Nội dung vụ việc
Sinh thời, cụ K (mất năm 1985) và cụ L (mất năm 2014) sinh được 7 người con. Trong quá trình hôn nhân, hai cụ có tạo dựng được khối tài sản là nhà và đất tại phường Minh Xuân, thành phố Tuyên Quang. Năm 2007, UBND thành phố Tuyên Quang đã cấp 4 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền trên đất (sau đây viết tắt là GCN QSDĐ) cho cụ L và 3 người con khác mà không hề thông báo và có sự đồng ý của các thành viên còn lại trong gia đình. Năm 2012, ô P và vợ (là một trong 3 người con đã được cấp GCN QSDĐ năm 2007) được cụ L tặng cho thêm 95,8m2 theo hợp đồng tặng cho có dấu chỉ điểm của cụ. Nhận thấy việc cấp các Giấy chứng nhận và tặng cho di sản không minh bạch, bà T, bà M (là 2 con của các cụ) và anh A (cháu ruột, có bố là ông Ph đã mất năm 2007 nên được hưởng quyền thừa kế thế vị tại thời điểm mở thừa kế) đã đâm đơn khởi kiện với yêu cầu:
– Chia tài sản thừa kế đối với toàn bộ diện tích đất là tài sản chung của cụ K và cụ L có trong thời kỳ hôn nhân theo quy định của pháp luật;
– Đề nghị hủy 4 GCN QSDĐ đã cấp năm 2007 cho cụ L và 3 người con;
– Đề nghị tuyên vô hiệu bản di chúc lập ngày 20/12/2005 do trái quy định của pháp luật và đương sự không giao nộp bản gốc để Tòa án trưng cầu giám định;
– Tuyên vô hiệu đối với Hợp đồng tặng cho QSDĐ và tài sản gắn liền với đất được lập ngày 22/2/2012 giữa cụ L và vợ chồng ông P.
Quá trình theo đuổi vụ kiện của nguyên đơn
Sau quá trình tố tụng kéo dài, ngày 16/9/2019, TAND TP Tuyên Quang đã ra bản án dân sự sơ thẩm với nội dung: Không chấp nhận tất cả các yêu cầu của nguyên đơn. Cứ ngỡ với thời gian thụ lý và nghiên cứu kéo dài tận 4 năm như vậy, phía Tòa án sẽ có phán quyết công bằng, khách quan nhưng thực chất lại “làm lơ” các chứng cứ và vấn đề phía nguyên đơn cung cấp, đưa ra 1 bản án hời hợt và có nhiều sai phạm. Quá trình theo đuổi vụ kiện từ năm 2015 đến nay, nguyên đơn không chỉ bị tốn kém nặng nề về kinh tế (tiền thuê luật sư, phí xét xử dân sự sơ thẩm,…) mà tình cảm giữa các anh em của 2 cụ K và cụ L cũng bị sứt mẻ nặng nề. Trong chuyến lên thăm anh A và gia đình ở Tuyên Quang, chúng tôi được biết anh em trong nhà đã không nhìn mặt nhau từ lâu, đến ngày giỗ của cha mẹ ông P cũng không cho gia đình nguyên đơn vào thắp nén nhang tỏ lòng hiếu kính.
Qua quá trình nghiên cứu hồ sơ, các luật sư của VPLS Đồng Đội đã phát hiện ra nhiều tình tiết bị bỏ ngỏ, quá trình tố tụng có những sai phạm nghiêm trọng khiến Tòa án tuyên bản án bất lợi cho nguyên đơn. Chúng tôi đã động viên anh A, bà T và bà M nộp đơn kháng cáo đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm xem xét hủy toàn bộ bản án sơ thẩm, yêu cầu giải quyết lại một các khách quan đúng quy định.
Nhiều vướng mắc chưa được làm rõ
Luật sư thấy rằng ở giai đoạn xét xử sơ thẩm Tòa án không làm rõ được quy trình cấp 4 Giấy chứng nhận QSDĐ đã được cấp năm 2007, không làm rõ UBND thành phố căn cứ vào hồ sơ nào để cấp Giấy chứng nhận. Đây là nội dung quan trọng để xác định tính hợp pháp của quyết định hành chính. Theo đó, cụ L không có toàn quyền quyết định đối với việc chia tài sản của cụ và cụ K cho các con. 3 hồ sơ xin cấp đất thể hiện nguồn gốc của các thửa đất xin cấp ghi “đất do bố mẹ tặng cho” nhưng không có tài liệu thể hiện cụ L, cụ K tặng cho các mảnh đất. Do đó có thể thấy, 4 Giấy chứng nhận đã được cấp là trái quy định của pháp luật, cấp đất sai đối tượng, sai diện tích được cấp đất.
Trong hợp đồng lập tại Phòng công chứng số 1 tỉnh Tuyên Quang năm 2012 có nội dung tặng cho vợ chồng ông P mảnh đất 95,8m2, nguồn gốc đất là đất đã được cấp GCN QSDĐ của cụ L. Nhưng GCN QSDĐ đất cấp cho cụ L trái pháp luật nên Hợp đồng tặng cho này cũng vô hiệu.
Quá trình tố tụng có nhiều sai phạm
Nghiên cứu lại quá trình Tòa án giải quyết vụ án, chúng tôi đã phát hiện ra một nhân vật bị lãng quên. Bà V là con riêng của cụ K và cụ H, tức cũng là một trong các đối tượng thuộc hàng thừa kế thứ nhất được thửa hưởng tài sản từ cụ K để lại cho cụ L và các anh chị em khác. Tuy nhiên, khi giải quyết vụ án tại cấp sơ thẩm, TAND thành phố Tuyên Quang chỉ gọi bà V lấy lời khai 1 lần và không giải thích thêm quyền lợi gì. Sau khi lấy lời khai, Tòa án cũng không thực hiện bất kỳ một biện pháp tố tụng nào. Bà V tuy không yêu cầu chia di sản thừa kế nhưng không có nghĩa không được phát biểu ý kiến về việc chia di sản của bố để lại. Việc bỏ quên nhân vật quan trọng này khiến chứng cứ chứng minh việc chia di sản thiếu minh bạch, thể hiện sự cẩu thả, không khách quan, tùy tiện, thiếu trách nhiệm của Tòa án trong việc thu thập chứng cứ, lấy lời khai của các đương sự.
Bên cạnh đó, tại phiên tòa sơ thẩm, Chánh án Tòa án đã thay đổi hội thẩm nhân dân tham gia Hội đồng xét xử vụ án dân sự. Điều đáng nói, là những người được thay thế theo đánh giá của luật sư bảo vệ nguyên đơn là chưa có trình độ hiểu biết pháp luật ở mức độ nhất định, chưa nghiên cứu hồ sơ vụ án một cách kỹ càng. Việc lựa chọn hội thẩm nhân dân như trên sẽ làm ảnh hưởng đến chất lượng của phán quyết bởi Bộ luật tố tụng dân sự trao cho “Hội thẩm nhân dân ngang quyền với Thẩm phán” khi biểu quyết về quyết định giải quyết vụ án dân sự. Theo quy định tại Điều 56 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 việc thay đổi Hội thẩm nhân dân thuộc thẩm quyền của Chánh án, tuy nhiên không có quyết định của Chánh án TAND thành phố Tuyên Quang về việc thay đổi Hội thẩm nhân dân đó. Hoạt động này của Tòa án cấp sơ thẩm là chưa đúng pháp luật.
Từ những tình tiết chưa được làm sáng tỏ và các sai phạm khi Tòa án thành phố Tuyên Quang tiến hành xét xử, chúng tôi đã đề nghị Hội đồng xét xử Hủy bản án sơ thẩm và chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa án cấp sơ thẩm giải quyết lại vụ án theo thủ tục sơ thẩm (theo Điều 310 BLTTDS 2015) do có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng làm cho đương sự không thực hiện được quyền, nghĩa vụ tố tụng của mình, dẫn đến quyền, lợi ích hợp pháp của họ không được bảo vệ theo đúng quy định của pháp luật.
Đúng như định hướng của Luật sư đại diện cho nguyên đơn khi theo đuổi vụ việc, ngày 11/12/2019, Hội đồng xét xử phúc thẩm đã tuyên bố Hủy bản án sơ thẩm và chuyển hồ sơ vụ án cho Tóa án cấp sơ thẩm giải quyết lại vụ án theo thủ tục sơ thẩm. Đây là kết quả tốt tạo điều kiện cho Luật sư sát cánh cùng nguyên đơn đi tìm công bằng, sự thật từ đầu, sửa chữa lại những sai lầm mà các giai đoạn tố tụng đi trước để lại. Chúng tôi có niềm tin phía bị đơn sẽ phải cân nhắc và Tòa án sẽ phải tôn trọng những chứng cứ và luận cứ chặt chẽ, rõ ràng đã được đưa ra khi giải quyết lại vụ án.
Trong hành trình theo đuổi vụ kiện trên, vai trò của Luật sư là rất lớn trong việc phát hiện ra các sai phạm, đưa vụ án chuyển theo hướng Hủy bản án sơ thẩm để giải quyết lại khách quan, kỹ càng hơn. Đây được cho là phương hướng giải quyết tốt khi quá trình tố tụng hiện tại đã có nhiều sai phạm, nhiều tình tiết phức tạp chưa được làm sáng tỏ, vai trò của người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan bị bỏ sót. Khi tiến hành xét xử sơ thẩm, luật sư có thể thực hiện nhiều biện pháp tích cực nhằm giải quyết tranh chấp nhẹ nhàng, tiết kiệm được thời gian và tiền bạc cho các bên. Tranh chấp về chia di sản thừa kế, thường xuất phát từ những cá nhân không đứng vững được trước những cám dỗ của lòng tham, lợi dụng tình cảm và sự tin tưởng giữa người thân với nhau để chiếm đoạt tài sản. Đó không chỉ là những hành vi trái pháp luật mà còn làm rạn nứt tình cảm máu mủ. Bởi vậy khi giải quyết tranh chấp, vừa tránh được tổn thất về kinh tế và nỗi đau về tinh thần mà điều các luật sư ở VPLS Đồng Đội luôn hướng đến. Chúng tôi cho rằng đó là một kết quả cần thiết và cố gắng áp dụng khi nhận lời bảo vệ cho các thân chủ trên con đường đòi lại quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Tin bài của nhóm sinh viên thực tập .