Bảo hiểm xã hội (BHXH) đóng vai trò như một vị cứu tinh cho người lao động (NLĐ) khi họ gặp phải những rủi ro hoặc trường hợp xảy ra không hoàn toàn ngẫu nhiên làm giảm thu nhập, mất thu nhập hoặc mất việc làm.
Theo quy định của Luật BHXH 2014, các chế độ BHXH bắt buộc bao gồm: ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hưu trí, tử tuất; chế độ BHXH tự nguyện bao gồm: hưu trí, tử tuất. Người lao động tham gia BHXH khi ốm đau sẽ được khám chữa bệnh và được trợ cấp ốm đau, được nghỉ chăm con khi con ốm; khi thai sản được nghỉ khám thai, được nghỉ sinh đẻ và nuôi con, được nhận trợ cấp khi sinh con và trợ cấp thai sản của cả vợ và chồng; khi bị tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp sẽ nhận được phần trợ cấp do giảm khả năng lao động do tai nạn, bệnh nghề nghiệp gây ra; được nghỉ dưỡng sức và phục hồi sức khỏe sau khi ốm đau, sinh đẻ hay điều trị thương tật. Tất cả những chế độ bảo hiểm này đều nhằm mục đích chung là người sống trong cùng một xã hội có thể cùng san sẻ và giúp đỡ nhau nhiều hơn khi khó khăn.
Chế độ thai sản chỉ một trong những chế độ hưởng của BHXH nhưng rất được quan tâm bởi lẽ sinh con là nghĩa vụ cao cả và thiêng liêng của người mẹ, hầu hết lao động nữ nào cũng sẽ ít nhất một lần trong đời hưởng chế độ này. Vậy nên mỗi người cần nắm rõ quy định của pháp luật về chế độ thai sản từ điều kiện hưởng đến chế độ hưởng để đảm bảo quyền và lợi ích của mình.
Về điều kiện, theo quy định tại Điều 31 Luật BHXH và hướng dẫn của thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH, người lao động hưởng chế độ thai sản khi thuộc một trong các trường hợp:
+ Lao động nữ mang thai; sinh con; mang thai hộ hoặc nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi;
+ Lao động nữ đặt vòng tránh thai, người lao động thực hiện biện pháp triệt sản;
+ Lao động nam đang đóng BHXH có vợ sinh con;
Theo đó, lao động nữ thuộc các trường hợp trên phải đóng bảo hiểm từ đủ 06 tháng trở lên trong 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận con nuôi. Như vậy, không phải cứ đóng bảo hiểm là được hưởng chế độ thai sản mà các đối tượng chỉ được hưởng khi đáp ứng đủ các điều kiện theo luật định. Mặt khác, không chỉ lao động nữ được hưởng chế độ thai sản mà chồng của họ cũng được hưởng chế độ này vì hạnh phúc gia đình là do cả vợ và chồng cùng vun đắp xây dựng lên. Khi người vợ sinh con thì người chồng cũng cần có một khoảng thời gian ở bên để chăm sóc vợ và làm quen với thành viên mới trong gia đình.
Về chế độ hưởng, lao động nữ được quyền nghỉ để khám thai, sinh con, nghỉ sau sinh, số lượng ngày nghỉ theo luật định, những ngày này đều tính vào ngày hưởng chế độ thai sản. Ví dụ, lao động nữ sinh thường sẽ được nghỉ khám thai 05 lần mỗi lần 01 ngày, và nghỉ 06 tháng trước và sau khi sinh con. Chế độ nghỉ thai sản 6 tháng mang ý nghĩa rất nhân văn, tuy không có giá trị về mặt kinh tế nhưng lại có ý nghĩa rất lớn về mặt tinh thần, là yếu tố góp phần bảo đảm sức khỏe cho chính những bà mẹ và trẻ nhỏ, hạn chế tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ, ngoài ra còn kéo dài thời gian nuôi con bằng sữa mẹ. Người mẹ có thời gian chăm sóc sức khỏe sau sinh, có nhiều thời gian hơn để chăm sóc con, rất có lợi cho sự phát triển của trẻ trong những tháng đầu tiên. Trước đây, chế độ nghỉ thai sản chỉ có 4 tháng, rất nhiều lao động nữ sau khi nghỉ thai sản, do vướng bận con nhỏ, không thu xếp được nên xin nghỉ không lương, hoặc nếu có đi làm thì khi còn còn quá nhỏ, ốm đau, mẹ xin nghỉ cũng ảnh hưởng tới công việc. Do vậy, việc chế độ thai sản của BHXH tăng thời gian nghỉ ngơi dành cho người mẹ lên 6 tháng như một liều thuốc trấn an dành cho các bà mẹ, đảm bảo lợi ích trước mắt và lâu dài cho sự phát triển của trẻ em.
Ngoài ra, lao động nam có vợ sinh con cũng được nghỉ để chăm sóc vợ và thiên thần bé nhỏ mới chào đời, cụ thể được nghỉ 05 ngày trong trường hợp sinh thường; 07 ngày khi vợ sinh con phải phẫu thuật. Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản của lao động nam chỉ được tính trong khoảng thời gian 30 ngày đầu kể từ ngày vợ sinh con.
Về mức hưởng, theo quy định tại Điều 39 Luật BHXH, người lao động hưởng chế độ thai sản sẽ nhận được tiền trợ cấp thai sản, tiền hưởng chế độ thai sản và tiền dưỡng sức sau sinh đối với trường hợp phải nghĩ dưỡng phục hồi sức khỏe. Cụ thể
– Tiền trợ cấp thai sản: Lao động nữ khi sinh con được trợ cấp một lần cho mỗi con bằng 02 lần mức lương cơ sở tại tháng sinh con. Trường hợp sinh con nhưng chỉ có cha tham gia bảo hiểm xã hội thì cha được trợ cấp một lần bằng 02 lần mức lương cơ sở.
Hiện nay, mức lương cơ sở tăng lên 1,39 triệu đồng/tháng => Mức trợ cấp thai sản là 2,78 triệu đồng/tháng.
– Tiền hưởng chế độ thai sản: lao động nữ sinh con được nghỉ 6 tháng, mỗi tháng nghỉ được hưởng 100% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH của 06 tháng trước khi nghỉ sinh. Lao động nữ đi khám thai hoặc lao động nam có vợ sinh con thì mức hưởng trợ cấp mỗi ngày nghỉ được tính theo mức hưởng chế độ thai sản theo tháng chia cho 24 ngày.
Một ví dụ thực tiễn: Hai vợ chồng làm cùng công ty, đóng bảo hiểm xã hội đều đặn 6 tháng trong vòng 12 tháng trước khi sinh con với mức lương cơ bản vùng (I) là 4.180.000đ (theo Nghị định 157/2018/NĐ-CP). Khi sinh con, cả vợ và chồng đều được hưởng chế độ khi sinh con và hưởng trợ cấp từ BHXH, trong đó:
+ Trợ cấp thai sản 2,78 triệu đồng
+ Người vợ được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản trước và sau khi sinh con là 06 tháng, nhận mức trợ cấp
1 tháng = (4.180.000 ×6)/6 = 4.180.000đ => 6 tháng = 4.180.000 × 6 = 25.080.000đ
+ Người chồng được nghỉ 5 ngày, hưởng chế độ thai sản
1 tháng = (4.180.000 ×6)/6 = 4.180.000đ => 5 ngày = 4.180.000/24×5=870.833đ
Nhưng để có thể nhận được số tiền trên, được hưởng quyền lợi và chế độ thai sản, người lao động cần làm gì, đó là mối quan tâm lớn của người lao động sau khi sinh con. Quy định pháp luật là một đằng nhưng thực tế hiện nay, việc báo cáo hưởng chế độ BHXH nói chung và chế độ thai sản nói riêng đều được thực hiện qua phần mềm điện tử mà BHXH liên kết.
– Đầu tiên, người sử dụng lao động báo giảm người lao động nghỉ thai sản trên phần mềm khai báo BHXH điện tử theo hướng dẫn, mục lao động nữ sinh con. Trong vòng 10 ngày, cơ quan BHXH sẽ trả kết quả xác nhận giảm thai sản.
– Sau khi báo giảm thai sản, người sử dụng lao động nộp hồ sơ theo mẫu (tùy từng trường hợp) gửi theo đường bưu điện tới cơ quan BHXH cơ sở bao gồm: giấy khai sinh hoặc giấy chứng sinh của con; Danh sách theo mẫu C70a-HD do người sử dụng lao động lập (bản chính) theo Quyết định 636/QĐ-BHXH của BHXH Việt Nam; các giấy tờ khác như:
+ Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH đối với trường hợp điều trị ngoại trú, bản chính hoặc bản sao giấy ra viện đối với trường hợp điều trị nội trú (Mẫu giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH C65-HD ban hành kèm theo Thông tư 178/2012/TT-BTC) đối với lao động nữ đi khám thai, sảy thai, nạo, hút thai, thai chết lưu hoặc phá thai bệnh lý, người lao động thực hiện biện pháp tránh thai theo quy định;
+ Giấy chứng nhận nuôi con nuôi đối với người lao động nhận nuôi con nuôi;
+ Bản sao giấy chứng tử của con trong trường hợp con chết, bản sao giấy chứng tử của mẹ trong trường hợp sau khi sinh con mà mẹ chết; trích sao hồ sơ bệnh án hoặc giấy ra viện của người mẹ trong trường hợp con chết sau khi sinh mà chưa được cấp giấy chứng sinh đối với trường hợp con chết hoặc mẹ chết;
+ Giấy xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền về tình trạng người mẹ sau khi sinh con mà không còn đủ sức khỏe để chăm sóc con; Giấy xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền về việc lao động nữ phải nghỉ việc để dưỡng thai, đối với trường hợp nghỉ dưỡng sức;
– Cơ quan BHXH tiếp nhận hồ sơ và lưu trữ, trong vòng 10 ngày kể từ khi người lao động đi làm trở lại, cơ quan BHXH sẽ giải quyết và tổ chức chi trả tiền thai sản cho người lao động. Trường hợp không giải quyết thì trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Trên đây là lợi ích của việc tham gia BHXH trong trường hợp người đóng BHXH mang thai, sinh con. Có thể thấy BHXH đã bù đắp một phần thu nhập của người lao động đã bị giảm hoặc mất trong thời gian phải nghỉ việc. Ngoài việc nhận được trợ cấp ngắn hạn như ốm đau, thai sản, tại nạn nghề nghiệp, người tham gia BHXH đầy đủ liên tục khi còn trẻ sẽ được hưởng lương hưu khi về già (tiêu chuẩn là 20 năm), nhằm đảm bảo và ổn định cuộc sống lâu dài của người lao động khi hết tuổi lao động, tuổi cao, sức yếu không còn đủ sức khỏe để tạo ra thu nhập nhưng vẫn có được một khoản thu nhập từ lương hưu; khi từ trần, thân nhân của họ còn được hưởng trợ cấp mai táng, trợ cấp tuất hàng tháng hoặc trợ cấp tuất một lần.
Đối với người lao động làm việc trong doanh nghiệp, tham gia BHXH là bắt buộc theo quy định của pháp luật, nhưng đối với người lao động tự do thì việc tham gia BHXH tự nguyện cũng cần thiết, bởi lẽ người tham gia BHXH sẽ nhận được chế độ bảo hiểm hưu trí và tử tuất giống như đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, mặc dù số tiền đó không nhiêu cũng cũng coi là một sự đảm bảo của họ khi về già. Tuy nhiên, để khuyến khích người lao động tự do tham gia BHXH tự nguyện, nhà nước nên mở rộng chế độ BHXH tự nguyên vì người dân rất quan tâm đến các chế độ hưởng ngắn hạn như ốm đau, thai sản trong khi BHXH tự nguyện chỉ quy định 2 chế độ hưởng dài hạn là hưu trí và tử tuất. Có thể nói việc quy định và tổ chức thực hiện BHXH là một chính sách nhân văn, thể hiện sự quan tâm đến đời sống người dân lao động. Nhu cầu được hỗ trợ khi gặp khó khăn và chăm lo cuộc sống khi hết tuổi lao động là cần thiết và chính đáng đối với tất cả mọi người, không phân biệt giới tính, dân tộc hay nơi cư trú.
Nguyễn Thị Thu Hà, Email nguyenha631@gmail.com, SĐT 0372306482