Nếu như kết hôn là sự xác lập quan hệ vợ chồng của người nam và người nữ theo quy định của pháp luật thì ly hôn là sự chấm dứt mối quan hệ đó. Gia đình vốn là “tế bào của xã hội”, quan hệ hôn nhân không phải là vấn đề cá nhân mà còn là vấn đề xã hội. Khi mà tỷ lệ ly hôn quá cao và ngày càng tăng thì ly hôn không còn là chuyện của hai người mà trở thành hiện tượng xã hội
Ly hôn – muôn vàn lý do….
Ông bà ta có câu: “Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”, mỗi cặp vợ chồng quyết định ly hôn cũng xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Nhưng có thể dễ dàng “nhận dạng” một số nguyên nhân cơ bản sau:
- Trước hết, phải kể tới nguyên nhân bạo hành gia đình, 65 -75% số vụ ly hôn có nguyên nhân bị ngược đãi. Đó là con số đáng giật mình mà hội nghị về “Bạo hành trong gia đình và quyền phụ nữ” đưa ra. Trong những gia đình này, ban đầu nạn nhân của bạo lực gia đình (hầu hết là người vợ) không nghĩ và tính đến việc ly hôn. Họ có xu hướng chịu đựng để gia đình đoàn tụ, con cái có cả bố và mẹ. Tuy nhiên, xung đột, bạo lực triền miên năm này qua năm khác khiến họ không thể cam chịu được nữa và tìm tới ly hôn như là một giải pháp giải phóng chính bản thân họ và con cái họ. Trong trường hợp này, ly hôn có lẽ là quyết định đúng đắn để người phụ nữ bảo vệ mình, làm lại một cuộc đời “không còn nắm đấm”.
- Một nguyên nhân khá phổ biến khác khiến nhiều cặp vợ chồng đi đến quyết định ly hôn là ngoại tình. Ngoại tình đồng nghĩa với việc sự chung thủy không còn nữa mà đây lại vốn là một yếu tố đặc biệt quan trọng trong hôn nhân. Khi người vợ (đặc biệt là người chồng) không thể chấp nhận sự phản bội từ phía bạn đời thì ly hôn dường như là điều tất yếu
- Nguyên nhân khiến các cặp vợ chồng ghi trong đơn ly hôn nhiều nhất có lẽ là: không hợp nhau, hay nói cách khác là mâu thuẫn về lối sống. Nguyên nhân này thường thấy nhất ở những cặp vợ chồng trẻ. Thông thường, khi yêu nhau người ta nhìn nhau và nhìn đời qua lăng kính màu hồng. Còn khi đã trở thành vợ chồng, ai nấy đều “trở về” với con người thật của mình, lộ diện đầy đủ cả tốt và xấu. Không biết chấp nhận cái xấu, khó chịu với những khác biệt giữa hai người, ly hôn đương nhiên là điều khó tránh. Nhiều cặp vợ chồng khi cùng chung sống mới chợt nhận ra: “Tôi không ngờ anh ta vô trách nhiệm đến thế”, “tôi không ngờ cô ta vụng như vậy”…Anh V.T.H ngán ngẩm than thở: “Khi yêu nhau tôi đâu có ngờ cô ấy lại vụng về đến thế. Khi lấy nhau thì chao ôi, bữa cơm cô ấy không thèm dọn mâm bát gì hết, đưa cho mỗi người một tô, bỏ chung nào là cá, thịt, rau, mắm… bê lên vừa ăn vừa xem ti vi cho tiện. Hai lần mời bạn đến nhậu tại nhà là hai lần cô ấy làm tôi “mất mặt” với bạn bè. Tôi góp ý thì cô ấy lý luận “ăn uống chỉ là phương tiện, không nên tốn nhiều thời giờ về chuyện đó. Muốn ngon đã có nhà hàng…”. Chuyện thứ hai tôi không thể chấp nhận là nhà cửa bê bối, cần cái gì cũng phải hỏi… Tôi góp ý thì cô ấy biện luận “ở cơ quan đã rất gò bó rồi, về nhà phải được thoải mái”. Cứ giận nhau lại rồi giận nhau tiếp. Tần suất giận nhau cứ dày lên và tôi đành chọn giải pháp chia tay…”.
- Nguyên nhân ly hôn của nhiều cặp vợ chồng trẻ khác lại xuất phát từ chính tình yêu bồng bột và cuộc hôn nhân vội vàng của họ. Đây có lẽ cũng là hệ quả tất yếu của lối sống gấp, sống vội của đại bộ phận giới trẻ. Một cuộc hẹn hò trên mạng, một vài buổi đi chơi, thế là yêu, thế là sống thử và có con rồi vội vàng đăng ký kết hôn… Để rồi chậm thì vài năm, nhanh thì chỉ chưa đầy một năm, họ dẫn nhau ra tòa để ký vào đơn ly hôn, chỉ với những lý do hết sức ngây ngô của những cô cậu… chưa đủ lớn cả về sinh lý và tâm lý. Cô bé 17 tuổi, chót có bầu với bạn trai sau một vài lần quan hệ tình dục không biết cách phòng tránh thai, cậu con trai thì 18 tuổi; họ buộc phải kết hôn. Chưa đủ tuổi làm bố làm mẹ, chưa đủ chín chắn để xây đắp cuộc sống gia đình, người mẹ trẻ không biết chăm con, chăm gia đình, còn “ông bố” vẫn ham chơi, không chịu được cảnh con bồng con bế, thế là chúng ly dị, nhanh chóng và đơn giản. Hôn nhân dường như bị biến thành một trò chơi!
Bên cạnh những nguyên nhân cơ bản và phổ biến trên, còn vô số những nguyên nhân khác dẫn tới ly hôn như: vợ hoặc chồng không thể sinh con; mâu thuẫn với bố mẹ hai bên; tranh cãi về tài chính; không hòa hợp trong đời sống tình dục…và cả hàng nghìn những lý do không thể gọi tên mà chỉ những người “ở trong chăn mới biết chăn có rận”…Thậm chí, mái ấm gia đình đôi khi cũng dễ dàng bị tan vỡ chỉ bởi một câu nói trong lúc bực tức, không thể kiềm chế bản thân: “Chúng ta ly hôn đi”, và người kia cũng vì lòng sĩ diện bị tổn thương mà thẳng tay ký đơn. Những cuộc ly hôn vì những lý do như thế thật sự không đáng!
…Và cũng thật nhiều “hậu quả”
Ai cũng hiểu rằng ly hôn đồng nghĩa với việc hai người không còn duy trì quan hệ vợ chồng, được tự do lựa chọn cuộc sống mới cho mình. Và những “hệ lụy” mà ly hôn đem lại cũng là điều dễ dàng nhận thấy. “Nạn nhân” đầu tiên và bị ảnh hưởng nặng nề nhất từ việc ly hôn chính là những đứa con. Dù ở bất cứ lứa tuổi nào, dù cha mẹ có chia tay nhau trong hoàn cảnh nào thì đứa trẻ cũng bị ảnh hưởng nhất định tới cuộc sống, tâm lý. Theo nghiên cứu của Tiến sĩ Nguyễn Minh Hòa (giảng viên trường đại học KHXH và NV thành phố HCM), trên 70% gia đình trẻ tan vỡ khi đã có con khiến cho mỗi năm có tới 50.000 trẻ em chịu cảnh thiếu cha hoặc mẹ. Và có khoảng 30% trẻ em bỏ nhà đi bụi xuất phát từ những cuộc ly hôn này. Những đứa trẻ lớn lên trong một gia đình bố mẹ chia tay nhau thường bị chấn thương tâm lý rất nặng, nhất là nếu chúng còn nhỏ. Trẻ con không hiểu được, không phân biệt nổi ai đúng, ai sai trong “tai nạn” này. Hậu quả là chúng thường bị mất cân bằng cuộc sống. Đó là chưa kể tới việc sau khi chia tay, vì “ân đoạn nghĩa tuyệt” mà nhiều khi người trong cuộc còn lấy con cái như một “vũ khí” để chống lại người kia bằng cách thường xuyên bịa đặt, nói xấu chồng (vợ) cũ với con.
Một “hậu quả” khác của ly hôn mà chính người trong cuộc hiểu rõ hơn ai hết, đó là “dư chấn tâm lý nặng nề” in hằn trong mỗi người. Không thể phủ nhận ly hôn thực sự là một dấu mốc bi kịch trong cuộc đời ai đó, bởi sau ly hôn, người ta không chỉ phải đối mặt với gánh nặng kinh tế do khối tài sản chung đã chia đôi…, với nỗi lo toan cho con cái, sự trăn trở khi bắt đầu lại cuộc đời mà hơn hết, còn là nỗi buồn, sự hoang mang và nỗi cô đơn đáng sợ. Chị T. Minh (Hải Phòng) chia sẻ: “Sau ly hôn,tinh thần của tôi bị sa sút tột độ. Tôi thường xuyên chán ăn, mất ngủ. Người thân hoặc bạn bè có hỏi về gia đình là tôi tìm cách lảng tránh… Tôi thấy hoảng sợ và hoài nghi với hạnh phúc mịt mờ của bản thân mình. Tôi sợ mình không còn có cơ hội đón nhận một người đàn ông khác? Tôi mất niềm tin ghê gớm vào đàn ông?”. Tâm lý của chị Minh cũng là tâm lý chung của nhiều người phụ nữ sau khi ly hôn, một lần thất bại trong hôn nhân khiến họ mang “hội chứng sợ hôn nhân” ví như con chim sợ cành cong. Từ chỗ ít cơ hội cộng thêm nỗi sợ, sự thất vọng, mất niềm tin vào đàn ông, rất nhiều người phụ nữ đã bỏ qua cơ hội tìm lại hạnh phúc lứa đôi cho phần đời còn lại của mình. Đa số họ lấy công việc và đứa con làm niềm vui, xác định sống vì con. Bên cạnh đó, người đàn ông sau khi chia tay cũng mang một gánh nặng tâm lý không nhỏ. Nhà tâm lý Lê Thu Hiền – Giám đốc Trung tâm tư vấn “Người bạn tri kỷ” cho biết, trong quá trình tư vấn chị đã gặp rất nhiều trường hợp đàn ông rơi vào quẫn trí sau ly hôn, trong khi những tưởng họ là phái mạnh phải cứng rắn hơn phụ nữ rất nhiều. Một lần, một người đàn ông đã gọi cho chị, giọng anh méo mó qua máy: “Chị ơi, vợ chồng tôi ly hôn, vợ tôi mang cả con đi rồi. Tôi chẳng thiết sống nữa”. Trong sự đau khổ tột cùng, người đàn ông này đã muốn lên cầu Thăng Long để tự vẫn. Bằng những “chiêu” tâm lý, phải rất khó khăn thì chị Hiền mới thuyết phục được anh ta từ bỏ ý định chết. Tuy vậy, theo chuyên gia tâm lý, phải cần tới một thời gian rất dài thì anh ta mới có thể vượt qua cú sốc cuộc đời này. Theo một số tài liệu nghiên cứu ở Anh, có đến 90 % đàn ông bị trầm cảm sau ly hôn. Tuy không thể lấy con số ở Anh để tham chiếu ở Việt Nam nhưng không thể phủ nhận ảnh hưởng tâm lý nặng nề của ly hôn đối với người đàn ông. Minh chứng cho điều này, một lần trả lời phỏng vấn trong một chương trình phụ nữ, nam diễn viên Kinh Quốc từng thốt lên rằng ly hôn có thể khiếncho con người tàn phế tâm hồn và sự tàn phế đó là vĩnh viễn.
Tuy nhiên, nhìn nhận vấn đề ly hôn một cách toàn diện nhất, có thể thấy rằng trong nhiều trường hợp ly hôn thực sự là điều cần thiết và quyết định ly hôn là đúng đắn. Đó là khi bạo lực gia đình, ngoại tình triền miên, mâu thuẫn lối sống nặng nề, những cuộc cãi vã đánh đập xảy ra như “cơm bữa”, cuộc sống hàng ngày là sự chì chiết, đay nghiến lẫn nhau…trong những hoàn cảnh này, hôn nhân đã không là mái ấm gia đình mà chỉ là “địa ngục”, “giam hãm” vợ, chồng, con cái trong sự đau khổ, thù hằn, tuyệt vọng…và do đó, ly hôn chính là con đường tốt nhất để giải phóng hai người, để tìm lại sự bình yên, tạo dựng lại hạnh phúc cho bản thân cũng như con cái.
Một lần nữa cần phải khẳng định rằng, ly hôn xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau và cũng để lại nhiều hậu quả cho gia đình và xã hội.Việc ly hôn khi đặt ra dù với nguyên nhân nào, người trong cuộc cũng cần phải bình tĩnh, sáng suốt, cân nhắc kỹ càng để đưa ra quyết định đúng và sau mỗi cuộc ly hôn, cũng chính người trong cuộc phải biết mạnh mẽ, tự đứng dậy để làm lại cuộc đời,tìm lại cho mình niềm tin trong cuộc sống và rằng cuộc sống vẫn đang ở phía trước.
Vũ Thị Ngọc Lan – Luật sư Trần Xuân Tiền