Huyện xử án như đùa.
3 năm ròng kiện tụng, câu chuyện của gia đình ông Nguyễn Văn Thịnh kiện Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chi nhánh Thịnh Long ( sau đây xin phép gọi là Ngân hàng ) trở nên nhập nhằng và bế tắc hơn bao giờ hết khi có sự giải quyết của Tòa án nhân dân huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định
Từ năm 2007 khi gia đình ông Nguyễn Văn Thịnh vay của Ngân hàng 200.000.000VNĐ do đó ông quen biết với anh Phòng ( Phó giám đốc). Năm 2008, anh Phòng và anh Ninh, anh Ninh là bạn của ông Thịnh ở trên thành phố đến mượn sổ đỏ của gia đình ông Thịnh vay tiền Ngân hàng để trả nợ do tàu của anh Ninh gặp sự cố và hứa trong vòng 6 tháng đến 1 năm khi nhận được tiền bảo hiểm sẽ trả ông Thịnh sổ đỏ. Vì tin cán bộ ngân hàng một phần do ông Ninh nhiều lần hỏi vay mượn, cả nể ông Thịnh giao sổ đỏ của gia đình ông tên Phạm Mạnh Hùng cho anh Phòng ngay tai nhà. Sau khi nhận được sổ đỏ, ông Ninh đã trả tiền cho Ngân hàng trong hợp đồng giữa Ngân hàng và ông Thịnh năm 2007 đồng thời vay tiền trên sổ đổ mang tên Nguyễn Văn Thịnh và Phạm Mạnh Hùng. Năm 2008,ngân hàng và ôngNinh lập hồ sơ và nhờ ông Thịnh kí vào hợp đồng để vay tiền. Tin ngân hàng, tin ông Ninh lại thêm hiểu biết pháp luật hạn chế ông Thịnh hoàn toàn không đánh giá hết giá trị pháp lí ràng buộc của hợp đồng lúc bấy giờ đã đặt bút kí vào những chỗ ông Ninh hướng dẫn sẵn . Từ năm 2010 Ngân hàng đôn đốc ông Thịnh trả nợ, năm 2013 Ngân hàng trực tiếp tiến hành kê biên tài sản. Không chấp nhận được quyết định sai trái của Ngân hàng ,ông Thịnh khởi kiện ra tòa, Tòa án nhân dân huyện Hải Hậu thụ lí giải quyết vụ việc.
Để bạn đọc rõ hơn về vụ án : hai hợp đồng tín dụng có chữ kí của ông Thịnh tại Ngân hàng thực chất là hợp đồng vay giữa ông Ninh với Ngân hàng. Ông Ninh lợi dụng niềm tin, nhận thức hạn chế của ông Thịnh, cùng Ngân hàng lập hồ sơ giả để hiện thực hóa việc vay tiền. Ông Ninh là người làm tất cả thủ tục, là người sử dụng tiền vay, tất cả tài sản thế chấp, tài sản bảo lãnh. Ông Thịnh chỉ vì tin người nên kí vào hai hợp đồng tín dụng. Tại sao lại có chuyện Ngân hàng cùng ông Ninh lập hồ sơ giả, bởi lẽ hợp đồng tín dụng của Ngân hàng có quá nhiều sai phạm , sai những cái rất cơ bản, rất quan trọng. Dự án vay thực tế không có thật, tài sản thế chấp không đảm bảo, trình tự thủ tục rất khuất tất, lỗi sai nhỏ có thể xem là cán bộ làm việc cẩu thả nhưng sai từ đầu đến cuối như thế này rõ ràng là cố tình sai.
Hợp đồng tín dụng nhiều lỗ hổng.
Từ khi ông Thịnh nộp đơn khởi kiện những lỗi sai cơ bản của Ngân hàng dần được tiết lộ , trong quá trình thu thập tài liệu, chứng cứ những sai lầm này thật sự khiến chúng tôi ngỡ ngàng.
Tên dự án trong cả hai hợp đồng tín dụng số 8169/HĐTD và số 8252/HĐTD đều có chung mục đích là sửa chữa nâng cấp nhà ở 3 tầng để kinh doanh nhà nghỉ. Trên thưc tế dự án không có thật, gia đình ông Thịnh trước giờ chưa từng kinh doanh nhà nghỉ, ông sinh sống bằng nghề giết mổ lợn và mảnh đất gia đình ông đang ở là nhà mái bằng 1 tầng không hề có nhà 3 tầng như trong hợp đồng đã lập. Số tiền vay trong cả hai hợp đồng lên tới 800.000.000VNĐ đối với hộ gia đình vay vốn là số tiền rất lớn thế nhưng Ngân hàng không hề kiểm tra, đánh giá dự án mà kí ngay vào hợp đồng đồng ý cho vay.
Tại HĐTD số 8169 số tiền vay là 550.000.000VNĐ, tài sản đảm bảo tiền vay là hợp đồng bảo lãnh bằng tài sản người ghi nhận là hộ gia đình bà Nguyễn Thị The nhưng trên thực tế bên bảo lãnh – bà The và bên được bảo lãnh – ông Thịnh trước giờ còn chưa biết mặt nhau, ông Thịnh làm sao biết mảnh đất của bà The hình thù thế nào, diện tích ra sao mà nhờ bảo lãnh. Để đảm bảo cho hợp đồng tín dụng này còn có tài sản thế chấp mang tên Nguyễn Mạnh Hùng đây là mảnh đất trước kia ông Thịnh mua của ông Hùng ,tuy nhiên việc mua bán chỉ có giấy viết tay nên khi anh Ninh lên UBND thị trấn Thinh Long làm hợp đồng thế chấp đã không được chấp nhận cho đăng kí thế chấp.Tài sản thế chấp không được chấp nhận tại sao Ngân hàng vẫn kí cho vay ???
Trong HĐTD số 8252 số tiền vay là 250.000.000 VNĐ tài sản thế chấp là đất của hộ gia đình ông Thịnh đang ở, vấn đề trong hợp đồng thế chấp chỉ có chữ kí của ông Thịnh và vợ ông mà không hề có chữ kí của hai con gái ông đã trên 18 tuổi thế nhưng hợp đồng thế chấp vẫn được Ngân hàng chấp nhận.
Mặt khác, tổng tài sản thế chấp, bảo lãnh tất cả cũng chỉ có giá trị hơn 500.000.000 VNĐ nhưng Ngân hàng lại cho vay số tiền lên đến 800.000.000 VNĐ. Năm 2010 Ngân hàng đã đề nghị ông Thịnh trả nợ, ông Thịnh yêu cầu Ngân hàng cung cấp thông tin , giấy tờ liên quan đến nghĩa vụ của ông nhưng Ngân hàng hết lần này đến lần khác đưa ra lí do từ chối. Đỉnh điểm năm 2013, Ngân hàng trực tiếp tiến hành kê biên tài sản của gia đình ông Thịnh, thậm chí còn yêu cầu ông Thịnh nộp 50.000.000VNĐ để chậm quá trình kê biên tài sản . Việc xử lí tài sản của Ngân hàng sai hoàn toàn trình tự, thủ tục chưa có quyết định của Tòa án đã tự ý tiến hành kê biên đã trực tiếp chiếm hữu trái phép mảnh đất của gia đình ông Thịnh, xâm phạm nghiêm trọng đến quyền tài sản của công dân.
Tòa án Huyện xử như đùa.
Bức xúc với cách làm việc bất chấp của Ngân hàng, ông Thịnh đã có đơn khởi kiện yêu cầu Tòa án huyện Hải Hậu thụ lí giải quyết cụ thể: ông yêu cầu Tòa án huyện hủy bỏ hai hợp đồng tín dụng mang tên ông; hủy quyết định kê biên tài sản của Ngân hàng trả lại sổ đỏ cho gia đình ông ; xác nhận trách nhiệm thanh toán số tiền 800.000.000 VNĐ là của ông Ninh; yêu cầu ngân hàng bồi thường vì đã kê biên tài sản của gia đình ông trái pháp luật khiến ông không thể kinh doanh sản xuất trên đất. Tuy nhiên cách giải quyết án của Tòa án huyện Hải Hậu rất đáng thất vọng bởi vậy nó trở thành đề tài của bài viết hôm nay:“ như một trò đùa.”
Phiên tòa sơ thẩm lần 1 vào ngày 17/3/2014 tuy nhiên cách giải quyết của Tòa khiến chúng tôi không khỏi “ bàng hoàng” bỏ qua yêu cầu, quyền lợi của dân, bỏ qua hết tài liệu chứng cứ Tòa án huyện bác đơn khởi kiện của ông Thịnh . Sau khi Tòa án huyện tuyên bác đơn ông Thịnh kháng cáo, Tòa án nhân dân tỉnh đã xét xử phúc thẩm và kết luận: hủy bản án sơ thẩm , trả hồ sơ đế xét xử lại. Tuy nhiên,5 tháng kể từ khi có kết quả xét xử phúc thẩm của Tòa án tỉnh, ông Thịnh không hề nhận được bất kì thông tin nào từ phía Tòa án huyện . Ông tiếp tục làm đơn gửi các cấp ngành xem xét giải quyết lúc này Tòa án huyện mới gọi ông Thịnh lên làm việc và yêu cầu ông làm đơn khởi kiện lại. Xét thấy , việc Tòa án huyện yêu cầu ông Thịnh làm đơn khởi kiện lại là hoàn toàn trái luật Điều 167, 168 BLTTDS năm 2004 sửa đổi bổ sung năm 2011 ( áp dụng luật theo thời gian vụ án ) Tòa không có quyền yêu cầu nguyên đơn làm lại đơn khởi kiện trong trường hợp vụ án đang xét xử. Tuy nhiên ,Tòa án huyện lại làm trái luật, trái rất cơ bản phải chăng đây là hành động cố tình kéo dài thời gian giải quyết.
Ông Thịnh nộp lại đơn kiện theo yêu cầu của Tòa án huyện từ đầu năm 2015 đến tận tháng 3/2017 vụ án mới được đem ra sơ thẩm lần 2, tuy nhiên kết quả tại phiên sơ thẩm này lại dập tắt niềm tin của ông Thịnh vào cơ quan công quyền – Tòa án huyện Hải Hậu. Tại phiên tòa sơ thẩm lần 2 Luật sư đã cung cấp đầy đủ chứng cứ chứng minh hợp đồng tín dụng vô hiệu: do yếu tố giả tạo, lừa dối; vi phạm quy định của Thống đốc Ngân hàng nhà nước: dự án không có thật; tài sản thế chấp, tài sản bảo lãnh không có giá trị pháp lí. Chứng cứ quá rõ ràng và ông Ninh cũng thừa nhận những hành vi sai trái, lừa dối của mình; đã thừa nhận nghĩa vụ trả nợ, nhưng không hiểu vì lí do gì Tòa án huyện lại phủ nhận toàn bộ chứng cứ, khăng khăng khẳng định ông Thịnh phải thực hiện nghĩa vụ với Ngân hàng. Tòa án huyện chỉ viện dẫn và căn cứ vào hai hợp đồng tín dụng do Ngân hàng và anh Ninh lập mà như chúng tôi đã chứng minh hai hợp đồng tín dụng vô hiệu Tòa hoàn toàn không xem xét chứng cứ của nguyên đơn, không đánh giá và tôn trọng lời khai của các nhân chứng.
Ngân hàng không bao biện được cho hành vi kê biên tài sản của mình nhưng Tòa án vẫn không yêu cầu Ngân hàng khắc phục hậu quả do thực hiện việc kê biên trái pháp luật. Bản án sơ thẩm lần hai Tòa án huyện xử bác hết các yêu cầu của ông Thịnh do vậy : hai hợp đồng tín dụng không hề vô hiệu; ông Nguyễn Văn Thịnh phải thực hiện nghĩa vụ với ngân hàng; yêu cầu Ngân hàng bồi thường do kê biên trái pháp luật của ông Thịnh là không có căn cứ. Quyết định tại phiên tòa sơ thẩm lần hai của Tòa án huyện khiến không chỉ gia đình ông Thịnh mà những người tìm hiểu vụ án vô cùng thất vọng , Tòa án huyện đã bỏ đi đâu hết chứng cứ luật sư đưa ra, lời khai của người liên quan, quy định của pháp luật. Kết quả giải quyết án của Tòa án huyện rất không thuyết phục, không công bằng khiến chúng tôi suy nghĩ Tòa đang cố tình bao che cho hành động của Ngân hàng, coi thường dân, coi thường pháp luật.
Cũng trong phiên sơ thẩm lần hai ý kiến của Ngân hàng khiến chúng tôi vô cùng ngạc nhiên, Ngân hàng tự nguyện đề nghị với Tòa án yêu cầu ông Thịnh chỉ phải thanh toán 670.242.730 VNĐ trong khi số tiền thực của hai hợp đồng là 1.961.658.775 VNĐ bao gồm tiền gốc lãi từ năm 2009. Tòa chấp nhận yêu cầu của Ngân hàng với lí do đây là sự tự nguyện, hợp pháp và cần được chấp nhận. Nợ gần 2 tỷ mà Ngân hàng chỉ yêu cầu trả hơn 600 triệu chuyện trước nay chưa từng có. Ai cũng có thể nhìn ra không phải ngẫu nhiên mà Ngân hàng lại chọn việc chỉ lấy gốc không nhận lãi trong khi ông Thịnh không hề đề nghị, động thái của Ngân hàng quá đỗi lạ lùng. Mặt khác, quá trình tìm hiểu vụ án chúng tôi phát hiện không chỉ riêng hộ gia đình ông Thịnh, Ngân hàng Thịnh Long còn cho vay ẩu, vay bừa rất nhiều hộ gia đình, nảy sinh nhiều sai phạm có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự.
Đã hơn 3 năm kể từ khi Ngân hàng tiến hành kê biên tài sản , gia đình ông Thịnh gặp rất nhiều khó khăn trong sinh hoạt sản xuất cả gia đình ông luôn mong đếm từng ngày trông chờ vào phán quyết công tâm của Tòa . Tuy nhiên, Tòa án huyện không chỉ lần lưỡng mà còn giải quyết án rất bất chấp , rất “ ngược” khiến gia đình ông vô cùng bức xức, mất niềm tin vào cơ quan công quyền. Tham gia giải quyết vụ việc từ năm 2014 nhìn thấy những uất ức của gia đình ông Thịnh, Văn phòng Luât sư Đồng Đội cùng luật sư Mai Văn Lư nguyên là luật sư của VPLS Đồng Đội nay là trưởng Văn phòng Luật sư Tô Lịch luôn nỗ lực giải quyết để đòi quyền lợi ích hợp pháp cho gia đình ông tuy nhiên những nỗ lực của luât sư không được ghi nhận; Tòa án nhân dân huyện Hải Hậu không công bằng, cố tình bao che cho Ngân hàng.
Theo tìm hiểu thông tin được biết, ông Thắng – nguyên Giám đốc Ngân hàng Agribank chi nhánh Thịnh Long ( người phải chịu trách nhiệm về thất thoát nơ của ngân hàng) là cháu của nguyên Bí thư Huyện ủy huyện Hải Hậu và vụ án được thụ lý trước thời điểm bổ nhiệm Chánh án (ông Thẩm phán – Phó Chánh án đang được xem xét đề nghị Chánh án huyện Hải Hậu)
đợi đến khi được bổ nhiệm làm Chánh án thì mới xét xử phải “nể nang” dẫn đến việc xét xử có nhiều sai phạm nghiêm trọng bất chấp pháp luật. Rõ ràng là có dấu hiệu không vô tư khách quan cố tình kéo dài, xét xử không đúng, bất chấp quy định của pháp luật, bênh vực Ngân hàng vì mục đích chính trị lấy lòng cấp ủy chính quyền để được bổ nhiệm Chánh án.
Qua hai lần sơ thẩm một lần xử phúc thẩm có nước mắt ,có uất ức, dư âm còn đó, dân kêu dân khóc kệ dân Tòa giải quyết như vậy không chỉ khiến ông Thịnh mà mọi người thật sự bất bình. Nếu xử án như thế này thì còn đâu niềm tin của dân vào chính quyền còn đâu niềm tin vào công bằng lẽ phải. Phiên toàn phúc thẩm sắp diễn ra, hi vọng Tòa án nhân dân tỉnh Nam Định sẽ có những phán quyết công tâm để đảm bảo quyền lợi cho dân, dẫu chỉ một văn bản nhưng quyết định đến tương lai của một gia đình.
Bài viết này tôi viết một cách khái quát sơ lược nhất, nếu bạn đọc quan tâm chi tiết tôi sẽ trình bày ở những bài viết sau .
Lê Thùy (sinh viên năm 3 ĐHLHN viết sau khi được LS Trần Xuân Tiền hướng dẫn và góp ý)