Trong nhóm các tội xâm phạm sở hữu, tội cướp tài sản quy định tại Điều 168 và tội cưỡng đoạt tài sản quy định tại Điều 170 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 (sau đây gọi tắt là BLHS) là hai tội diễn ra khá phổ biến trên thực tế. Vì cùng nằm trong nhóm tội xâm phạm sở hữu, nên tội cướp tài sản và tội cưỡng đoạt tài sản có một số điểm tương đồng, gây ra việc nhầm lẫn trong xác định tội danh giữa hai tội này trong thực tế. Do vậy, việc phân biệt hai tội phạm này là rất cần thiết để tránh tình trạng nhầm lẫn khi áp dụng pháp luật. Bài viết dưới đây sẽ chỉ ra các điểm khác nhau giữa tội cướp tài sản và tội cưỡng đoạt tài sản.
Cùng xâm phạm quan hệ sở hữu, do người phạm tội thực hiện với lỗi cố ý và không cần hậu quả về việc chiếm đoạt tài sản xảy ra, nhưng tội cướp tài sản và tội cưỡng đoạt tài sản có một số điểm khác nhau cơ bản, cụ thể như sau: Theo quy định tại Điều 168 BLHS, hành vi khách quan cấu thành tội cướp tài sản là hành vi dùng vũ lực, hành vi đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản. Như vậy, mức độ nguy hiểm của hành vi khách quan trong cấu thành tội cướp tài sản cao, khiến cho người bị đe dọa lâm vào tình trạng không thể chống cự được ví dụ như hành vi cầm dao kề sát cổ người bị đe dọa để uy hiếp giao tiền. Trong khi đó, hành vi khách quan cấu thành tội cưỡng đoạt tài sản có mức độ nguy hiểm thấp hơn. Bởi theo quy định tại Điều 170 BLHS, hành vi đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc thủ đoạn khác của người phạm tội chỉ làm người bị đe dọa bị uy hiếp tinh thần, họ không lâm vào tình trạng không thể chống cự được. Ví dụ như trường hợp người phạm tội cầm dao và đe dọa người bị hại là nếu không giao tiền thì sẽ đâm người bị hại. Hành vi đe dọa này khiến người bị hại thấy lo sợ nhưng họ vẫn có thể chống cự.
Bên cạnh đó, cùng là đe dọa dùng vũ lực với người bị hại nhưng thời điểm diễn ra hành vi dùng vũ lực không giống nhau giữa hai tội phạm này. Đối với tội cướp tài sản, hành vi dùng vũ lực sẽ xảy ra “ngay tức khắc” tại thời điểm đe dọa nếu người bị hại không giao tài sản. Còn với tội cưỡng đoạt tài sản, hành vi dùng vũ lực “sẽ” xảy ra trong tương lai, không “ngay tức khắc”, không phải tại thời điểm đe dọa. Quá trình diễn ra hành vi dùng vũ lực ở tội cưỡng đoạt tài sản sẽ kéo dài hơn so với tội cướp tài sản, do đó, tính chất nguy hiểm của hành vi đe dọa của tội cưỡng đoạt tài sản cũng thấp hơn tội cướp tài sản.
Chính bởi sự khác nhau về tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi giữa hai tội, mà hình phạt áp dụng với hai tội này cũng khác nhau: tội cướp tài sản có mức hình phạt cao hơn tội cưỡng đoạt tài sản. Cụ thể, theo quy định của pháp luật hiện hành, người phạm tội cướp tài sản có thể bị phạt tù, mức thấp nhất là 03 năm, mức cao nhất là tù chung thân. BLHS hiện hành đã bỏ hình phạt tử hình được quy định trong Bộ luật hình sự năm 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị áp dụng các hình phạt bổ sung theo quy định tại Khoản 6 Điều 168 BLHS như: phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt quản chế, cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản. Còn đối với tội cưỡng đoạt tài sản, người phạm tội có thể bị phạt tù, mức thấp nhất là 01 năm, mức cao nhất là 20 năm tù. Ngoài ra, người phạm tội cũng có thể bị phạt bổ sung với mức phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Trong thực tế áp dụng pháp luật, cơ quan tiến hành tố tụng còn gặp khó khăn trong xác định tội danh của người bị buộc tội giữa tội cướp tài sản hay tội cưỡng đoạt tài sản. Ví dụ như vụ án hình sự xảy ra tại huyện Y, tỉnh B. Bản án sơ thẩm và bản án phúc thẩm đều xác định tội danh của bị cáo là tội cưỡng đoạt tài sản. Vì vậy, Viện kiểm sát có thẩm quyền đã kháng nghị đề nghị xét xử giám đốc thẩm với lý do hành vi phạm tội của bị cáo cấu thành tội cướp tài sản thay vì tội cưỡng đoạt tài sản. Nội dung vụ việc diễn ra như sau:
Anh H. gọi điện cho T. hỏi mua bình khí bóng cười và bảo T. mang đến nhà nghỉ TS để anh H. sử dụng cùng bạn. Sau khi T. mang 08 bình đến địa điểm hẹn trước, anh H xuống quầy lễ tân thanh toán nhưng không có tiền trả. T. đã đe dọa anh H. trả tiền, vì lo sợ, anh H. đã gọi điện thoại cho mẹ mang tiền đến trả. Trước khi mẹ anh H. đến, T. đã có hành vi tát, dùng dép lê bằng nhựa đánh vào mặt, vào đầu của anh H., đồng thời gọi điện cho mẹ anh H. và đe dọa nếu không đem tiền đến thì sẽ không cho anh H. về. Vì lo cho anh H. nên mẹ anh H. mang tiền đến nhà nghỉ trả cho T.
Xét hành vi phạm tội của bị cáo T. trong vụ án trên, T đã có hành vi đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc với anh H., cụ thể là T. sau khi đe dọa đã dùng tay tát vào mặt, dùng dép lê đánh vào đầu của anh H. nhằm chiếm đoạt số tiền 34.700.000 đồng. Hành vi này rõ ràng đã cấu thành tội cướp tài sản theo quy định tại Điều 168 BLHS. Việc Hội đồng xét xử sơ thẩm và phúc thẩm tuyên bị cáo phạm tội cưỡng đoạt tài sản là không hợp lý bởi hành vi dùng vũ lực xảy ra ngay tại thời điểm đe dọa.
Như vậy, qua các phân tích trên, cũng như quá trình giải quyết vụ việc trên thực tế, có thể thấy, giữa hai tội cướp tài sản và tội cưỡng đoạt tài sản, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội là khác nhau, hình phạt được áp dụng để xử phạt cũng khác nhau. Do đó, nếu vội vàng định tội cướp tài sản cho người phạm tội trong khi hành vi của họ chỉ thỏa mãn cấu thành tội cưỡng đoạt tài sản thì sẽ làm xấu đi tình trạng của người bị buộc tội, khiến họ bị định tội không đúng, bị áp mức hình phạt cao hơn. Ngược lại, nếu hành vi phạm tội đủ cấu thành tội cướp tài sản nhưng cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng lại xác định tội danh là tội cưỡng đoạt tài sản sẽ dẫn đến việc xử phạt không nghiêm minh và không đảm bảo được tính răn đe đối với tội phạm.
Chính vì vậy, các cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án cần phải xem xét kỹ các tình tiết của vụ án, đánh giá đúng bản chất hành vi phạm tội để xác định tội danh đúng quy định pháp luật, từ đó tiến hành những thủ tục tố tụng hình sự tiếp theo một cách đúng đắn, góp phần đảm bảo pháp chế xã hội chủ nghĩa, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp cho người bị buộc tội, người bị hại.
Thông tin liên hệ:
Văn phòng luật sư Đồng Đội: P2708, Tòa nhà VP3 Bán đảo Linh Đàm, Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội.
Điện thoại: 0936.026.559 – Email: tranxuantien1964@gmail.com
Website: https://dongdoilaw.vn
Facebook: https://www.facebook.com/dongdoilaw
Youtube: https://www.youtube.com/c/VănphòngluậtsưĐồngĐội
Tiktok: https://www.tiktok.com/@vpls_dongdoi
Người viết: Trần Thị Minh Hạnh
Phùng Thị Phương Thảo
SĐT: 0942237266
Gmail: minhhanh2911@gmail.com