Trong hoạt động tư pháp, hoạt động xét xử được coi là khâu trọng tâm vì đây được coi là biểu hiện của sự tập trung và thể hiện đầy đủ quyền tư pháp, Tòa án nhân danh nhà nước đưa ra phán quyết với các đương sự. Những phán quyết của Tòa án Để đảm bảo tính chính xác, công bằng, khách quan phụ thuộc rất nhiều vào quá trình làm việc của các cơ quan tiến hành tố tụng, các cơ quan nhà nước và luật sư, hoạt động của luật sư tuy không phải là hoạt động tư pháp, nhưng lại có mối liên hệ gắn chặt với hoạt động tư pháp, hỗ trợ cho hoạt động tư pháp.
Hoạt động của luật sư có thể xem như một công cụ hữu hiệu để giúp cho các cá nhân, tổ chức bảo vệ được các quyền và lợi ích chính đáng của mình. Vai trò của luật sư trong hoạt động tố tụng đã được khẳng định và nâng cao trong các bộ luật, luật tố tụng hình sự, tố tụng dân sự, tố tụng hành chính hiện hành của nước ta khi thể chế hóa chủ trương của Đảng về cải cách tư pháp theo tinh thần Nghị quyết của Bộ chính trị số 08- NQ/TW năm 2002 và Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02-06-2005.
Trong hệ thống pháp luật Việt Nam tòa án xét xử theo nguyên tắc xét xử hai cấp là xét xử sơ thẩm và sau đó xét xử phúc thẩm. Trong hoạt động xét xử của tòa án ở tất cả các lĩnh vực hình sự, dân sự, hành chính, lao động, kinh tế thì phúc thẩm là một hoạt động tố tụng, trong đó tòa án cấp trên tiến hành kiểm tra tính hợp pháp, có căn cứ của bản án, quyết định của tòa án cấp sơ thẩm đã xét xử mà bị kháng cáo, kháng nghị, kiểm tra tính hợp pháp là kiểm tra việc áp dụng pháp luật của tòa sơ thẩm khi ra bản án, quyết định, bao gồm cả pháp luật nội dung và pháp luật tố tụng. Kiểm tra tính có căn cứ của bản án, quyết định là kiểm tra những chứng cứ đã thu thập được có phù hợp với thực tế không, kết luận của bán án, quyết định có phù hợp với hồ sơ vụ án hay không.
Mục đích của phúc thẩm là nhằm sửa chữa, khắc phục những sai lầm của Toà án cấp sơ thẩm khi xét xử và ra bản án, quyết định, bảo đảm các quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự. Như vậy, ngay sau khi tòa kết thúc việc xét xử, tòa án phúc thẩm ra bản án, quyết định thì bản án, quyết định của Toà án cấp phúc thẩm có hiệu lực thi hành ngay. Vấn đề đặt ra là sau khi trải qua quá trình xét xử hai cấp vẫn còn nhiều sai sót hay vi phạm trình tự tố tụng làm ảnh hưởng nghiêm trọng quyền lợi nghĩa vụ của bị cáo, đương sự, hoặc có những tình tiết mới làm thay đổi hẳn bản chất của vụ án mà cả hai cấp tòa xét xử không biết đến.
Để bảo vệ quyền lợi nghĩa vụ của bị cáo, đương sự, đảm bảo tính chính xác, khách quan, công bằng của các bản án, quyết định của tòa án và góp phần bảo vệ công lý và sự nghiêm minh của pháp luật, luật sư có vai trò giúp các bị cáo, đương sự trong việc đánh giá căn cứ để kháng nghị, đề nghị người có thẩm quyền kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm theo quy định của pháp luật. Luật sư chuẩn bị hồ sơ đề nghị người có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm.
Trường hợp bản án, quyết định của hội đồng xét xử phúc thẩm không bị kháng nghị thì trong quá trình thi hành án vai trò của luật sư cũng rất cần thiết. Với các vụ án dân sự, hành chính thì để đảm bảo thực thi pháp luật, đảm bảo quyền lợi ích hợp pháp của các đương sự trên thực tế rất cần sự tham gia của luật sư. Theo điều 22 của luật luật sư quy định về phạm vi hành nghề luật sư, luật sư có thể tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự trong giai đoạn thi hành án, các công việc của luật sư trong giai đoạn này có thể là tư vấn pháp luật, đại diện cho đương sự theo ủy quyền để tham gia thi hành án. Luật sư là người tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý cho các đương sự trong quá trình thi hành án qua đó thúc đẩy quá trình thi hành án.
Ở giai đoạn sau khi xét xử phúc thẩm, hội đồng xét xử phúc thẩm ra bản án, quyết định. Bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật ngay khi ra, tưởng như luật sư đã hết trách nhiệm với vụ án, vụ việc mình tham gia nhưng trên thực tế luật sư còn rất nhiều việc phải làm, và trách nhiệm còn lại không hề nhẹ. Với chức năng, nhiệm vụ đã được pháp luật quy định trong luật, với trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp nghề luật sư, luật sư trong tất cả các giai đoạn tố tụng đều phải tham gia một cách hết sức tích cực. Vai trò của luật sư luôn là bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các đương sự góp phần bảo vệ công lý, xây dựng và hoàn thiện pháp luật, thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội đất nước.
Theo dõi chúng tôi tại:
Website: https://dongdoilaw.vn/
Facebook: https://www.facebook.com/dongdoilaw
Youtube: https://www.youtube.com/…/V%C4%83nph%C3%B2nglu…/videos
Tiktok: https://www.tiktok.com/@vpls_dongdoi
Trụ sở văn phòng: P2708, Tòa nhà VP3 Bán đảo Linh Đàm, Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội
Người viết: Mai Thành Lâm
SĐT: 0906195807 Yahoo!: thanhlam2110@yahoo.com.vn