Thay đổi họ tên cho con sau khi ly hôn
Ngày nay, tình trạng ly hôn ở Việt Nam ngày càng gia tăng đáng kể, do cuộc sống gia đình không hạnh phúc, mâu thuẫn gia đình hay do người chồng tệ bạc, bạo lực nên sau khi ly hôn rất nhiều người có nguyện vọng thay đổi họ cho con.
Trên thực tế, việc thay đổi họ cho con sau khi ly hôn thường xảy ra trong trường hợp con mang họ của người cha. Sau khi vợ chồng ly hôn, quan hệ hôn nhân giữa hai người chấm dứt và người vợ giành được quyền nuôi con nên người vợ thường muốn đổi họ cho con nhằm cắt đứt quan hệ với chồng cũ.
Theo quy định của Pháp luật hiện hành, mọi cá nhân đều có quyền có họ tên, và họ tên được xác định dựa vào họ tên trên giấy khai sinh của cá nhân đó. Vì nhiều lý do khác nhau, nếu cá nhân ấy muốn thay đổi họ tên, thì vẫn được chấp nhận và Pháp luật cũng có quy định rất rõ các trường hợp cụ thể được phép thay đổi họ tên.
Theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 27 Bộ luật Dân sự 2015
“1. Cá nhân có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận việc thay đổi họ trong trường hợp sau đây:
d) Thay đổi họ cho con theo yêu cầu của cha đẻ, mẹ đẻ hoặc của con khi xác định cha, mẹ cho con;”
và “Việc thay đổi họ cho người từ đủ chín tuổi trở lên phải có sự đồng ý của người đó.”
Như vậy, cha hoặc mẹ có quyền yêu cầu thay đổi họ cho con sau khi ly hôn nếu lý do thay đổi là chính đáng, đặc biệt là vì quyền và lợi ích hợp pháp của con, đồng thời có sự đồng ý của con nếu con đủ 9 tuổi trở lên.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 88 Luật Hôn nhân gia đình 2014 thì “Con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân hoặc do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân là con chung của vợ chồng”. Như vậy có nghĩa là cả hai vợ chồng đều có quyền và nghĩa vụ đối với con cái của mình dù cho đó là trong trường hợp quan hệ hôn nhân chấm dứt.
Nếu cha hoặc mẹ muốn thay đổi họ cho con sau khi ly hôn phải có sự đồng thuận của cả hai bên và trong trường hợp con từ 9 tuổi trở lên, cần có sự đồng ý của con về việc thay đổi này.
Thủ tục thực hiện việc thay đổi họ cho con sau khi ly hôn
a. Cơ quan thẩm quyền giải quyết việc thay đổi họ cho con sau khi ly hôn
Cơ quan thẩm quyền giải quyết việc thay đổi họ cho con là Ủy ban nhân dân. Trong đó:
Ủy ban nhân dân cấp xã giải quyết việc thay đổi, cải chính hộ tịch cho người dưới 14 tuổi.
Ủy ban nhân dân cấp huyện giải quyết việc thay đổi, cả chính hộ tịch cho người từ đủ 14 tuổi trở lên.
Như vậy, tùy độ tuổi của con mà cha mẹ sẽ nộp hồ sơ tại Ủy ban nhân dân cấp huyện hoặc xã.
b. Thời hạn giải quyết hồ sơ thay đổi họ cho con sau khi ly hôn
Trong 3 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, Phòng Tư pháp sẽ ghi vào sổ đã đăng ký khai sinh trước đây quyết định về việc thay đổi họ tên. Trường hợp cần phải xác minh, thời hạn giải quyết chỉ được thêm không quá 5 ngày.
c. Hồ sơ thay đổi họ cho con sau khi ly hôn
Khi thay đổi họ cho con, vợ hoặc chồng cần chuẩn bị các giấy tờ sau:
Đơn xin thay đổi, cải chính họ, tên cho con (theo mẫu), nếu con trên 9 tuổi cần có sự đồng ý của con trong tờ khai;
Giấy khai sinh bản chính của con;
Các giấy tờ liên quan để làm căn cứ cho việc thay đổi (chứng minh nhân dân, hộ khẩu,…).
Tuy nhiên, họ tên của mỗi người là tài sản quý giá đầu tiên mà bố mẹ dành cho, phản ánh ít nhiều kỳ vọng, tình thương của cha mẹ đối với đứa con thân yêu của mình. Họ tên thể hiện quan niệm tư tưởng và văn hóa truyền thống của mỗi dân tộc. Tên người là một tổ hợp gồm có tên và họ hợp thành. Họ thuộc về khía cạnh gia đình, còn tên là do bố mẹ hoặc họ hàng thân thuộc đặt cho. Chúng ta thông thường sinh ra đều dùng họ cha, đương nhiên cũng có người lấy họ mẹ, điều này chỉ ra quan hệ huyết thống, quan hệ họ tộc. Người phương Đông, theo quan niệm truyền thống, rất coi trọng sự thịnh vượng của gia tộc, sự phồn vinh của đời sau, sự huy hoàng của tổ tiên. Họ luôn có một ý nghĩa nhất định, nếu kết hợp với cái tên có ý sâu sắc, thì họ và tên sẽ đem lại một ấn tượng khó quên. Bên cạnh đó, theo quan niệm truyền thống, cái tên cũng là sự gửi gắm mơ ước, hy vọng của người cha, người mẹ dành cho con mình. Một cái tên hay, tươi sáng sẽ là sự báo hiệu, sự mở đầu cho một cuộc đời nhiều may mắn, thành công. Đặc biệt trong cuộc sống hiện đại, có một cái tên đẹp cũng là một lợi thế trong giao tiếp.
Hiện nay, đa số các trường hợp người mẹ muốn thay đổi họ, tên cho con là do ý chí cá nhân muốn xóa bỏ đi những tổn thương mà mình đã phải chịu đựng trong hôn nhân, xóa bỏ mối liên hệ giữa người cha với con cái. Điều này là không nên và tình cảm, mối liên hệ giữa cha mẹ và con cái là thiêng liêng, cao quý không chỉ vì thay đổi họ, tên là có thể chấm dứt được. Thay vì để con cái quên đi cội nguồn, huyết thống của mình thì người mẹ hay giáo dục, định hướng con trở thành người có ích cho xã hội, biết phân biệt tốt và xấu. Con cái cần phải nhận được đầy đủ tình cảm của cả cha, mẹ và không ai có quyền cướp đi nó.
Vì vậy không nên thay đổi họ cho con sau khi cha mẹ ly hôn nếu không thực sự cần thiết. Việc thay đổi họ tên cho con không làm chấm dứt các quyền và nghĩa vụ của người cha với con và ngược lại.