Cuộc sống luôn phức tạp, đa dạng, phong phú vì thế ít ai dám nói trước được điều gì, có những điều ta muốn cũng không được, nhưng có điều ta không hề muốn, không dám muốn nó cũng vẫn cứ đến.
Tình anh em cũng vậy, nói về tình anh em có nhiều cách nói, cách diễn tả rất hay rất sâu đậm: “anh em như thể chân tay” câu ví đó rất sâu sắc, chân tay là bộ phận của cơ thể hoàn thiện mà không thể thiếu bộ phận nào, cái chân, cái tay đều là chi đều có chức năng quan trọng đó là làm việc mà trước hết là tìm cái ăn cái mặc duy trì sự sống cho bản thân sau đó là làm những việc có ích cho xã hội cho anh em gia đình, chân tay nó gần gũi bổ sung cho nhau…
Thật vậy trong cuộc sống anh em lúc khó khăn thì củ khoai củ sắn bẻ đôi, hy sinh cho nhau, chia sẻ với nhau cái vui cái buồn, lúc vui thì thương yêu nhau là vậy nhưng khi mâu thuẫn xích mích, tranh chấp thì gay gắt phức tạp vô cùng, gay gắt vì không chỉ đơn thuần là tranh chấp về tài sản về vật chất mà cái lớn hơn ẩn sau đó là tình cảm huyết thống bị mất, bị tổn thương mà không ai dễ gì mà lấy lại được, sự tổn thương mất mát đó nó chạm vào vấn đề nhạy cảm rất khó xử, chỉ ai nếm mùi đắng cay này mới hiểu căn kẽ và mới dễ cảm thông trong cuộc sống cũng như công việc.
Trong quá trình tham gia trợ giúp pháp lý, ta bắt gặp không ít những vụ việc anh em, bố con, vợ chồng tranh chấp rất đau lòng, có việc thì khó giải quyết lắm nhưng cũng có việc nếu ta quan tâm, tích cực, cảm thông có kinh nghiệm và khéo léo một chút sẽ mang lại tình cảm cho bao gia đình tránh được sự đổ vỡ sự mất mát đớn đau trước hết là cho họ và sau đấy là cho xã hội.
Và đây là một vụ việc chúng tôi suy nghĩ như vậy, chúng tôi đã làm được khi đi tư vấn lưu đông tại cơ sở.
Ngày 28/4/2008 tại buổi trợ giúp pháp lý lưu động tại xã Khánh Trung huyện Yên Khánh, Đoàn trợ giúp pháp lý lưu động được nghe UBND xã báo cáo nhanh tình hình địa phương, có nêu lên một vụ tranh chấp giữa 2 anh em ruột là Nguyễn Kim A và Nguyễn Kim P trú tại thôn 8 xã Khánh Trung.
Đây là một vụ việc rất phức tạp, đã kéo dài và UBND xã đã tổ chức hoà giải nhiều lần mà không thành, không những thế mâu thuẫn đã lan ra cả dòng họ và gây xôn xao trong làng quê nghèo vốn xưa nay vẫn thanh bình, yên ả. Ra Toà thì không ai muốn vì hai ông nay đã ngoài 80 tuổi đời và gần 50 năm tuổi Đảng với lại tài sản có đáng là bao. Chính quyền địa phương rất băn khoăn, rất “ngại dạy” các cụ nhưng cũng rất lo vì cái sảy nảy cái ung, anh em ruột thịt thương yêu nhau là vậy nhưng khi mâu thuẫn thì còn phức tạp hơn người dưng nước lã, nếu giải quyết không khéo, không dứt điểm thì không biết hậu quả xảy ra như thế nào; hai anh em, hai gia đình có nhiều thế hệ cùng chung sống ở giáp cạnh nhau với nhận thức chênh lệch, quan điểm sống khác nhau, vợ con cháu chắt dễ lời qua tiếng lại nên đánh chửi nhau, mất anh mất em là cái chắc.
Các đồng chí lãnh đạo xã tâm sự ngoài công việc chính quyền giải quyết vụ việc ở địa phương còn là tình cảm đồng chí đồng đội, là tình làng nghĩa xóm, là tối lửa tắt đèn có nhau, việc vui việc buồn của người dân chúng tôi cũng coi như việc của gia đình và người thân nhà mình. Thật là khó khăn, trăn trở, thật là bế tắc ! Gặp được đoàn trợ giúp pháp lý của tỉnh, UBND xã đặt rất nhiều hy vọng, được phân trần, được chia sẻ, mấy khi được “quan trên” nhìn xuống . Đoàn trợ giúp pháp lý thật sự chịu áp lực công việc cần phải quyết tâm tư vấn hòa giải vụ này để giúp địa phương, đồng thời tạo nên dấu ấn tạo niềm tin và uy tín cho Trung tâm.
Thế là chúng tôi bắt đầu tìm hiểu tiếp xúc vụ việc: Vụ việc bắt nguồn từ cái bể nước mưa giữa hai nhà, số là ông A và ông P đã được bố mẹ chia cho nhà đất cùng tài sản liền kề và đã được chính quyền địa phương xác định ranh giới, mốc giới rất cụ thể . Lẽ ra “đất giăng dây, cây cắm sào” , “của nhà ai về nhà ấy ” nhưng vì anh em ruột thịt nên ông A vẫn sử dụng bể nước đã xây hơn 30 năm nay ở phần đất ông P . Mọi việc cứ trôi đi như thế cho đến một ngày con ông P muốn phá dỡ để xây dựng công trình trên đấy nhưng ông A không đồng ý, ông cho rằng cái bể nước đã có hơn 30 năm, hai bên gia đình không có ý kiến gì, coi như mặc nhiên thừa nhận mốc giới hơn nữa đó là vật kỷ niệm của ông để lại từ thời bao cấp – cái thời kỳ rất khó khăn, vì thế nó rất đáng quý nên ông A không cho phá dỡ.
Chỉ có như thế thôi nhưng mâu thuẫn đã âm ỉ dẫn đến xung đột gay gắt quyền, lợi ích giữa hai nhà khiến làng, xã bàn tán xôn xao, không ngớt. Người ta không ngờ rằng hai anh em là “khúc ruột trên, khúc ruột dưới”, là cán bộ quân đội nghỉ hưu, là những người vào cái tuổi “xưa nay hiếm” có đông con nhièu cháu, là Đảng viên có nhiều tuổi Đảng ở địa phương đã có một thời vào sinh ra tử bảo vệ Tổ quốc bảo vệ sự yên bình cho nhân dân trong đó có gia đình mình mà giờ đây đối xử với nhau còn hơn cả người xa lạ.
Đứng trước sự việc đó, với tấm lòng nhiệt huyết với nghề cùng cái tâm trong sáng và không phải là “bụt nhà” những cán bộ trợ giúp pháp lý tỉnh quyết tâm hoà giải sự tranh chấp này, góp phần vào sự bình yên của xóm làng. Đoàn trợ giúp pháp lý đã đến nhà hai ông (nhà 2 ông cách trụ sởUBND xã 2,5 km ) để trực tiếp lắng nghe ý kiến của gia đình hai ông để qua đó sơ bộ nắm bắt được sự việc và cũng đã tận mắt chứng kiến thấy đống vật liệu ngổn ngang và những màn đấu khẩu gay gắt giữa hai bên gia đình. Với quyết tâm hoà giải vụ việc đến cùng, Đoàn trợ giúp đã phối hợp với chính quyền xã mời gia đình 2 ông đến đến UBND để lắng nghe và phân tích cho họ hiểu về điều hay lẽ thiệt, hiểu thấu đáo về lý và tình, về sự được mất của họ trong vụ tranh chấp này, về ảnh hưởng đến văn hóa làng xã.
Tiếp xúc với ông A (có mặt cả người con cả hiện là bí thư chi bộ) trong sâu thẳm cán bộ trợ giúp pháp lý nhận biết ông A muốn gì, cần gì; đó là danh dự và quyền lợi vật chất là “tiền” chỉ vì anh em không dám nói thẳng nó thật để vợ con cháu chắt chen vào gây phức tạp mất mát quá lớn, anh em không muốn nhìn mặt nhau nữa, bà con làng xóm chê cuời, họ sẽ phải dằn vặt trong lương tâm và mang theo kỷ niệm thật buồn này với tổ tiên khi nay mai về thế giới bên kia, để rồi trách các cụ để lại tài sản chăng ?
Thế là vừa kiên trì thuyết phục hai bên, vừa đánh giá diễn biến tâm lý của hai ông vừa lật giở nhưng qui định của pháp luật dân sự, những qui định khác về quyền sở hữu , về nghĩa vụ tôn trọng ranh giới giữa các bất động sản (điều 264, điều 265 Bộ luật dân sự năm 2005) cho 2 ông nghe. Qua hàng giờ phân tích, giải thích về đúng sai, mất mát về tình anh em, gia đình, uy tín danh dự của cán bộ Đảng viên đã về hưu… Cán bộ Trợ giúp pháp lý đưa ra gợi ý hợp lý hợp tình là ông A nên đồng ý cho ông P phá dỡ cái bể nước để cho con ông P xây dựng công trình nhà cửa, ông P sẽ hỗ trợ cho ông A 03 triệu đồng xây cái bể mới. Ý kiến được 2 bên nhanh chóng thảo luận nhất trí ông P trả cho ông A 2,5 triệu đồng và chấp nhận “thi hành ngay”.
Vụ việc lẽ ra rất là đơn giản nhưng do sự không hiểu biết, sự cố chấp của hai bên đã đẩy sự việc đi xa quá mức cần thiết, suýt dẫn đến hậu quả nghiêm trọng; để lại bài học về tình anh em, tình con người, bài học về sự cư sử và cái giá phải trả cho cuộc đời.
Vụ việc hoà giải thành đã có một ý nghĩa rất lớn đối với những người làm công tác trợ giúp pháp lý, nó có tác dụng to lớn trong cuộc sống, trong công việc tạo nên uy tín tình cảm đối với nhân dân và chính quyền, đem lại những giá trị phi vật chất, nhưng thật vô giá, thật nhân văn, thật sâu sắc đồng thời tạo nên sự phấn khích trong công việc của người làm công tác trợ giúp pháp lý.
Vụ việc đã để lại kinh nghiệm hoà giải trong TGPL LĐ đó là : hòa giải chính là việc tư vấn cho hai bên có quyền và lợi ích đối lập nhau; hòa giải khi TGLĐ khó mà dễ, dễ mà khó, khó với người này dễ với người kia, phải tự tin trong công việc , không chỉ có kiến thức kinh nghiệm mà còn phải nhạy cảm đưa ra những định hướng chuẩn xác hợp lý hợp tình, phải có quyết tâm cao, phải có sự phối hợp kết hợp với các cấp chính quyền và người dân, phải tận tâm, tận lực, gần gũi thương dân, làm việc khoa học khẩn trương thì trong thời gian ngắn khi TGPL lưu động vẫn có thể hoà giải được những vụ việc rất phức tạp cho cơ sở. TGPL lưu động là hoạt động thể hiện rõ nét nhất tính nhân văn của hoạt đông TGPL, là biểu hiện sinh động nhất đường lối gần dân, hiểu dân và thương dân của Đảng và nhà nước .TGPLLĐ càng có ý nghĩa nhân văn hơn khi nó có chất lượng hiệu quả mà biểu hiện rõ nét nhất là những đóng góp cụ thể cho người dân và chính quyền cơ sở như những vụ việc hòa giải thành công trong thời gian ngắn khi đi lưu động, chúng ta phải biến cái không thể thành cái có thể, cái khó thành cái dễ, cái chưa làm được thành cái làm được; sự đóng góp cho công việc cho cuộc sống những cái tốt cái cụ thể sẽ là đáng trân trọng, đáng tự hào là cái đáng để cố gắng và nên làm.