo đảm việc thực thi.
Bùi Ngân (0349144184)
Tổng hợp, biên tập