Năm 2021 – đầu năm 2022, liên tiếp các vụ bạo hành, đánh đập trẻ em xảy ra, khiến dư luận vô cùng bức xúc, phẫn nộ. Nhưng điều đáng nói hơn cả, các vụ bạo hành trẻ em, xâm hại đến sức khoẻ, thậm chí cả tính mạng của chúng lại xuất phát từ chính hành vi của cha mẹ, những người thân yêu mà trẻ em tin tưởng nhất trong gia đình.
Đó là vụ bé gái 8 tuổi ở TP.HCM bị “dì ghẻ” hành hạ đến chết; vụ bé gái 6 tuổi, ở quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội bị bố đánh đập bằng đũa gỗ, chổi và que tre dẫn đến tử vong. Hay gần nhất là vụ bé gái Đ.N.A. (3 tuổi, trú tại xã Canh Nậu, huyện Thạch Thất) bị người tình của mẹ hành hạ bằng các thủ đoạn như cho uống thuốc trừ sâu, bắt nuốt đinh ốc vít, đánh gãy tay, đóng đinh vào đầu dẫn đến nguy kịch.
Và rồi, như một hệ luỵ tất yếu, làn sóng dư luận lại nổi lên một lần nữa khi biết được thông tin vụ việc một nữ sinh 21 tuổi tại Bà Rịa, Vũng Tàu giết cha đẻ của mình vì thường xuyên bị la mắng suốt thời gian dài.
Vậy lí do gì lí giải cho việc liên tiếp xuất hiện các vụ bạo hành trẻ em trong thời gian qua?
Dưới góc độ Luật sư, có thể thấy rõ, trước khi trở thành nạn nhân trong các vụ án hình sự, hầu hết các đứa trẻ bị bạo hành đều ở trong hoàn cảnh “lời ru chia đôi”, là nạn nhân trực tiếp của các cuộc hôn nhân tan vỡ. Để rồi, khi người cha, người mẹ những đứa trẻ đó đưa chúng đến ở trong một môi trường khác, trong một quan hệ hôn nhân mới – quan hệ hôn nhân “giả nhân ngãi, non vợ chồng”, cuộc sống của chúng sẽ trở thành địa ngục nếu kẻ gá nghĩa đó sinh ra đố kỵ, ích kỷ, máu lạnh, nhẫn tâm. Sâu thẳm trong nội tâm của họ, họ coi con riêng của vợ/chồng/nhân tình của mình như cái gai trong mắt và luôn tìm cách loại bỏ.
Điểm chung trong đặc điểm tâm lý của thủ phạm là sự thoái hoá về đạo đức, nhân cách, lệch lạc trong cách suy nghĩ, ứng xử, tuyệt đối hoá lợi ích cá nhân, sống vị kỷ, hưởng thụ, dùng bạo lực để giải toả bức xúc, coi thường các chuẩn mực pháp luật và đạo đức xã hội đã đặt ra.
Còn đối với trẻ em, vì không có khả năng tự vệ, phản kháng nên chúng buộc phải âm thầm hứng chịu những trận đòi roi, sự tàn bạo, vô nhân tính của người lớn, mặc dù không thể hiểu lí do là gì.
Người liên quan trực tiếp sau hung thủ chắc chắn là người bố, người mẹ của các em. Xét về mặt nào đó, họ cũng chính là thủ phạm tước đoạt đi sức khoẻ, tính mạng, sự an toàn của con trẻ khi thể hiện thái độ thờ ơ trước những an nguy, hạnh phúc của con. Chính những ích kỷ, nhỏ nhen trong suy nghĩ của người lớn đã dẫn đến những bi kịch gia đình, mà người phải chịu tổn thương nhiều và sâu sắc nhất là những đứa con của họ. Nhiều trường hợp, người cha, người mẹ đồng tình với những hành động dã man của người mới chỉ vì họ nghĩ rằng đứa con của mình là một gánh nặng, việc nuôi dưỡng chúng như một nghĩa vụ, chứ không phải là tình cảm gia đình. Cũng có thể họ cho rằng, đứa con như một trở ngại cho hành trình tìm duyên mới, thậm chí còn nhắc họ nhớ về những điều đã qua với người cũ.
Cũng có lúc, việc bạo lực với trẻ nhỏ không chỉ từ quan niệm cổ hủ “thương cho roi cho vọt” mà hơn nữa là, chính người lớn còn đầy rẫy những bất ổn. Họ trút những oán hận, uất ức, sân hận của mình lên những đứa trẻ vô tội với mục đích trả thù, khiến cho đứa trẻ và người cũ phải đau đớn, dày vò đến tột cùng.
Những đứa trẻ mất mạng trong tay tình nhân của bố mẹ chỉ mới là bề nổi. Còn rất nhiều những đứa trẻ khác hằng ngày vẫn đang phải sống trong nguy bị bạo hành, bạo lực, bị hành hạ về thể xác lẫn tinh thần từ mối quan hệ không có sự ràng buộc trách nhiệm pháp lý hôn nhân như vậy.
Nhìn lại thực trạng trẻ em bị bạo hành trong thời gian gần đây, có thể thấy rõ ràng trong thực tế, khi trẻ em bị la mắng, đánh đập thường xuyên hoặc phải chứng kiến, hứng chịu những cuộc cãi vã, đánh đập từ cha mẹ hay những lời nói xúc phạm, lăng mạ người khác sẽ để lại những vết thương, ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý. Rất ít trường hợp, trẻ sẽ có suy nghĩ tích cực và hành động trái với những gì chúng thấy, ngược lại còn thay đổi tính nết, trở nên thô lỗ, nóng nảy, cục cằn và hung bạo thậm chí sẽ học theo hành vi bạo hành đối với người khác.
Cũng không loại trừ trường hợp có những đứa trẻ được sống trong môi trường giáo dục tốt, được phát triển toàn diện, nhưng vì cái tôi cá nhân quá lớn mà nhiều khi chúng quên mất rằng, ngoài những quyền cơ bản mình được hưởng cũng cần thực hiện song hành cả nghĩa vụ. Mặc dù có nhiều cơ hội để tu dưỡng, rèn luyện nhưng vì những ích kỷ, hẹp hòi cá nhân mà chúng lại có những suy nghĩ, hành động lệch lạc, sẵn sàng ra tay với người thân của mình khi cho rằng quyền lợi của mình bị xâm hại.
Qua những vụ án thương tâm, đau xót vừa qua, không khó để chúng ta nhận ra rằng, rất nhiều bi kịch với trẻ nhỏ đến từ mối quan hệ tạm bợ, nhạy cảm của bố/mẹ đẻ sau khi hôn nhân tan vỡ. Các em phải đối mặt với nhiều nguy cơ thiếu an toàn khi sống cùng người tình của bố mẹ hay dì ghẻ, bố dượng.
Xuất phát từ tác động tiêu cực của đời sống, của mạng xã hội mà có nhiều người chọn lối sống không đàng hoàng, có những quan hệ ngoài luồng, không tập trung chăm lo, vun vén cho hạnh phúc gia đình, nuôi dưỡng con cái. Tư tưởng của thế hệ trẻ trong thời đại này cũng “thoáng”, cởi mở hơn trong việc tự do yêu đương, tự do kết hôn – ly hôn, dẫn đến chuyện ở với người này không ổn thì chọn người khác. Nhưng chính suy nghĩ không đầy đủ đó đã dẫn đến việc chọn lầm người sau, để xảy ra nhiều hậu quả đau lòng, bi kịch cho gia đình, xã hội.
Có nhiều khi, chúng ta lên án lối sống của phương tây, chê bai họ xa rời chuẩn mực đạo đức, khi chưa dựng vợ gả chồng thì tự do cặp kè, trải nghiệm nhưng lại chấp nhận, cổ suý sự bồ bịch, quay đi quay về của đàn ông khi có vợ, thậm chí còn có chuyện bi hài đổi vợ hay lấy vợ bạn xảy ra trong xã hội. Vậy những hành vi đó có phải là hành vi vi phạm pháp luật, hay mới chỉ đang bị lên án về mặt đạo đức?
Đứng trước tình trạng này, Toà án khi quyết định công nhận vụ việc ly hôn cần cân nhắc, xem xét kỹ đến mức độ, tính chất mâu thuẫn trong gia đình, đặt lợi ích của những đứa trẻ lên hàng đầu; khuyến khích hoà giải để gia đình đoàn tụ, giải quyết mâu thuẫn và cùng nhau sửa sang, “vá” lại mái ấm gia đình.
Đồng thời, mỗi người khi quyết định bước vào một mối quan hệ mới cần trả lời câu hỏi, mình có đủ khả năng tự chủ, không phụ thuộc vào mối quan hệ đó hay không. Khả năng tự chủ ở đây, trước hết, là phải bảo vệ được con của mình.
Bên cạnh đó, cần phát huy tối đa vai trò của khoa học – xã hội, tiến hành phân tích và đưa ra các định hướng, dự báo tình hình, từ đó xây dựng được những giải pháp, khuyến nghị nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, phòng ngừa, hạn chế tình trạng kết hôn sớm, rồi lại ly hôn ngay với lí do “không hợp” và nạn bạo lực trong gia đình. Cần chú trọng nhiều hơn vào công tác phòng ngừa, ngăn chặn chứ không phải xử lý sau khi có sự việc xảy ra. Điều này không chỉ đặt ra đối với các cơ quan chức năng mà cần có sự chung tay vào cuộc của toàn xã hội để tạo ra môi trường thực sự an toàn cho trẻ em.
Tình yêu là nền tảng của hạnh phúc gia đình, nhưng hạnh phúc đó muốn bền vững phải được bảo vệ bằng đạo đức gia đình. Chính vì thế, trong các gia đình hậu ly hôn, trẻ em gặp rủi ro cao hơn trong các vấn đề liên quan đến bạo lực và xâm hại. Do đó, trước hết, mỗi người làm cha, làm mẹ và những người thân trong gia đình phải là người trực tiếp chăm lo, nuôi dưỡng, bảo vệ cho con, cháu của mình khỏi nạn bạo lực, không thể đổ lỗi cho sự thờ ơ, vô cảm của hàng xóm và những người xung quanh. Kể cả trong trường hợp các em nhỏ không có nguy cơ bị bị bạo lực cũng cần phải quan tâm nhiều hơn bởi các em có nguy cơ gặp rủi ro cao hơn cả về tinh thần và thể chất, nguy cơ bị rối loạn tâm lý và có suy nghĩa, hành động tiêu cực…
Sâu xa hơn, đó là vấn đề đạo đức, giáo dục trong gia đình. Cần phát huy, gìn giữ truyền thống văn hoá gia đình Việt Nam bấy lâu nay: xây dựng gia phong, nề nếp, ông bà cha mẹ nêu gương, con cháu thảo hiền; làm sao để gia đình Việt bền vững trước đại dịch có tên: ly hôn. Chỉ khi làm được điều ấy, thì những ích kỷ, cái tôi cá nhân mới không còn cơ hội gây nên những bất hoà, mâu thuẫn trong gia đình, các em nhỏ cũng không phải chịu đựng những tổn thương sâu sắc về thể chất và tinh thần khi phải chứng kiến, hứng chịu sự bức xúc, nóng nảy và những trận đòn roi của người lớn đối với mình.
Thông tin liên hệ:
Văn phòng luật sư Đồng Đội: P2708, Tòa nhà VP3 Bán đảo Linh Đàm, Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội
Điện thoại: 0936.026.559 – Email: tranxuantien1964@gmail.com
Facebook: https://www.facebook.com/dongdoilaw
Website: https://dongdoilaw.vn