Pháp luật quy định, người sử dụng lao động bắt buộc phải tham gia BHXH, BHYT…. cho người lao động. Tuy nhiên không ít công ty, doanh nghiệp lợi dụng tình trạng dịch bệnh để trốn đóng BHXH cho NLĐ dẫn đến quyền lợi của họ bị ảnh hưởng và trong trường hợp không thực hiện đúng quy định, doanh nghiệp bị xử lý như thế nào?
1. QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT VỀ BHXH
1.1. Quy định của pháp luật về mức đóng BHXH
Quyết định 959/QĐ-BHXH đã quy định về mức đóng BHXH cụ thể như sau:
– Mức đóng BHXH 26%, trong đó: NLĐ đóng 8%, đơn vị đóng 18%. 18% đơn vị đóng bao gồm: 3% vào quỹ ốm đau và thai sản; 1% vào quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; 14% vào quỹ hưu trí và tử tuất.
– Mức đóng bảo hiểm y tế 4,5% trong đó: NLĐ đóng 1,5%, đơn vị đóng 3%.
– Mức đóng bảo hiểm thất nghiệp 2% trong đó NLĐ đóng 1%, đơn vị đóng 1%
Căn cứ vào Quyết định 595/QĐ-BHXH năm 2017, Nghị định 58/2020/NĐ-CP, Nghị quyết 68/NQ-CP năm 2021, Nghị quyết 116/NQ-CP năm 2021, từ ngày 01/7/2022 – 30/9/2022: mức đóng của NSDLD là 20,5%, NLĐ phải đóng là 10,5%, đến 01/10/2022 thì mức đóng của NSDLD tăng lên 21,5%.
Riêng đối với doanh nghiệp hoạt động trong các ngành nghề có nguy cơ cao về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp sẽ được giảm so với mức đóng ở trên là 0,3 % nếu có văn bản đề nghị và được Bộ lao động – thương binh và xã hội chấp thuận
1.2. Tiền lương tính BHXH thay đổi như thế nào khi mức lương tối thiểu vùng tăng thêm 6% từ ngày 01/07/2022.
Theo quy định tại Khoản 2 Điều 89 Luật bảo hiểm xã hội, tiền lương đóng BHXH là mức lương, phụ cấp lương, các khoản bổ sung khác theo quy định của pháp luật về lao động.
Quyết định 595/QĐ-BHXH quy định mức lương tháng đóng BHXH không được thấp hơn lương tối thiểu vùng. Vì vậy, mức lương tối thiểu vùng tăng sẽ kéo mức lương tháng đóng BHXH cũng sẽ tăng theo, đồng nghĩa với mức hưởng BHXH và lương hưu sẽ cao hơn. Mức lương đóng BHXH tối đa bằng 20 tháng lương cơ sở (1,49 triệu đồng/tháng)
1.3. Khi nào NSDLĐ bị tính lãi khi chậm đóng BHXH cho cơ quan BHXH?
Căn cứ vào Khoản 3 Điều 122 Luật BHXH năm 2014; Khoản 2 Điều 18 Nghị định số 115/2015/NĐ-CP ngày 11/11/2015, NSDLĐ có hành vi trốn đóng, chậm đóng BHXH bắt buộc, BHTN từ 30 ngày trở lên thì ngoài việc phải đóng đủ số tiền chưa đóng, chậm đóng và bị xử lý theo quy định của pháp luật, còn phải nộp số tiền lãi bằng 2 lần mức lãi suất đầu tư quỹ BHXH bình quân của năm trước liền kề tính trên số tiền, thời gian chậm đóng.
1.4. Doanh nghiệp nợ hoặc trốn BHXH sẽ bị xử lý như thế nào?
Hành vi trốn đóng BHXH là hành vi bị nghiêm cấm được quy định tại Điều 17 Luật BHXH 2014, tùy vào tính chất và mức độ vi phạm, công ty có thể bị xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự.
Về xử phạt vi phạm hành chính, theo quy định tại điểm a khoản 7 Nghị định 12/2022/NĐ-CP, doanh nghiệp có hành vi trốn đóng BHXH bắt buộc có thể: Bị phạt tiền từ 50 – 75 triệu đồng; Bị buộc phải đóng đủ số tiền BHXH bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp phải đóng cho cơ quan BHXH; Bị buộc nộp khoản tiền lãi bằng 02 lần mức lãi suất đầu tư quỹ BHXH bình quân của năm trước liền kề tính trên số tiền, thời gian trốn đóng.
Về chế tài hình sự, theo quy định tại Điều 216 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi bổ sung 2017) về tội trốn đóng BHXH, mức phạt tiền cao nhất đối với tội này có thể lên đến 1 tỉ đồng hoặc phạt tù lên đến 7 năm. Ngoài ra, có thể bị áp dụng hình phạt tiền bổ sung lên đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề, hoặc công việc nhất định lên đến 5 năm. Ngoài các chế tài nêu trên, doanh nghiệp còn bị truy nộp số tiền BHXH phải đóng và buộc nộp số tiền lãi tính trên số tiền, thời gian trốn đóng.
1.5.Thủ tục khởi kiện tại tòa khi NSDLĐ trốn trách trách nhiệm đóng BHXH
Khi phát hiện công ty không đóng BHXH NSDLĐ có thể khiếu nại tới Ban Giám đốc Công ty, tổ chức công đoàn Công ty, trường hợp Công ty cố tình chây ỳ không nộp tiền, NLĐ có thể kiến nghị đến cơ quan BHXH nơi đơn vị bạn tham gia đóng; Thanh tra Sở Lao động – Thương binh và Xã hội trên địa bàn hoặc khởi kiện Công ty ra Tòa án nhân dân cấp huyện nơi Công ty có trụ sở để yêu cầu giải quyết.
Thủ tục khởi kiện như sau:
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ khởi kiện, trong đơn khởi kiện phải có đầy đủ những nội dung chính được quy định tại khoản 4 Điều 189 Bộ luật tố tụng dân sự 2015, cụ thể:
– Ngày, tháng, năm làm đơn khởi kiện;
– Tên Tòa án nhận đơn khởi kiện;
– Tên, nơi cư trú, làm việc của người khởi kiện;
– Tên, nơi cư trú, làm việc của người có quyền và lợi ích được bảo vệ;
– Tên, nơi cư trú, làm việc của người bị kiện;
– Tên, nơi cư trú, làm việc của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan;
– Quyền, lợi ích hợp pháp của người khởi kiện bị xâm phạm; những vấn đề cụ thể yêu cầu Tòa án giải quyết đối với người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan;
– Họ, tên, địa chỉ của người làm chứng (nếu có);
Kèm theo danh mục tài liệu, chứng cứ chứng minh cho yêu cầu của người khởi kiện.
Bước 2: Nộp hồ sơ tại Toà án có thẩm quyền giải quyết, trong trường hợp này là Tòa án nhân dân cấp huyện nơi bị đơn cư trú và làm việc. Trong thời hạn 08 ngày làm việc, kể từ ngày thụ lý, Tòa án phải xem xét đơn khởi kiện, nếu đủ yêu cầu sẽ tiến hành thụ ký vụ án. Thẩm phán sẽ thụ lý vụ án sau khi người khởi kiện đã nộp đầy đủ tiền tạm ứng án phí.
2. LUẬT SƯ GIẢI ĐÁP VỀ CHÍNH SÁCH BHXH CHO NLĐ
- Anh Hà Văn Thắng ở thành phố Hồ Chí Minh hỏi Luật sư với nội dung như sau:
Do dịch Covid – 19 nên công ty tôi kinh doanh thua lỗ và đã tạm ngừng kinh doanh từ tháng 4/2021, được Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp Giấy xác nhận doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh. Công ty đã thông báo đến cơ quan BHXH, đã làm thủ tục giảm hết lao động đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp. Do công ty gặp rất nhiều khó khăn, không đủ tiềm lực tài chính để nộp hết số tiền còn nợ, đang tìm hướng khắc phục khó khăn để nộp hết số nợ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp nhằm giải quyết chế độ cho NLĐ. Vậy, trong thời gian tạm ngừng kinh doanh công ty có phải nộp tiền lãi phát sinh không?
LS trả lời:
Đối với trường hợp này của anh vẫn có trách nhiệm phải nộp tiền lãi phát sinh trong thời gian tạm ngừng kinh doanh, bởi lẽ:
Theo quy định tại Khoản 3 Điều 122 Luật BHXH 2014; Khoản 3 Điều 49 Luật BHYT sửa đổi, bổ sung năm 2014, đối với số tiền nợ BHXH, BHYT, BHTN từ 30 ngày trở lên trước thời điểm Công ty tạm ngừng kinh doanh thì ngoài việc phải đóng số tiền nợ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp và lãi chậm đóng, Công ty còn phải nộp số tiền lãi tính trên số tiền, thời gian chậm đóng theo quy định.
Tại Điểm 1.4, Khoản 1, Điều 40 của Quyết định 959 ngày 9/9/2015 của BHXH Việt Nam hướng dẫn chốt số tiền phải đóng và tiền lãi chậm đóng đến thời điểm đơn vị ngừng hoạt động đối với các trường hợp “đơn vị có chủ là người nước ngoài bỏ trốn khỏi Việt Nam; đơn vị không hoạt động, không có người quản lý, điều hành”, không thể liên hệ để thu hồi tiền nợ BHXH thì cơ quan BHXH tạm thời chốt số tiền phải đóng và tiền lãi chậm đóng đến thời điểm đơn vị ngừng hoạt động; sau khi đơn vị nộp tiền thì ngoài số tiền nợ và lãi đã được chốt, cơ quan BHXH tính, thu tiền lãi chậm đóng bổ sung từ ngày chốt số tiền BHXH phải đóng nêu trên theo đúng quy định của pháp luật.
Như vậy, doanh nghiệp của anh vẫn phải nộp tiền lãi phát sinh cho thời gian còn nợ BHXH, BHYT, BHTN cho những tháng còn nợ cho tới thời điểm nộp cho cơ quan BHXH.
- Chị Trịnh Thị Hoàn ở thành phố Hà Nội nêu băn khoăn như sau:
Tôi làm việc cho một doanh nghiệp của Hàn Quốc. Hơn 1 năm nay, doanh nghiệp nợ BHXH. Từ tháng 4 tới nay, ông chủ đã bỏ trốn. Vậy NLĐ có thể tự làm thủ tục để chốt sổ BHXH không? Nếu được thì thủ tục làm ở đâu và cần chuẩn bị những giấy tờ gì?
LS trả lời:
Trường hợp của chị Hoàn, do ông chủ đã bỏ trốn nên chị có thể tự làm thủ tục để chốt sổ BHXH. Cụ thể, khoản 3, Điều 18 Nghị định số 115/2015/NĐ-CP quy định: “NSDLĐ có trách nhiệm đóng đủ BHXH, BH thất nghiệp, bao gồm cả tiền lãi chậm đóng theo quy định đối với NLĐ đủ điều kiện hưởng BHXH hoặc chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc để kịp thời giải quyết chế độ BHXH, BH thất nghiệp cho NLĐ”.
Tuy nhiên, do chủ sử dụng lao động của công ty đã bỏ trốn, vì vậy cơ quan BHXH thực hiện xác nhận thời gian đóng BHXH trên sổ BHXH của NLĐ đến thời điểm đơn vị đã đóng BHXH, BH thất nghiệp để NLĐ kịp thời giải quyết các chế độ BHXH, BH thất nghiệp.
Do đó, chị Hoàn có thể liên hệ với cơ quan BHXH nơi đơn vị đăng ký đóng BHXH để được hướng dẫn lập hồ sơ đề nghị xác nhận thời gian đóng BHXH, BH thất nghiệp trên sổ BHXH.
- Chị Trần Thị Hương ở huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang gửi khách mời câu hỏi như sau: Khi đăng ký với cơ quan BHXH, doanh nghiệp của tôi đã chọn hình thức đóng BHXH hằng tháng. Ngày 01/10/2021, doanh nghiệp tôi nộp tiền đóng các loại bảo hiểm bắt buộc của tháng 09/2021. Như vậy doanh nghiệp tôi chậm nộp là 29 ngày tiền BHXH thì có bị tính lãi chậm nộp số tiền các loại BHXH bắt buộc không?
LS trả lời:
Trường hợp nêu trên số ngày chậm nộp tiền BHXH là 29 ngày, cho nên doanh nghiệp của chị không phải nộp tiền lãi chậm trả. Bởi căn cứ vào khoản 3 Điều 122 Luật BHXH năm 2014; khoản 28 Điều 1 Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật BHYT năm 2014; khoản 3 Quyết định số 60/2015/QĐ-TTg, NSDLĐ có hành vi trốn đóng, chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN từ 30 ngày trở lên thì ngoài việc phải đóng đủ số tiền chưa đóng, chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN và bị xử lý theo quy định của pháp luật, còn phải nộp số tiền lãi BHXH, BHYT, BHTN tính trên số tiền và thời gian chậm đóng.
Vì vậy, trường hợp doanh nghiệp của chị mới chậm nộp đóng BHXH, BHYT, BHTN trong thời gian dưới 30 ngày, do đó không phải nộp tiền lãi chậm đóng theo quy định.
- Xin chào Luật sư, tôi làm chính thức tại công ty TNHH du lịch ACT và đóng BHXH từ tháng 7/2016. Đến tháng 3/2020, do ảnh hưởng dịch Covid nên công ty tạm thời đóng cửa, chỉ còn vài nhân viên đi làm, trong đó có tôi. Đến tháng 4/2021, công ty chính thức tạm dừng hoạt động và cho toàn bộ người lao động nghỉ việc. Trong thời gian này do khó khăn nên tôi có làm thủ tục để nhận BH thất nghiệp, thì mới biết rằng từ tháng 03/2020 đến khi dừng hoạt động, hàng tháng công ty vẫn trừ tiền BHXH, BHYT, BH thất nghiệp của nhân viên nhưng lại không đóng BHXH. Vì vậy tôi có yêu cầu công ty thanh toán công nợ này để tôi được chốt sổ, nhưng do khó khăn tài chính nên công ty không thực hiện được. Vậy nếu bây giờ tôi qua công ty mới làm, nhưng sau này công ty cũ không thanh toán tiền nợ BHXH của tôi, tôi sẽ bị mất hoàn toàn BHXH đã đóng có đúng hay không?
LS trả lời:
Trường hợp của bạn sẽ không bị mất tiền BHXH đã đóng. Vì căn cứ theo quy định Điểm 1.2 Khoản 72 Điều 1 của Quyết định 505/QĐ-BHXH năm 2020 sửa đổi, bổ sung quyết định số 595/QĐ – BHXH, đối với đơn vị nợ tiền đóng BHXH, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
Nếu NLĐ đủ điều kiện hưởng BHXH hoặc chấm dứt HĐLĐ, hợp đồng làm việc thì đơn vị có trách nhiệm đóng đủ BHXH, BHTN, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp bao gồm cả tiền lãi chậm đóng theo quy định, cơ quan BHXH xác nhận sổ BHXH để kịp thời giải quyết chế độ BHXH, bảo hiểm thất nghiệp cho NLĐ.
Trường hợp đơn vị chưa đóng đủ thì xác nhận sổ BHXH đến thời điểm đã đóng BHXH, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Sau khi thu hồi được số tiền đơn vị còn nợ thì xác nhận bổ sung trên sổ BHXH. Như vậy, NLĐ vẫn có thể được chốt sổ bảo hiểm khi doanh nghiệp nợ tiền đóng BHXH.
Trên đây là một số nội dung về các quy định của BHXH liên quan đến mức đóng và việc xử lý đối với những cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm quy định BHXH.
Theo dõi Văn Phòng Luật Sư Đồng Đội TẠI :
Website: https://dongdoilaw.vn/
Facebook: https://www.facebook.com/dongdoilaw
Youtube: https://www.youtube.com/…/V%C4%83nph%C3%B2nglu…/videos
Tiktok: https://www.tiktok.com/@vpls_dongdoi
Trụ sở văn phòng: P2708, Tòa nhà VP3 Bán đảo Linh Đàm, Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội