“Nếu xem giao tiếp trong nghề luật sư là một môn nghệ thuật thì luật sư trở thành một nghệ sỹ trong việc này”. Điều đó lại càng đúng khi các bạn được tham gia buổi chia sẻ trực tuyến về kinh nghiệm, kỹ năng, kiến thức hành nghề của Luật sư Trần Xuân Tiền – Trưởng Văn phòng luật sư Đồng Đội trong việc giải quyết vụ án Hình sự vào tối ngày 29/5/2021. Buổi chia sẻ trao đổi với sự góp mặt của gần 50 học viên tham gia qua Zoom : “LỚP ĐÀO TẠO LUẬT SƯ TỪ XA”.
Luật sư Trần Xuân Tiền từ những vụ việc thực tế cùng với kinh nghiệm hành nghề lâu năm, dày dặn đã mang lại buổi chia sẻ đa chiều, sinh động , hấp dẫn với nhiều cung bậc cảm xúc.
Trước tiên, Luật sư Tiền đưa ra nhận định chung mang tính triết lý sâu sắc: “Nghệ thuật giao tiếp là chìa khóa của mọi Thành công”. Trong bất cứ một ngành nghề hay một lĩnh vực nào, giao tiếp có thể được xem là hoạt động quan trọng nhất. Chúng ta giao tiếp hay truyền thông tin bằng lời nói hàng ngày, mọi lúc, mọi nơi và việc giao tiếp tốt thúc đẩy rất tốt hiệu quả công việc. Trong ngành luật, kỹ năng giao tiếp tốt mang đến cho luật sư một lợi thế trong việc xây dựng lòng tin với khách hàng, với các cơ quan tiến hành tố tụng (Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Toà án).
Kỹ năng giao tiếp quan trọng đến mức mà chính con người chúng ta đẩy kỹ năng này lên thành một nghệ thuật.
Luật sư Tiền nhấn mạnh: “Luật sư phải có kỹ năng giao tiếp hiệu quả”. Kỹ năng giao tiếp được thể hiện qua lời nói, cử chỉ, tác phong hay qua văn bản mang tính pháp lý. Nói tốt là một trong những yêu cầu quan trọng của nghề Luật sư. Một luật sư trong các vụ án hình sự phải biết cách trình bày để các bên, đặc biệt là cơ quan tiến hành tố tụng hiểu rõ ý kiến, quan điểm của mình nhằm bảo vệ quyền và lợi ích tốt nhất cho khách hàng, cho thân chủ. Luật sư nên nói rõ ràng, dùng từ chính xác, trong sáng dễ hiểu, sắc thái nói nên điềm tĩnh, lịch sự và tự tin, “Nói phải đến củ cải cũng phải lắng nghe”.
Ngoài khả năng nói, người luật sư cũng cần sở hữu khả năng viết sắc sảo, tinh tế và mang tính thuyết phục. Trong tranh tụng, luật sư thường xuyên phải trình bày ý kiến của mình bằng văn bản để bày tỏ quan điểm, nêu ý kiến, kiến nghị để cơ quan tiến hành tố tụng hiểu rõ, suy xét nhằm giải quyết vụ việc. Luật sư cần viết rõ ràng, ngắn gọn, súc tích, truyền tải đúng trọng tâm nội dung, quan điểm của mình muốn đề cập trên cơ sở “ thượng tôn pháp luật’ nhưng vẫn khéo léo lấy được sự đồng tình của các cơ quan tiến hành tố tụng, “trong cương có nhu”, “ trong nhu có cương”, “ lạt mềm buộc chặt”, vừa nhân văn, lịch sự, vừa đậm chất văn hóa.
Lồng vào những lý luận pháp lý, Luật sư Tiền đã kể lại kinh nghiệm làm nghề qua các vụ án thực tiễn, vừa nghiêm, vừa nhân văn, vừa chan chứa tình người trong những phiên tòa hình sự. Từ đó, đọng lại trong lòng mỗi học viên những xúc cảm khó quên, mở ra một không gian pháp trường sống động:
Trong phiên tòa hình sự đó có hàng trăm người tham dự, sau khi nghe kiểm sát viên đọc lời luận tội, người ta thấy vị Luật sư với “ Khuôn mặt chữ điền”, phúc hậu, vầng trán cao rộng, thanh thoát, từ tốn đứng lên trình bày quan điểm bào chữa. Với phong cách bình tĩnh tự tin, những luận cứ được luật sư bào chữa bằng giọng nói khúc triết và trôi chảy. Người nghe cảm nhận Luật sư đang đắm mình trong những sự kiện, những tình tiết trong vụ án bằng những thao tác của tư duy phân tích, khái quát, tổng hợp để rút ra kết luận về sự thật và số phận pháp lý của thân chủ. Kết thúc bài bào chữa luật sư cao giọng khẳng định rằng không đủ căn cứ để kết tội bị cáo và đề nghị Hội đồng xét xử tuyên bố bị cáo- thân chủ không phạm tội như cáo trạng Viện kiểm sát truy tố. Đó là lúc luật sư có thể ngẩng cao đầu, tự hào về chính những điều mình đã làm được.
Có thể nói, giai đoạn tranh luận tại phiên tòa giữa kiểm sát viên và người bào chữa là giai đoạn trung tâm thu hút sự chú ý của tất cả những người tham dự phiên tòa và là thời điểm đương sự nhờ luật sư bào chữa, bảo vệ hi vọng những điều tốt đẹp. Nói một cách thực chất hơn thì đây là giai đoạn phản ánh toàn bộ kết quả của quá trình lao động. Luật sư lúc này giống như nhà biên kịch, khi đã nắm trong tay toàn bộ bản chất, diễn biến vụ án, những mâu thuẫn, những căn cứ gỡ tội, hay những tình tiết giảm nhẹ cho thân chủ thì dù phiên tòa có diễn ra theo chiều hướng như thế nào thì vẫn có thể xoay chuyển tình thế, “biến bại thành thắng”, “biến nguy thành cơ”. Để làm được điều đó, luật sư phải tinh nhanh trong việc phát hiện các vấn đề trong diễn biến vụ án tại tòa, khi nghe tòa xét hỏi biết tòa muốn gì, nghe luật sư đối phương xét hỏi hiểu họ định làm gì, khi nghe kiểm sát viên xét hỏi, đoán được quan điểm của họ ra sao. Để rồi khi luật sư đối phương và kiểm sát viên sơ hở là lúc Luật sư tung ra đòn chí mạng, “ đánh phủ đầu”, giành thế thượng phong. Trải qua mỗi một vụ án như thế, luật sư đã tự xây dựng hình ảnh, thương hiệu, tạc dựng lên bức tượng đài vĩ đại của người được mệnh danh “THẦY CÃI”.
Là một Luật sư giỏi, thành công trong nhiều các vụ án hình sự, Luật sư Tiền còn nhắc các bạn học viên, nên đọc trước các án lệ, dự liệu trước kết quả có thể xảy ra của vụ án, để chủ động phương án và trấn an tinh thần cho thân chủ, gia đình thân chủ theo chiều hướng xấu nhất, để giúp thân chủ chuẩn bị tâm thế cho điều xấu hơn có thể xảy ra. Khi đó, luật sư giống như nhà biên kịch trong mỗi vụ án, mà kết quả của vở kịch đã được luật sư xây dựng và dự liệu từ đầu. Lúc này, Luật sư đã chiến thắng, hoàn thành được sứ mệnh hài lòng khách hàng, được cơ quan tố tụng tôn trọng, được đồng nghiệp suy tôn.
Trong mỗi phiên tòa, luật sư phải coi như một trận đánh để tập trung cao nhất từ khâu chuẩn bị đến khi ra trận và cuối cùng đến màn hạ cờ thung dung.
Đó là cuộc đấu tranh pháp lý để bảo vệ công bằng, lẽ phải, có một câu danh ngôn đã nói: “Luật là nghệ thuật của điều thiện và lẽ công bằng”. Chỉ có những vị Luật sư thấu hiểu sự đời, đau với nỗi đau của thân chủ, sống bằng cái tâm và đạo đức của nghề giống như Luật sư Trần Xuân Tiền mới có thể vững vàng trong cuộc chiến Pháp lý vô cùng khó khăn, chông gai đó.
Như chúng ta thấy, trong thực tiễn hành nghề và trong tâm lý chung của xã hội ta hiện nay vẫn còn tồn tại nghi ngại về tác dụng đấu tranh trực tiếp tại phiên tòa của luật sư, coi việc tranh luận chỉ là hình thức kém hiệu quả vì quan niệm : “án bỏ túi”, “án tại hồ sơ”….Do đó, có một số luật sư đã bỏ nghề vì “mất niềm tin vào nền tư pháp” ( Đó là câu chuyện xảy ra thực tế với cuộc đời của Luật sư Lê Văn Hòa). Quan điểm của luật sư Hòa được Luật sư Tiền dẫn ra, chia sẻ rất khéo léo khiến những bạn trẻ yêu luật có niềm tin và tình yêu hơn với nghề luật sư, có cái nhìn và hướng đi chuẩn xác hơn. Nhìn lại suốt chiều dài của nền tư pháp Việt Nam, trong rất nhiều năm nay, rất nhiều các vụ án mà tưởng chừng như không thể giải quyết được vì những người phạm tội là những kẻ “ Quyền cao chức trọng”, nhưng rồi cũng phải được “đưa vào lò”, mà giờ người ta hay ví: “ Lò của Bác Trọng” (Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng), như vụ án Đinh La Thăng và những đồng phạm phạm tội: “ Cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và “ Tham ô tài sản” xảy ra tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam; hay Vụ án Phan Văn Vĩnh (nguyên Trung tướng, Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát), Nguyễn Thanh Hóa (nguyên Thiếu tướng, Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao), Nguyễn Văn Dương và đồng phạm phạm tội “Sử dụng mạng Internet thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản”, “Tổ chức đánh bạc”,“Đánh bạc”, “Mua bán trái phép hóa đơn”, “Rửa tiền”, “Đưa hối lộ” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”….Như vậy, Luật sư Tiền đã nhấn mạnh và khẳng định, nền tư pháp nước nhà đã và đang từng bước được xây dựng và củng cố với những bước tiến vượt bậc, tạo dựng niềm tin vững chắc cho các bạn trẻ vào công lý, công bằng và có niềm tin tuyệt đối vào nền tư pháp nước nhà.
Để thành công trong những vụ án hình sự đó, người Luật sư, đặc biệt là những bạn luật sư trẻ cần phải có một phong cách bình tĩnh tự tin, đó là những gì mà Luật sư Tiền khẳng định.
Phong cách của luật sư được thể hiện qua dấu hiệu bên ngoài như tác phong, vẻ mặt, ánh mắt, cử chỉ, động thái, thái độ…tại phiên tòa, Luật sư phải hết sức tự tin đĩnh đạc tránh lúng túng, tự chủ trong xử lý hồ sơ tài liệu một cách khoa học, tự chủ trình bày bài bào chữa, tác phong thoải mái trong giao lưu, kết hợp một cách nhuần nhuyễn giữa lời nói, động tác, cử chỉ….phong cách bình tĩnh tự tin chỉ có được khi luật sư nắm chắc tài liệu, các sự kiện, tình tiết của vụ án. Muốn vậy, Luật sư phải dày công nghiên cứu hồ sơ, hệ thống hóa rõ ràng những chứng cứ, có phướng án bào chữa rõ ràng, không lấp lửng kiểu nước đôi. Hồ sơ phải được sắp xếp khoa học, có hệ thống, tạo thuận lợi cho việc chứng minh khi bào chữa.
Một điều mà Luật sư Tiền cũng hết sức nhắc nhở mỗi chúng ta là luật sư cần có khả năng đàm phán và thuyết phục. Đàm phán để đôi bên cùng có lợi, thuyết phục để đạt được mục tiêu như ban đầu luật sư dự kiến. Luật sư Tiền cũng đã dẫn ra vụ án: “Giết người cướp tài sản”, khi mâu thuẫn xảy ra trong gia đình người bị hại, người vợ của nạn nhân muốn bị cáo phải “tử hình” “mạng đền mạng”, còn người cha chồng thì muốn xin giảm án cho bị cáo vì nghĩ con mất thì đã mất rồi. Mâu thuẫn lại xảy ra giữa bố chồng và nàng dâu trước sự mất đi của người con- người chồng. Lúc này Luật sư giống như ngọn đèn được thắp sáng dẫn lối cho gia đình bị hại, giải quyết mâu thuẫn, thuyết phục vợ bị hại buông bỏ thù hận, tháo gỡ nút thắt trong lòng và chấp nhận khoản tiền bồi thường thay vì nhận 200.000.000 đồng ( Hai trăm triệu đồng) như bản án sơ thẩm tuyên thì chấp nhận xin giảm án cho bị cáo và nhận số tiền bồi thường lên đến 500.000.000 đồng ( Năm trăm triệu đồng) để có khoản tiền tiết kiệm lo cho tương lai của các con nhỏ. Qua vụ án này, chúng ta thấy nhờ Luật sư mà tình người được thắp sáng, tính nhân đạo, nhân văn được lan tỏa. Thực tế những tình huống như thế rất cần “cái đầu lạnh và trái tim nóng” của luật sư .
Như vậy, thông qua bài giảng Luật sư Tiền còn cho mỗi học viên chúng ta thấy là luật sư cần phải có niềm đam mê và cái tâm trong sáng. Nếu không đam mê điều mình nói thì bài nói đó không có lửa, thiếu sức sống, không có sức truyền cảm với người nghe. Lòng đam mê đem lại cho Luật sư sự hứng thú say sưa, giúp luật sư biết xúc cảm trước nỗi đau của con người.
Người theo nghề Luật sư chỉ có thể thành công khi luật sư thực sự làm chủ được tất cả kỹ năng, trong đó kĩ năng giao tiếp là cực kì quan trọng, có thể nói là yếu tố quyết định sự “sống còn” nhất. Việc hình thành và hoàn thiện các yếu tố kỹ năng đòi hỏi các luật sư cần có một quá trình làm việc, rèn luyện và đúc kết cũng như hoàn thiện qua rất nhiều vụ án, mài dũa qua nhiều năm làm việc và ở người Luật sư này chúng em học được tất cả thứ đó.
Qua việc giảng bài chia sẻ các kiến thức kĩ năng, Luật sư Trần Xuân Tiền- Trưởng Văn phòng luật sư Đồng Đội sẽ tiếp tục trao cơ hội cho các bạn đồng nghiệp có đủ Đức đủ Tài đến văn phòng làm việc, các em sinh viên có niềm đam mê và mong muốn khát khao trở thành những Luật sư giỏi thực thụ đến văn phòng học việc. Đặc biệt hơn, Văn Phòng Luật sư Đồng Đội thông qua những buổi trao đổi như này sẽ tìm ra các đối tác ở các tỉnh cùng nhau phát triển sự nghiệp giúp dân, giúp đời!
Qua hai tiếng đồng hồ, điều mà những học viên như chúng em nhận được không chỉ là kiến thức, là kỹ năng mà còn học hỏi được tâm thế, phong thái độc lập của một vị Thầy- Luật sư Trần Xuân Tiền với sự hội tụ đầy đủ Tâm- Tầm – Tài khi giải quyết án hình sự nói riêng cũng như sự yêu nghề, nhiệt huyết đối với tất cả những vụ án nói chung.
Kết thúc buổi học là những lời cảm ơn và chia sẻ chân thành từ mỗi bạn học viên: “Cháu cảm ơn Chú về buổi học rất bổ ích ngày hôm nay ạ. Chú chia sẻ rất nhiệt tình và tâm huyết ạ, cháu cũng rất mong được tham gia nhiều hơn các buổi chia sẻ từ chú ạ!” “Cháu cảm ơn Chú về buổi học rất bổ ích ngày hôm nay ạ. Chú chia sẻ rất nhiệt tình và tâm huyết ạ, cháu cũng rất mong được tham gia nhiều hơn các buổi chia sẻ từ chú ạ!”….đó là những tình cảm chân thành, những lời nói xuất phát từ trái tim của mỗi bạn học viên, trong đó có cả em.
Thay mặt cho toàn bộ các bạn học viên, em trân trọng gửi lời biết ơn sâu sắc tới Thầy- Luật sư Trần Xuân Tiền – Trưởng Văn Phòng Luật sư Đồng Đội. Thực sự chúng em rất hào hứng, mong đợi những buổi chia sẻ tiếp theo của Thầy. Kính chúc Thầy cùng toàn thể gia đình luôn Mạnh Khỏe- Hạnh Phúc- Thành Công!!
— NGÔ THỊ LÊ—